Giải pháp khôi phục niềm tin cho nông sản Việt

ĐỖ THẾ NGUYÊN VŨ - Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM-DV MART/DNSGCT| 25/04/2016 06:40

Ứng dụng công nghệ thông tin mà cụ thể là công nghệ truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và chất lượng nguồn nông sản xuất khẩu là một ý tưởng cần bắt tay làm ngay.

Giải pháp khôi phục niềm tin cho nông sản Việt

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mà cụ thể là công nghệ truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như chất lượng nguồn nông sản xuất khẩu là một ý tưởng cần bắt tay làm ngay.

Đọc E-paper

Việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua là công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên trường quốc tế trước ngưỡng cửa hội nhập. Đây là cơ hội cộng tác cùng phát triển của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp CNTT, cũng là cơ hội cho những người luôn phải chịu thiệt thòi như nông dân có thể vươn lên.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp nhưng nông dân vẫn ít được hưởng lợi từ những thành quả mình làm ra. Nông nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ dựa vào kinh tế hộ gia đình, năng suất lao động được đánh giá là còn thấp hơn cả hai nước láng giềng là Lào, Campuchia. Sản xuất manh mún còn kéo theo khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra của nông sản.

Bên cạnh đó, khâu quản lý chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao năng lực chế biến, xử lý sau thu hoạch cũng chưa thực sự được chú trọng trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Nông nghiệp nước ta chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ. Sản phẩm đầu ra của nông dân đến nơi tiêu thụ cũng phải qua nhiều trung gian. Đây là nguyên nhân đẩy giá nông sản lên cao. Trong khi đó, nông dân, cả người tiêu thụ, tiêu dùng đều mù mờ thông tin về sản phẩm. Chính vì vậy, mặc dù là lực lượng chủ đạo sản xuất ra nông sản nhưng dù giá xuất khẩu tăng hay giảm, phần lợi nhuận nông dân vẫn được hưởng rất ít.

Thời gian gần đây, tình trạng an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Thị trường đầy rẫy các loại rau và trái cây chứa dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản. Người tiêu dùng không hề có những thông tin đáng tin cậy về nguồn hàng mình mua. Người mua không thể nhận ra đâu là rau, trái cây an toàn bằng mắt thường, thậm chí đôi khi người bán cũng không biết được sản phẩm mình bán có an toàn hay không.

Không chỉ các sản phẩm thực phẩm trong nước không đảm bảo chất lượng, chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng mà gần đây, rất nhiều lô hàng rau quả, thủy sản, thực phẩm… của Việt Nam xuất khẩu bị trả về do hàm lượng chất cấm vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thú y thì 9 tháng của năm ngoái, Việt Nam có hơn 540 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị các nước trả về. Trong khi xuất khẩu chúng ta còn gặp nhiều vấn đề với các nước cạnh tranh thì các nước nhập khẩu lại không ngừng tăng cường rào cản kỹ thuật và thương mại cũng như đưa ra yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng nông sản nước ta.

Năm 2016 là thời điểm Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Để đứng vững và tạo giá trị thì việc cải thiện chất lượng hàng nông, thủy sản phải được quan tâm hàng đầu.

>>Khi nông nghiệp "ngại" công nghệ

Ứng dụng CNTT vào nông nghiệp chính là giải pháp để gỡ bỏ những khó khăn cho nông nghiệp và đảm bảo nguồn lợi chính đáng cho nông dân. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho rằng ứng dụng CNTT vào nông nghiệp tuy là con đường nhiều khó khăn nhưng đây chính là cách để Việt Nam không bị tụt hậu so với thế giới.

Nền nông nghiệp từ Israel là một bài học sinh động về thành quả từứng dụng CNTT, để từ nước có điều kiện đất đai khô hạn, khí hậu khắc nghiệt trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới. Trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục xác định CNTT là yếu tố then chốt tạo động lực quan trọng cho sự phát triển, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế, là con đường nhanh nhất để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, bước vào kinh tế trí thức.

Hiện Việt Nam là nước nằm trong Top 10 nước châu Á – Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm. Trang công nghệ PC Mag (Mỹ) mới đây còn hết lời ca ngợi sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam và so sánh nước ta là “Thung lũng Silicon của Đông Nam Á”.

Ngoài ra, Việt Nam hiện nay thuộc Top 10 các quốc gia có số lượng kỹ sư tốt nghiệp nhiều nhất hằng năm. Kỹ sư nước ta được các doanh nhân Nhật Bản đánh giá cao về kỹ năng và nỗ lực làm việc. Nếu tận dụng tốt nguồn này, chúng ta sẽ có một lực lượng kỹ sư giá rẻ và luôn sẵn sàng cho việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp.

Tại thời điểm này, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp ở Việt Nam rất hữu hạn, chủ yếu là ứng dụng trong các cơ quan quản lý ngành, còn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì mới có một số ít doanh nghiệp thực hiện. Đối với phần lớn người nông dân, dường như đây vẫn là câu chuyện “vượt quá tầm tay”.  

Trong khi đó, hầu hết các smartphone hiện nay đều có khả năng xử lý tốt hơn cho phép hỗ trợ nhiều ứng dụng, dễ dàng sử dụng để có thể “góp sức” cho việc làm nông. Theo đó, chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ giúp nông dân biết vườn cây nào cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa. Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và mọi hoạt động đều được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.

>>Nông nghiệp công nghệ cao: Tỷ phú làm nông

Việc ứng dụng CNTT có thể bắt đầu bằng việc phát triển những dòng sản phẩm kiểm soát dư lượng chất hóa học, thuốc trừ sâu trên các sản phẩm rau và trái cây. Theo đó, các kỹ sư CNTT sẽ xây dựng mạng lưới cảm biến được sử dụng để đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, carbon dioxide… hay những yếu tố cần thiết giúp phát triển tốt nhất một số cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu.

Đồng thời, chúng ta sẽ phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc ghi nhận lịch sử quá trình trồng trọt và thu hoạch như: giống, ngày trồng, ngày tưới, ngày phun thuốc trừ sâu, liều lượng thuốc…

Bằng các thiết bị cảm biến không dây, camera giám sát,… toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng sẽ được nông dân ghi lại tạo thành một nguồn dữ liệu. Mọi thông tin giữa doanh nghiệp và người sản xuất luôn được truyền tải chính xác và kịp thời, hiệu quả cao.

Các thiết bị điện thoại thông minh được sử dụng để chụp hình, lấy mẫu, gửi thông tin ngay lập tức về hệ thống để quản trị và có thể xử lý kịp thời nếu có vấn đề về sâu bệnh xảy ra. Nông dân sẽ phải tự bảo vệ và có trách nhiệm với nông sản mình làm ra, tạo nên tính minh bạch trong nông nghiệp.

Nguồn dữ liệu đó sẽ được tự động lưu lại thành hồ sơ về sản phẩm theo thời gian thực mà nông dân có thể cung cấp cho chúng ta, còn người tiêu dùng sẽ nhìn thấy những thông tin về sản phẩm. Họ biết được sản phẩm nông nghiệp họ đang sử dụng được sản xuất như thế nào nhờ các thông tin do hệ thống cảm biến và chính những người nông dân cung cấp trên sản phẩm. Người tiêu dùng cũng dễ dàng truy xuất những thông tin này dựa trên một ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Để tính minh bạch có hiệu quả, những thông tin mà nông dân cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá. Không còn các trường hợp rau VietGAP trộn rau ruộng gây mất niềm tin của người tiêu dùng trong thời gian qua như Thỏ Việt, Ngã ba Giồng…

Truy xuất nguồn gốc còn là công nghệ giúp mở rộng đường cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đối với các nước có nền nông nghiệp phát triển, việc truy xuất nguồn gốc vốn là việc làm thường xuyên và lâu dài trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhận báo cáo truy xuất dễ dàng bằng smartphone, trong đó ghi đầy đủ thông tin về nhà sản xuất ở tất cả các khâu, quá trình sản xuất, chất lượng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, nhà nhập khẩu. Thông tin tin cậy hơn do được cung cấp qua hệ thống độc lập của bên thứ ba.

Ngoài ra, chúng ta cần phát triển trang thương mại điện tử chợ đầu mối – chodaumoi.com để tiêu thụ sản phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng theo mô hình mua trước, bán trước, dẫn khách đến vườn ruộng, tận mắt chứng kiến hệ thống công nghệ. Hiện Việt Nam có hơn 150 chợ đầu mối nhưng chỉ có mua bán một cách manh mún, thu mua những nguồn hàng chưa kiểm định an toàn và hầu như không có sự liên thông.

Việc vận chuyển hàng hóa cũng cần được phát triển theo hướng “chia sẻ vận tải” như cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện thành công như: Uber, Grab… Đối với mạng lưới logistics chưa phát triển như Việt Nam, việc ứng dụng cách “chia sẻ” lĩnh vực logistics giúp vận chuyển hàng hóa một cách tối ưu hơn thông qua việc hành trình ngược lại khi xe di chuyển mà không có hàng, từ đó góp phần tăng năng suất, giảm chi phí vận tải, giảm ùn tắc giao thông.

Chúng tôi đã nghiên cứu giải pháp này trong 5 năm qua và nhận thấy đây là giải pháp hoàn toàn có khả năng hiện thực hóa bởi các nhà đầu tư và kỹ sư CNTT trong nước. Và lúc này chính là thời điểm cần thực hiện ngay để nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trong thị trường hội nhập.

>>D-Tech - Giải pháp nông nghiệp thông minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp khôi phục niềm tin cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO