Hai mặt của tăng tỷ giá

TS. LÊ XUÂN NGHĨA - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI)| 10/07/2013 08:01

Tỷ giá thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tăng, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, tỷ giá tăng 0,6% không có gì là ghê gớm.

Hai mặt của tăng tỷ giá

Tỷ giá thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tăng, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, tỷ giá tăng 0,6% không có gì là ghê gớm.

Đọc E-paper

Xuất khẩu đang là một trong những nhân tố quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế. Điều chỉnh tỷ giá vào giai đoạn này sẽ có lợi cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, lạm phát đang thấp. Tăng tỷ giá hối đoái vào khoảng 10% sẽ tạo ra lạm phát ngắn hạn là 1,3%. Điều chỉnh tỷ giá 1% dường như không tác động gì đến lạm phát.

Tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chiều 27/6 đã lên tới 21.160 đồng/USD, cao hơn giá trần 0,6% và là mức cao nhất trong vòng một năm qua. Tỷ giá tăng do mấy nguyên nhân:

Thứ nhất, thường vào tháng 5, tháng 6 trở đi, nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn các tháng trước đó, thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng lên khoảng 1,9 - 2 tỷ USD và tăng nhanh trong hai tháng 5 và 6, trong khi 4 tháng trước đó thâm hụt chỉ trên 700 triệu USD đã tạo áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái.

Thứ hai, Việt Nam đang trong tiến trình chống đô la hóa, nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạn chế cho vay ngoại tệ. Bây giờ phần lớn lượng cung ngoại tệ là từ thị trường ngoại hối, khác với trước đây là từ tín dụng ngân hàng. Khi thị trường ngoại hối đã hình thành trên nguyên lý mua bán như vậy, bao giờ cũng có sóng nhất định và sự kiện tỷ giá tăng vào ngày 27/6 có thể là kết quả của những yếu tố như thế.

Thứ ba, yếu tố mang tính dài hạn. Khi lãi suất của đồng tiền Việt Nam giảm (đồng tiền mất giá), USD tăng giá so với VND là đương nhiên. Theo tính toán của NHNN, nếu tính mức độ mất giá của đồng tiền Việt Nam so với 23 đồng tiền trên thế giới, mức độ cần phải điều chỉnh tỷ giá khoảng từ 1 - 2%/năm.

Còn nếu tính trực tiếp từ đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la Mỹ thì cần phải điều chỉnh tỷ giá cao hơn. Nhưng thông thường người ta không tính như vậy do đồng đô la còn chịu tác động của nhiều đồng tiền khác chứ không chỉ riêng đồng tiền Việt Nam.

Chính vì thế, trong một năm, nếu NHNN không điều chỉnh tỷ giá thì thị trường cũng sẽ tạo sức ép buộc phải điều chỉnh, và ngày 27/6 vừa qua đã bộc lộ chuyện đó.

Trong vòng vài tuần trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hàng trăm triệu đô la Mỹ trái phiếu, nhưng đây không phải là yếu tố quan trọng dẫn đến tỷ giá tăng. Lợi nhuận của khu vực đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây rất lớn, đặc biệt là ngành điện tử và linh kiện điện tử.

Khi có lợi nhuận lớn, người ta mua ngoại tệ để chuyển về nước, đấy có thể là một lý do. Nhưng chỉ một vài tập đoàn lớn của nước ngoài làm như vậy thì không đến mức tạo ra một lượng cầu đủ chi phối cả thị trường. Bên cạnh đó, người ta cũng không dại gì mua vào một lúc, mà sẽ mua rải ra trong năm.

Không thể lượng hóa được sự bán ròng trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài tác động thế nào lên tỷ giá hối đoái. Việc hàng trăm triệu USD trái phiếu được các nhà đầu tư bán ra có thể có những tác động nhất định và điều này phụ thuộc vào mức độ can thiệp của NHNN.

Thời gian qua, NHNN can thiệp rất mạnh, do đó, sức ép từ việc các nhà đầu tư bán trái phiếu đã bị NHNN trung hòa bằng các công cụ của mình, nên tác động lên tỷ giá hối đoái rất ít, chỉ 0,6%. Nhưng xét về mặt bảng cân đối tài sản của NHNN là có thay đổi. NHNN phải bán ngoại tệ ra để can thiệp, làm cho dự trữ ngoại tệ có thể bị giảm chút ít.

Gần đây, NHNN đã bán ra một lượng ngoại tệ nhằm cân đối cung cầu thị trường nhưng một số ngân hàng thương mại (NHTM) cho là chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thực ra, nhu cầu là phải hiểu nó trên nền giá nào. Nếu giá thấp thì nhu cầu rất cao và có vẻ như chưa được đáp ứng, nhưng nếu giá cao lên thì nhu cầu lại thấp đi.

Chính vì vậy, trước khi NHNN điều chỉnh tỷ giá thì nói như vậy là đúng. Sau khi NHNN điều chỉnh lên, các NHTM không còn kêu là không đủ nữa, bởi điều chỉnh 1% đối với một đồng USD là không lớn, song đủ làm áp lực cầu giảm đi.

Nhưng nếu các NHTM vẫn thấy ngay cả sau điều chỉnh, áp lực vẫn còn lớn thì đấy là vấn đề NHNN phải cân nhắc: Một là, bán ngoại tệ để trung hòa, hai là, xem xét để có thể điều chỉnh thêm một chút nữa vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Một hiện tượng kinh tế bao giờ cũng có hai mặt. Nhóm này được lợi và có những nhóm khác bị thiệt. Việc điều chỉnh tỷ giá tăng, nhóm xuất khẩu được lợi, nhóm nhập khẩu bị thiệt, nhưng về tổng thể GDP tăng trưởng hay không là nhờ vào chênh lệch giữa xuất với nhập.

Trong trường hợp này, các nhà nhập khẩu kêu là đương nhiên, như Trung Quốc chẳng hạn, họ kêu nhiều nhất vì Việt Nam điều chỉnh tỷ giá lên làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam. Tại sao chúng ta lại không tính đến chuyện đó?

HẢI VÂN ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai mặt của tăng tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO