Giải pháp trực diện

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Hải Vân ghi)| 17/10/2012 01:20

Đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành một số giải pháp hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong giải quyết những khó khăn hiện hành. Các giải pháp ấy tập trung chủ yếu vào ba nhóm: Hỗ trợ đầu vào; giải quyết khó khăn về vốn lưu động và tiếp cận vốn ngân hàng; tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho.

Giải pháp trực diện

Đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành một số giải pháp hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong giải quyết những khó khăn hiện hành. Các giải pháp ấy tập trung chủ yếu vào ba nhóm: Hỗ trợ đầu vào; giải quyết khó khăn về vốn lưu động và tiếp cận vốn ngân hàng; tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, trên thực tế, các giải pháp ấy chưa thật nhất quán trong việc xử lý các vấn đề của nền kinh tế nói chung, khu vực DN nói riêng.

Vì vậy, niềm tin đối với sự nhất quán, kiên định của Chính phủ trong chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết khó khăn cho DN chưa thật vững chắc.

Các giải pháp “truyền thống”, như tăng cầu hay kích cầu, giảm cung bằng cách tăng bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế, tạm dừng đầu tư đối với những sản phẩm dư cung... không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn không phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay.

Phần lớn các kiến nghị để thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ không phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thậm chí có những kiến nghị, nếu thực hiện, còn làm tăng mức độ khó khăn. Ví dụ, các nhà máy sản xuất thép đang dư thừa công suất, tồn kho cao, nhưng vẫn có kiến nghị bố trí thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân để sớm hoàn thành một số dự án dở dang, thay vì chú ý đến thay đổi cơ cấu cung cho phù hợp với thực tế đã thay đổi.

Những vấn đề của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và đang giảm dần, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp.

Vì vậy, cần thực hiện các giải pháp trực diện như phải tập trung nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thay vì tiếp tục mở rộng về lượng; tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn cung mới phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội thay vì tập trung vào khai thác nguồn cung dư thừa hiện nay; huy động và phân bố lại nguồn lực sản xuất thay vì tập trung tính toán về tín dụng, lãi suất, tổng đầu tư, thâm hụt ngân sách...

Trọng tâm của các giải pháp trực diện là phải tập trung đổi mới thể chế, loại bỏ cơ hội chạy theo và lợi dụng các mối quan hệ thân hữu, xin - cho để trục lợi, loại bỏ cơ chế xin - cho, loại bỏ cơ chế ngăn cấm, hạn chế; phải minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh; đổi mới cách thức đổi quản trị DN nhà nước, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nguy cơ lạm dụng vị thế độc quyền hoặc vị thế thống lĩnh thị trường để trục lợi, tạo nên bất bình đẳng về quyền, cơ hội kinh doanh, gây thiệt hại về lợi ích đối với các DN thuộc thành phần kinh tế khác.

Về cải cách thể chế, cần phải xác định ngay từ đầu một số nguyên tắc chỉ đạo, làm nền tảng cho những thay đổi cụ thể trong hàng loạt quy định có tính pháp lý. Các nguyên tắc đó có thể gồm:

Thứ nhất, bỏ lối tư duy và làm chính sách theo lối không quản được thì cấm và hạn chế; hoặc soạn thảo, ban hành chính sách một cách tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn, xa lạ với cuộc sống thường ngày của người dân; dành thuận lợi, sự an toàn cho cơ quan, công chức nhà nước, đẩy khó khăn, rủi ro và chi phí về phía DN, người dân.

Thứ hai, giảm thuế và phí, giảm các quy định, giấy phép và can thiệp hành chính.

Thứ ba, giảm độc quyền thị trường; giảm và bỏ các ưu tiên, ưu đãi, quyền “đặc biệt” đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thứ tư, tăng mức độ minh bạch, thiết lập và nâng cao hiệu lực giám sát, cân bằng các lực lượng thị trường, đảm bảo các loại thị trường vận hành có hiệu quả, đúng quy luật của nó. Thứ năm, thiết lập hệ thống quản trị quốc gia tương xứng và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại; khắc phục tình trạng tập trung quyền lực quá lớn vào các bộ với thực trạng “3 trong 1” hay “4 trong 1” như hiện nay.

Việc triển khai thực hiện các công việc nói trên không thể một sớm một chiều. Do đó, trước mắt, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, cần tập trung tái cơ cấu DN nhà nước, các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt với quy mô và cường độ lớn hơn để nhanh chóng mang lại một số kết quả, cải thiện niềm tin của dân chúng và thị trường về một làn sóng cải cách mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp trực diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO