Hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Còn nhiều bất cập

CẨM TÚ/DNSGCT| 07/07/2015 06:43

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2015 vừa qua, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia thảo luận là những bất cập đến từ chính sách hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ.

Hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Còn nhiều bất cập

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2015 (VBF 2015) diễn ra ngày 9/6 vừa qua tại Hà Nội, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia thảo luận là những bất cập đến từ chính sách hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ.

Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Lẽ ra Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2014 nhưng quá trình triển khai gây ra nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp nên đã phải tạm ngừng thực hiện.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng lại Thông tư và dự kiến chuẩn bị ban hành. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến về những tiêu chuẩn chưa cụ thể, rõ ràng, cùng những hạn chế chưa được tiếp thu sửa đổi của dự thảo văn bản mới.

Dự thảo có thể trực tiếp gây hạn chế đầu tư

Trong chiến lược đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, Bộ KH&CN giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc hạn chế máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường tràn vào Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIII vào ngày 12/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân thừa nhận: “Nếu như không có những giải pháp, những hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành bãi rác công nghệ của thế giới”.

Để đưa ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ nhưng phù hợp với thực trạng phát triển của Việt Nam, đến nay Bộ vẫn còn loay hoay giữa các điều kiện thực tế và những mong muốn thiết thực của doanh nghiệp.

Tại VBF 2015, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng những hạn chế trong dự thảo có thể gây hạn chế thu hút đầu tư trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thiết bị sản xuất đã qua sử dụng đang tăng, đặc biệt với những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

Rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần xem xét lại quy định cứng nhắc về thời gian sản xuất cũng như thời gian đã sử dụng không quá 10 năm, ngoài ra nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định đánh giá tiêu chuẩn chất lượng còn 80% là không hợp lý, là khá cao so với thực trạng nền công nghiệp non trẻ nước ta.

Đại diện Công ty Microsoft cho biết, Microsoft có chính sách chuyển nhà máy từ Hungary và Trung Quốc về Việt Nam để trở thành nhà máy chủ chốt của tập đoàn. Tuy nhiên việc ban hành Thông tư 20 sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển giao quy trình công nghệ, vì các dây chuyền này đã được sử dụng ở các nước khác từ 15-20 năm.

Ông YoungJun Cho, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang có ý định chuyển công ty, nhà máy từ Việt Nam sang các quốc gia khác vì ngại gặp khó khăn đối với vấn đề nhập khẩu những thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây cũng là một trong những rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư mới vào Việt Nam.

Theo ông Phan Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Phát triển máy xây dựng Việt Nam, Việt Nam cần một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Ví dụ ngành cơ khí chế tạo, ngành máy móc thiết bị xây dựng Việt Nam hiện nay phụ thuộc 90% vào nhập khẩu máy móc thiết bị nước ngoài. Nếu ban hành Thông tư này, ngành cơ khí cũng như máy móc xây dựng Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác vì hầu hết các nước không có quy định hạn chế về chất lượng hay tuổi đời của máy móc đã qua sử dụng.

Việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng còn là để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Nếu ban hành Thông tư thì ngành nông nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều hạn chế.

Khâu giám định sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp trong ngành giấy, cơ khí góp ý rằng điều kiện nhập khẩu yêu cầu thiết bị phải đạt 80% chất lượng còn lại và thời gian sử dụng chỉ 10 năm trở lại là chưa bám sát với đặc thù từng ngành nghề, dễ gây phiền hà về thời gian, thủ tục khi giám định…

Chẳng hạn, một thiết bị mới của Trung Quốc sẽ không có cùng chất lượng như thiết bị đã qua sử dụng của châu Âu. Tương tự, các chủng loại thiết bị và máy móc khác nhau sẽ có vòng đời khác nhau và theo đó, nên áp dụng các mức yêu cầu khác nhau về chất lượng còn lại, thời gian sử dụng…

Thêm vào đó, hiện tại nước ta không đủ hệ thống máy móc cũng như nhân sự có trình độ để thẩm định chất lượng theo yêu cầu này, trong khi đó hướng mở cho tổ chức giám định nước ngoài tham gia chưa có.

Bà Lê Nguyễn Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Pháp chế, Công ty Intel cho biết việc nhập khẩu máy móc thiết bị thường được chuyển từ các nhà máy ở các nước khác nhau về Việt Nam. Do đó, việc giám định chất lượng còn lại của từng máy móc là rất khó.

Theo ông Nestor Scherbey, Trưởng Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, bản dự thảo Thông tư mới hướng đến việc đảm bảo các hàng hóa máy móc đều đạt được chỉ tiêu chất lượng, an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Vậy thay vì ban hành các biện pháp hạn chế thương mại mới, cách tiếp cận tốt hơn được đề xuất bao gồm hiện đại hóa, tăng cường sự tuân thủ và thực thi của các quy định pháp luật hiện hành từ phía các cơ quan quản lý, thông qua việc liên tục thực hiện các quy chuẩn quốc tế cập nhật nhất và xử lý trực tuyến các thủ tục hành chính. Cách tiếp cận như vậy sẽ phù hợp và giúp thực thi các yêu cầu của các hiệp định thương mại quốc tế và cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài nêu ý kiến: với các thiết bị vốn hàng triệu đô, chi phí tiết kiệm khi mua một máy móc đã dùng rồi trung bình có thể lên đến 50%. Vì vậy, việc tiết kiệm chi phí tiếp tục là một động lực chính, một nhân tố chủ đạo trong quá trình xem xét đầu tư máy móc, trong khi đó các nhân tố khác như lắp đặt, tính sẵn có của các phụ tùng, bảo trì, dịch vụ, chất lượng, đào tạo và an toàn, cũng đang nổi lên và dần chiếm vai trò ngày càng quan trọng hơn.

Cũng có một số góp ý rằng Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm Thái Lan không quy định cụ thể điều kiện khi nhập khẩu máy móc cũ. Đa số các nước khi đưa nhà máy cũ vào hoạt động chỉ cần đảm bảo tiêu chí môi trường, an toàn lao động, chất lượng. Nếu không tuân thủ các tiêu chí nêu trên, nhà nước sẽ buộc doanh nghiệp đóng cửa nhà máy. Trên thực tế, khó có cơ quan nào có thể thẩm định mức độ hoạt động hiệu quả thay cho chính bản thân doanh nghiệp.

>Công nghệ giá rẻ tràn vào VN

>Máy xây dựng: Nhập khẩu 100%

>Công nghiệp cơ khí Việt Nam: Tê cơ, nhụt khí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO