Giáo dục đại học và nhu cầu của doanh nghiệp

VŨ HẢI ĐĂNG| 11/08/2012 08:10

Trong hai ngày 9 và 10/8, tại TP.HCM diễn ra chương trình Đối thoại Giáo dục Toàn cầu với chủ đề “Kỹ năng nghề nghiệp trong khu vực Đông Nam Á và nhu cầu nhân sự cho nền kinh tế mới - Thách thức đối với Giáo dục đại học”.

Giáo dục đại học và nhu cầu của doanh nghiệp

Trong hai ngày 9 và 10/8, tại TP.HCM diễn ra chương trình Đối thoại Giáo dục Toàn cầu với chủ đề “Kỹ năng nghề nghiệp trong khu vực Đông Nam Á và nhu cầu nhân sự cho nền kinh tế mới - Thách thức đối với Giáo dục đại học”.

Đọc E-paper

Hội nghị nằm trong chương trình đối thoại do Hội đồng Anh tổ chức tại sáu quốc gia châu Á kéo dài tới tháng 1-2013. Hai câu chuyện, một của Anh và một của Việt Nam dưới đây sẽ phác họa những thách thức đối với giáo dục đại học của chúng ta trong bối cảnh hiện nay.

Giải đua xe Công thức 1 (F1) và các cậu bé 15 tuổi


Lấy một giải đua xe ôtô đã quá nổi tiếng với hơn nửa tỉ người theo dõi qua truyền hình trên toàn cầu để bắt đầu bài viết này có vẻ như là một cách mở đầu lạc đề! Hơn nữa, giải đua xe Công thức 1 thì có liên quan gì đến các cậu bé 15 tuổi và các em 15 tuổi thì liên quan gì đến giáo dục đại học?

Thôi thì hãy cứ bắt đầu với câu chuyện có phần lạc đề này trước, rồi những giải thích sẽ được trình bày sau. F1 in Schools (Đua xe F1 đến trường học) là tên của một sáng kiến đã đến với 12 triệu học sinh tuổi từ 9-19 ở 34 quốc gia trên thế giới.

Hãy thử tưởng tượng, một cậu bé 15 tuổi thay vì lên lớp để nghe thầy đọc và chăm chỉ ghi chép thì nay sẽ bắt tay tham gia vào một F1 team (đội Công thức 1) gồm ba đến sáu thành viên và thực hiện những nhiệm vụ đầy thử thách như sử dụng phần mềm 3D CAD để thiết kế một chiếc xe đua tương lai, phân tích các yếu tố khí động học và bắt tay vào chế tạo chiếc xe đua đó.

Cuối cùng sẽ là tham gia cuộc đua thực sự để giành chiến thắng. Các thành viên F1 team còn phải lập dự án kêu gọi tài trợ, quản lý ngân sách và các hoạt động nghiên cứu, ăn ở hoặc đi lại.

Qua những thử thách đầy tính chuyên môn và “người lớn” nói trên, các em từ 9-19 tuổi sẽ phát triển sự hứng thú và say mê rất tự nhiên của mình với công nghệ thông tin, các ứng dụng thực tế về khí động học và những bài học quý giá về vận động tài trợ và marketing cho sản phẩm của mình.

Giáo sư Alison Halstead, Phó hiệu trưởng Đại học Aston - Vương quốc Anh, là người đứng đầu dự án thành lập Học viện Kỹ thuật thuộc Đại học Aston (sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng sau), đơn vị giữ vai trò Quản lý Khu vực miền Trung nước Anh của chương trình F1 in Schools.

Chia sẻ trong chương trình Đối thoại Giáo dục Toàn cầu do Hội đồng Anh tổ chức, bà nói: “Tôi luôn trăn trở về một điều, khi chúng ta càng học lên cao hơn thì sự hứng thú và nhiệt tình với việc học lại càng giảm đi. Học viện Kỹ thuật của Đại học Aston là một địa chỉ dành cho các em ở độ tuổi 14-19 được thành lập với mục tiêu giúp khơi dậy niềm hứng thú ở các em đối với các môn khoa học và kỹ thuật”.

Ngoài mối liên kết với chương trình F1 in Schools, học viện này còn liên kết với những doanh nghiệp lớn như Công ty Điện lực Quốc gia Vương quốc Anh (lĩnh vực bảo trì kỹ thuật), E-ON Công ty Năng lượng tư nhân lớn nhất thế giới (lĩnh vực năng lượng tương lai), Jaguar Land Rover (lĩnh vực kiểm soát bằng máy tính), Công ty Dịch vụ hạ tầng Amey (lĩnh vực điện tử), Công ty Bánh kẹo Cadbury lớn thứ hai thế giới (tự động hóa và chế tạo), Aston Martin Racing - đội đua ôtô mang thương hiệu ôtô nổi tiếng Aston Martin (lĩnh vực thiết kế trên máy tính).

Các em học sinh khi vào học viện được ghi danh vào một tổ chức nghề nghiệp ở lứa tuổi 16 và khi tốt nghiệp ở độ tuổi 19, tất cả các em sẽ được công nhận là những chuyên viên kỹ thuật công nghệ, có thể gia nhập thị trường lao động. Câu chuyện này cho thấy ranh giới đã trở nên rất mờ nhạt về lứa tuổi, về các cấp đào tạo (đại học và các cấp thấp hơn).

Dễ thấy dù là đại học hay học viện kỹ thuật dành cho các em học sinh 14-19 tuổi thì mục tiêu cuối cùng vẫn là trang bị cho các em kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể tự lập, tìm kiếm cơ hội và hòa nhập vào môi trường công việc sau khi ra trường, đó chính là mục tiêu của giáo dục đại học. Mang câu chuyện về một học viện được đầu tư hơn 15 triệu bảng Anh đặt trong bối cảnh Việt Nam là có phần khập khiễng.

Tuy vậy, có thể thấy rõ rằng sự linh hoạt về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động là một thách thức to lớn với giáo dục đại học Việt Nam, như trăn trở của bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà ngoại giao nổi tiếng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục. Bà nói: “Con đường học tập đâu có phải thẳng tắp; ở các nước thì khả năng liên thông từ cấp này lên cấp khác, thậm chí cho phép chuyển đổi lĩnh vực học tập trong nhà trường là rất phổ biến.

Còn cách tổ chức học tập của mình có quá nhiều bức tường giữa các khoa, các bộ môn, giữa các trường, các cấp. Có những người đi làm rồi mới quay lại học, hoặc bắt đầu học lại muốn đi làm, muốn bảo lưu để rồi đi làm một hai năm quay lại học. Nhưng không phải trường nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện như vậy”.

Lệch pha giữa doanh nghiệp và nhà trường ở nước ta


Trở lại với câu chuyện của Việt Nam. Những hình ảnh dưới đây được dùng để nói về những hoạt động không phải là hiếm gặp trong một ngày làm việc của sinh viên thực tập tại Việt Nam. Đây không phải là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả các doanh nghiệp vì các doanh nghiệp nước ngoài và nhiều doanh nghiệp năng động trong nước đã và đang có những chương trình thực tập nghiêm túc dành cho sinh viên.

Tuy nhiên, những hình ảnh này hay câu chuyện về nạn hình thức trong thực tập của sinh viên đã được đề cập đến bởi các doanh nghiệp, các nhà giáo dục tham dự cuộc Đối thoại Giáo dục Toàn cầu. Và vấn đề họ đặt ra là làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ bền vững và thực chất giữa nhà trường và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Mười hai năm trước đây, công ty toàn cầu về dịch vụ phần mềm Harvey Nash đã đến với Việt Nam như một sự tình cờ. Khi đó điểm đến quen thuộc của họ là Ấn Độ, nhưng chi phí trả lương cho nhân công bản địa ngày một cao và tình trạng nhảy việc phổ biến đã khiến Harvey Nash lựa chọn Việt Nam.

Trong sự lựa chọn này, khó khăn với Harvey Nash khi đó chính là vấn đề nhân lực. Các nhân viên Việt Nam vừa thiếu về số lượng lại ít có kinh nghiệm làm việc với khách hàng quốc tế, chưa nắm rõ về quy trình làm việc chuyên nghiệp, rụt rè trong giao tiếp... Mười hai năm sau, câu chuyện đã khác, từ vài nhân viên ít ỏi ban đầu, hiện nay Harvey Nash Outsourcing đã có khoảng 1.300 nhân viên tại Thành phố Hồ Chí Minh và 750 tại Hà Nội; kỹ năng của đội ngũ nhân lực này cũng đã được cải thiện rất nhiều.

Ông Paul Smith, Chủ tịch Harvey Nash Outsourcing, cho biết hiện tại công ty vẫn phải đào tạo lại cho mỗi nhân viên mới trong khoảng thời gian từ chín tháng đến một năm trước khi có thể thực sự sử dụng được họ.

Ông chia sẻ: “Giáo dục trong các trường đại học của Việt Nam vẫn nặng về lý thuyết học thuật, không theo kịp với sự phát triển trong lĩnh vực của chúng tôi. Chúng tôi luôn nỗ lực để hợp tác với các trường đại học ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thách thức thực tế nằm ở việc xây dựng mối quan hệ đối tác mà theo quy định phải tốn quá nhiều thời gian. Tôi nghĩ quan hệ đối tác phải là quan hệ hai chiều, nhưng chúng tôi lại thường phải làm mọi việc. Tuy vậy, chúng tôi thực sự rất muốn xây dựng những mối quan hệ chính thức với các đối tác trong lĩnh vực giáo dục”.

 Trò chuyện với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, Tổng giám đốc IBM Việt Nam hào hứng nói về SSME - hay Khoa học, Quản lý, Kỹ thuật, Thiết kế dịch vụ - một khái niệm do chính IBM sáng tạo để đáp ứng những thay đổi của bối cảnh toàn cầu ngày nay. SSME nâng dịch vụ thành một khoa học mang tính ứng dụng đa ngành; trang bị cho sinh viên các kỹ năng tích hợp về kinh doanh, công nghệ và kỹ năng con người.

Hiểu đơn giản, một kỹ sư công nghệ thông tin cũng là một người thiết kế dịch vụ; để thiết kế một giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh thì người kỹ sư đó cần phải trang bị cho mình tư duy của một người làm tài chính và kinh doanh khả dĩ có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất. Từ năm 2007, IBM đã làm việc với một số trường đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đưa SSME vào chương trình giảng dạy.

Tuy vậy vị Tổng giám đốc IBM cũng thừa nhận: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mặc dù có rất nhiều chương trình giáo dục, đào tạo chuyên sâu được tăng cường, đa số vẫn chưa thực sự đi đôi với một số yêu cầu công việc thực tế của các công ty đa quốc gia và chưa trang bị nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho hoạt động kinh doanh”. Một lĩnh vực khác là dệt may, ngành nghề có tới hai triệu lao động tại Việt Nam, thì tình trạng “lệch pha” giữa doanh nghiệp và nhà trường thể hiện rất rõ.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam VINATEX, hiện nay do các trường đại học ở Việt Nam gần như không còn đào tạo kỹ sư ngành dệt may, ngoài số lượng rất nhỏ khoảng dưới 50 sinh viên/khóa tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nên các doanh nghiệp trong ngành đã phải chủ động tạo nguồn nhân lực cho mình bằng nhiều hình thức như tự mở trường hay đào tạo tại chức.

Nhà trường cũng không còn hào hứng với các chuyên ngành phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may, đặc biệt là công nghiệp nhuộm trong khi ngành dệt may là ngành cần nhân công lớn và cũng là ngành đóng góp nhiều thứ hai về kim ngạch xuất khẩu. Và đây là một nghịch lý. Cũng theo ông Trường, việc thực tập của sinh viên tại doanh nghiệp cũng không nhiều, do chương trình giảng dạy chưa gắn chặt với hoạt động thực tiễn, thiết bị thí nghiệm lạc hậu. Về phía doanh nghiệp thì các chương trình thực tập lại ít và do hạn chế về chi phí.

Góp tiếng nói từ phía nhà trường, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, Phó giáo sư - Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh cho rằng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phải được xác định rõ ràng và điều này còn hạn chế đối với Việt Nam. Còn theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần phải có một “thỏa ước giữa nhà trường và doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự có trách nhiệm và nghĩa vụ bố trí công việc thực tập nghiêm túc cho sinh viên”.

Tuy nhiên, có thể thấy để đạt được thỏa ước này giữa nhà trường và doanh nghiệp cần sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách và cần một khoảng thời gian dài nữa. Và kể cả khi chính sách đã có mà sự đổi mới của giáo dục đại học không theo kịp biến động của thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp thì “thỏa ước” (nếu có) giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng khó tránh khỏi căn bệnh hình thức phổ biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo dục đại học và nhu cầu của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO