Gỡ nút thắt cho lúa gạo tạm trữ

01/07/2013 06:11

Nhiều địa phương cho biết sẵn sàng “thế vai” Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tham gia tạm trữ lúa gạo nhưng lại ngần ngại khi đề cập đến vấn đề đầu ra.

Gỡ nút thắt cho lúa gạo tạm trữ

Nhiều địa phương cho biết sẵn sàng “thế vai” Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tham gia tạm trữ lúa gạo nhưng lại ngần ngại khi đề cập đến vấn đề đầu ra.

Nút thắt đầu ra

Chương trình tạm trữ một triệu tấn quy gạo vụ hè thu được Thủ tướng giao cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện từ ngày 15-6 đến nay gần được hai tuần. Một số chính quyền địa phương tiếp tục lên tiếng cho rằng chỉ tiêu tạm trữ được VFA phân bổ không hợp lý.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, chỉ tiêu được VFA phân bổ cho các doanh nghiệp hội viên ở tỉnh chỉ có 15.000 tấn, chỉ chiếm 10% sản lượng gạo vụ hè thu, khó đảm bảo hiệu quả tạm trữ.

Ở đợt mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo vụ đông xuân diễn ra trước đó vài tháng, đại diện Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân hàng loạt địa phương như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang đã lên tiếng yêu cầu đưa chương trình tạm trữ lúa gạo về cho địa phương thực hiện. Thậm chí, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang còn đưa ra nhiều “kịch bản” tạm trữ khác nhau như huy động, phối hợp nguồn lực các doanh nghiệp ở tỉnh mạnh về cơ sở hạ tầng và kho bãi, các hợp tác xã trồng lúa, hệ thống kho của tỉnh…

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là đầu ra cho hạt gạo. Trong trường hợp địa phương tự tổ chức thu mua tạm trữ, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho rằng vẫn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với VFA để tìm đầu ra cho một lượng lớn lúa gạo như thế.

Theo các chuyên gia, nút thắt đầu ra cho lúa gạo tạm trữ đã thể hiện một vấn đề đã tồn đọng từ lâu, đó là năng lực của các doanh nghiệp tư nhân tham gia sân chơi xuất khẩu gạo đã bị hạn chế, dẫn đến suy yếu. Các địa phương lúng túng khi không có nhiều lựa chọn là lực lượng doanh nghiệp tại chỗ ở địa phương để phối hợp tìm đầu ra cho hạt gạo. Trong khi đó, vai trò chính trong việc mua tạm trữ lúa gạo hiện nay được Chính phủ giao cho các doanh nghiệp hội viên VFA, đa phần đã có sẵn cơ sở vật chất, thị trường xuất khẩu và đặc biệt là giấy phép xuất khẩu.

“Khi xuất khẩu thuận lợi thì mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì việc lệ thuộc vào doanh nghiệp VFA bắt đầu thể hiện nhiều hệ lụy”, một vị chuyên gia nói.

Theo vị này, doanh nghiệp thành viên VFA đa phần những doanh nghiệp có “cái gốc” quốc doanh, có tư duy kinh doanh ít nhiều bị bó hẹp, lệ thuộc vào các hợp đồng cấp chính phủ do hai tổng công ty lương thực đi đàm phán và mang về phân bổ lại. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm trở lại, số lượng hợp đồng chính phủ ký với các thị trường nhập khẩu truyền thống giảm mạnh khiến các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn và không tìm được hướng giải quyết. Trong tình thế đó, những hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp trở nên ngày càng quan trọng.

Cần “cởi trói” cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp lương thực quốc doanh có khả năng linh động và sự nhạy bén trong kinh doanh thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tư nhân ở các địa phương đã bị loại khỏi cuộc chơi vì quy định hạn chế số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) kể trong tháng 6 ông có chuyến công tác đến tỉnh Đồng Tháp và gặp một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép nay muốn chuyển qua kinh doanh lương thực.

Các doanh nghiệp nói trên đã đầu tư không ít tiền vào hệ thống kho chứa, cơ sở xay xát mà Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo, đã quy định và được Ủy ban nhân dân tỉnh ủng hộ tham gia mảng kinh doanh này nhưng đến khi xin giấy phép xuất khẩu thì Bộ Công Thương không chấp nhận. Nguyên nhân là bộ đã “khóa sổ”, không chấp nhận đăng ký mới vượt con số 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

“Nhiều doanh nghiệp tư nhân mặc dù không được giấy phép xuất khẩu gạo nhưng tôi biết có họ có năng lực và mong muốn gắn bó với nông dân và ngành nông nghiệp, đầu tư cho công tác khuyến nông, kho tàng, cơ sở hạ tầng sấy, xay xát…bài bản còn hơn nhiều doanh nghiệp quốc doanh. Gạt những doanh nghiệp như vậy ra khỏi thị trường thì có phải triệt tiêu động lực phát triển của ngành hay không?”, ông nói.

Chưa kể, theo một chuyên gia, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo cho Thủ tướng ban hành từ năm 2011 không quy định việc giới hạn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nhưng đến năm 2012, Bộ Công Thương lại giới hạn số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không vượt quá 100 doanh nghiệp.

Và mới đây, Bộ Công Thương trong dự thảo Quy hoạch doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng chỉ cho phép số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đến năm 2015 đạt tối đa 150 doanh nghiệp.

“Nghị định không quy định nhưng các nhà chấp pháp, ở đây là Bộ Công Thương, lại đưa vào, có phải đang làm trái với quy định Chính phủ ban hành?”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ cho rằng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay cần tôn trọng và hoạt động theo cơ chế thị trường, trong đó các thành phần tham gia được tự do tham gia và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Hạn chế các doanh nghiệp tham gia sẽ đi ngược lại với tinh thần của Luật doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, khi “cởi trói” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân, sẽ thúc đẩy họ tích cực tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa đầu ra cho hạt gạo, có như thế mới có hy vọng cải thiện giá trị sản phẩm này.

“Vì tìm kiếm thị trường là nhiệm vụ kinh doanh cốt lõi của từng doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo, không phải của Chính phủ cũng như tổ chức doanh nghiệp, ngành nghề như Hiệp hội lương thực”, ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ nút thắt cho lúa gạo tạm trữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO