Giếng quê

PHI TÂN| 15/06/2018 03:28

Cứ hè về là nhớ giếng nhà xưa với bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ.

Giếng quê

Làng tôi, một ngôi làng nhỏ ở miền Trung, không có giếng chung ở đầu làng, cuối xóm mà nhà nào cũng đào và xây một cái giếng trong vườn để lấy nước dùng hằng ngày.

Trước mặt làng là sông, sau lưng làng là biển, nên địa chất của làng là đất cát pha lẫn đất thịt, mạch nước luôn tràn trề. Cũng vì thế, giếng đào ở làng tôi không sâu hun hút như giếng ở vùng cao hay thành phố mà chỉ đào xuống chừng vài ba mét là đã có nước rồi. Hồi trước, nhà khá giả thì xây giếng bằng xi măng, nhà khó khăn thì chất bờ lô làm thành giếng, có nhà làm giếng bằng cả những tấm ghi sắt dùng làm cầu dã chiến trong chiến tranh còn sót lại...

Giếng nhà tôi được ông cố xây bằng gạch nung từ mấy chục năm trước, nước không trong lắm nhưng uống được. Cứ vài tháng khi gạch hai bên thành giếng mọc rêu là đến kỳ tát giếng. Tôi thích tát giếng vì mỗi lần tát giếng lại được nhảy ùm xuống nước mát lạnh, được thấy những lỗ phun ra làn nước trong mát thật lạ mắt và chân chạm tới tận đáy giếng.

Thường tát xong, bà nội tôi hay thả xuống giếng mấy cục than đang cháy đỏ để khử mùi phèn... Ngày Tết hay những ngày rằm lớn trong năm, bà nấu xôi chè cúng thần giếng. Bà bảo: "Giếng cũng quan trọng như bếp lửa trong nhà, hai ông thần hỏa và thủy này giúp cho người nhà mình được khỏe mạnh và giữ được hòa khí trong gia đình".

Ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng cây chung quanh giếng và làm một mái che trên thành giếng để ngăn lá hoặc trái cây rụng rơi xuống giếng và để nước giếng mát hơn trong những ngày nắng gắt. Trong số những cái giếng cho nước trong mát phải kể đến giếng ông Tâm, ông Tuần, chú Phương, o Thu ở gần chân độn cát trắng.

Nước trong những cái giếng ở đây luôn đầy và trong cho dù có hạn hán đến đâu. Mấy nhà ở gần ruộng, nước giếng chỉ dùng để giặt giũ, còn nước dùng cho ăn uống phải đi gánh ở mấy cái giếng tận cuối xóm. Cảnh mấy o le te đi gánh nước vào những buổi chiều tà nhìn cũng thi vị lắm. Thường mấy o thả vài chiếc lá trên mặt thùng nước để nước đỡ chao mà tràn ra ngoài.

Lũ con nít trong xóm hay rủ nhau lên rú cát tìm những trái cây dại như móc, sim, bù tru ăn, khi khát nước lại chạy về nhà o Thu, ôn Tâm... xin nước giếng uống. Mỗi đứa hả hê tu ừng ực một gàu nước giếng mát lạnh, rồi đùa nhau giội nước lên đầu, lên người. Vậy mà chẳng có đứa nào đau bụng hay cảm sốt chi cả, chắc là do nước giếng quê vừa mát vừa lành.

Tôi nhớ bài thơ Vườn xưa của Tế Hanh với hình ảnh cây ổi lá reo thầm thì và cái giếng nước sâu trong vắt... Cái giếng cùng những cây ổi, cây khế, cây nhãn... sum suê ở làng tôi bây giờ cũng đã thuộc về vườn xưa mất rồi.

Tôi cũng là người thuộc về vườn xưa quê cũ, nên cứ mỗi lần về làng lại tìm ra cái giếng thân thương, soi bóng xuống đáy giếng để thấy lại hòn bi ve của tuổi thơ đánh rơi, thấy mấy cục than bốc khói xèo xèo của nội và thấy cả những gương mặt bạn bè yêu thương thuở còn răng sún, tóc hoe vàng vì rong chơi dưới nắng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giếng quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO