Giàu lòng tham + nghèo lương tâm = phá sản

ANH THƯ| 10/06/2009 06:25

Cách đây bốn năm, khi thống kê về lượng hàng hóa do Trung Quốc (TQ) sản xuất, tờ The Economist (Anh) có bài viết dự báo rằng: Hàng “Made in China” sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng về giá” trên quy mô toàn thế giới. Các dự báo đều chính xác. Chỉ chưa đầy một thập niên, “cơn lốc hàng giá rẻ” đã tràn từ phương Bắc, len lỏi khắp thị trường thế giới, phá vỡ hết các rào cản về giá, tạo sức ép hạ giá trên mọi thị trường.

Cách đây bốn năm, khi thống kê về lượng hàng hóa do Trung Quốc (TQ) sản xuất, tờ The Economist (Anh) có bài viết dự báo rằng: Hàng “Made in China” sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng về giá” trên quy mô toàn thế giới. Các dự báo đều chính xác. Chỉ chưa đầy một thập niên, “cơn lốc hàng giá rẻ” đã tràn từ phương Bắc, len lỏi khắp thị trường thế giới, phá vỡ hết các rào cản về giá, tạo sức ép hạ giá trên mọi thị trường.

Qua đó, người tiêu dùng toàn cầu dần mở rộng, có cơ hội sử dụng những sản phẩm lâu nay thuộc về “xa xỉ phẩm”, như tủ lạnh, máy giặt, hàng điện tử... Hàng “Made in China” đã mang lại sự đa dạng hóa sản phẩm, cũng như tạo ra một thị trường cạnh tranh lan rộng khắp thế giới, triệt tiêu cơ chế độc quyền của các thương hiệu lớn.


TQ có được sức mạnh này nhờ những năm đầu của công cuộc hiện đại hóa đã định hướng trở thành “công xưởng của thế giới”, sử dụng triệt để giá nhân công rẻ của một đất nước dư thừa sức lao động và ưu thế của quy luật “số lượng áp đảo”. Tuy nhiên, cuộc chạy đua cắt giảm chi phí tối đa trở thành con dao hai lưỡi đối với công xưởng thế giới này khi quy trình giám sát bị lơi lỏng.

Tất cả chạy theo lợi nhuận khiến các tiêu chuẩn bị bỏ qua, từ vệ sinh, chất lượng đến an toàn. Khối “ung thư” này đã bộc phát qua một loạt vụ tai tiếng như sữa Tam Lộc có melamine, thức ăn dành cho chó mèo tại Mỹ chứa độc, quần áo, son môi, hải sản xuất khẩu hay đồ chơi có độc, có chì... Lỗi này trở thành đại dịch khi thông tin thiếu công khai, minh bạch, báo chí, quan chức câu kết che giấu sai trái, dư luận xã hội nhiều khi lại phải đứng ngoài lề.


Báo chí và dư luận VN mấy ngày gần đây cũng “phát sốt” với hàng TQ độc hại. Các chuyên gia, doanh nghiệp đau đầu sợ “chết chìm” trong biển hàng hóa từ nước láng giềng. Thực ra, cả thế giới cũng đã bàn vấn đề này từ rất lâu và rút ra một công thức chung rất đơn giản: Nếu không rẻ hơn được thì phải tốt hơn, an toàn hơn. Thực tế cho thấy, hàng “Made in China” ngày càng rẻ hơn nhưng sức cạnh tranh cũng ngày càng yếu đi khi vì số lượng mà phớt lờ chất lượng, coi thường sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Giàu lòng tham + nghèo lương tâm = phá sản.


Nhiều vụ tai tiếng của doanh nghiệp VN về chất lượng sản phẩm thời gian qua cũng đáng phải suy ngẫm về rủi ro giẫm lên vết xe đổ của hàng TQ. Về câu hỏi làm sao đảm bảo được chất lượng và an toàn thì một lần nữa lại quay trở lại với một loạt yếu kém mà thị trường cũng như doanh nghiệp VN đang đối mặt: Giám sát chuẩn hóa sản xuất, hoàn thiện cơ chế thanh - kiểm tra chất lượng hàng hóa và phát triển xuất khẩu chặt chẽ thông qua hợp tác quốc tế; pháp luật phải bảo vệ được người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ phải được tôn trọng triệt để...


Với chừng đó bài học quý giá, thiết nghĩ cũng phải có lời “cảm ơn” hàng “Made in China”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giàu lòng tham + nghèo lương tâm = phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO