Giấc mơ từ Facebook

HỒNG BÍCH| 11/09/2016 01:39

Một hơi thở hãnh tiến từ Facebook đang tỏa vào tôi mỗi ngày".

Giấc mơ từ Facebook

"Một hơi thở hãnh tiến từ Facebook đang tỏa vào tôi mỗi ngày", hôm qua tôi đã đọc một nhận xét như vậy từ trang Facebook của một nhà văn và suy nghĩ mãi về cảm giác của chính mình khi muốn từ bỏ tài khoản cá nhân mà tôi từng chăm chút, rồi lơi dần, và chỉ sử dụng để theo dõi thời sự xã hội, loại thời sự ít khi thấy trên mặt báo.  

Đọc E-paper

Nhưng số lần truy cập cũng ít dần vì mệt mỏi với đám đông hỗn loạn trên mạng xã hội mỗi ngày đều tìm một nạn nhân mới để thỏa mãn thói "ném đá giấu tay" - một tật xấu được nuôi dưỡng bởi các công cụ mạng ảo cho phép.

Nhưng gần đây, Facebook còn làm mệt mỏi vì một giấc mơ Việt hoàn hảo. Mọi người đều hoàn hảo và lạc lối trên chính trang cá nhân của mình. Bạn nghĩ gì khi một phụ nữ đang quản lý một trường đại học có thể đăng ảnh con trai út 20 tuổi đang cho tiền một bà lão trên phố với dòng chú thích: "Thật vui khi con trai mẹ biết chia sẻ”.

Và mọi người nhìn thấy gì trong hai bức ảnh đó? Một cậu con trai cao lớn, tốt tướng đang cúi xuống đưa tiền cho bà lão, bức thứ hai cậu đứng thẳng thật oai vệ cạnh bà lão, mắt nhìn thẳng vào ống kính, còn bà lão thì đang nhìn vào món tiền nhỏ!

Sự thô thiển đó tràn lan trên Facebook mỗi ngày, nó làm chúng ta bi quan về sự phát triển văn hóa đáng lẽ rất tuyệt vời khi mạng internet cung cấp công cụ để học hỏi và tiến bộ.

Nếu đó là trang Facebook của một phụ nữ có trình độ học thức thấp thì cũng có thể đọc được sự mãn nguyện chính đáng, nuôi được đứa con lớn khôn, có hành vi đẹp nên đem khoe. Nhưng đối với một phụ nữ trí thức, có điều kiện nuôi dạy con tốt thì hành vi đó trở nên phản cảm bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi những bức ảnh đó được "like" (thích) rất nhiều, với bao lời khen ngợi nhà có phúc, có quý tử biết làm việc nhân nghĩa khi còn trẻ.

Nhìn trên Facebook thường xuyên thấy một giấc mơ Việt hoàn hảo như vậy. Những chuyến đi nghỉ mát ở khách sạn 4 - 5 sao, những cuộc tiễn đưa con đi du học, những hình ảnh nhận bằng thạc sĩ ở nước ngoài. Chí ít chị em bỗng chăm chỉ nấu nướng, chụp ảnh mâm cơm đầy màu sắc đưa lên Facebook, thể hiện tâm hồn phong phú bằng thơ ca, nhạc họa, bằng vườn cây, hoa lá.

Giấc mơ Việt tưởng là hợp lý, là hoàn hảo, nhưng thật sự nó cứ gợi lên ý nghĩ rằng giấc mơ nhỏ như vậy thôi sao? Mẹ Việt dạy con điều gì khi tâng bốc những hành vi mà một đứa trẻ tiểu học đã được dạy và thực hành để trở thành bản chất vị tha tốt đẹp. Đời sống Việt thật sự là thế nào khi người người kéo nhau ra quán cà phê, "selfie" rồi đăng Facebook, ngày nào mở Facebook ra cũng chỉ thấy cà phê và nhà hàng.

Dường như cũng đến lúc nhiều người ngao ngán việc đếm "like" mỗi bài viết hay mỗi tấm ảnh, cũng tự lo cho bản thân trong tiếp nhận và đưa thông tin lên mạng xã hội, rồi nhắc nhở, kiểm soát con cái qua việc mỗi ngày ghé thăm trang cá nhân của chúng.

Thật ra tôi đang nghĩ đến những tiết học giảng về ứng xử trên mạng xã hội dành cho tất cả các lứa tuổi trong trường học. Bởi Facebook cấm người dưới 13 tuổi chơi Facebook, nhưng thực tế nhiều học sinh bước vào trung học cơ sở đều đã lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội này, và bắt đầu lạc trong mê hồn trận của một thứ "văn nói trên mạng" rất thiếu hụt văn hóa.

Chúng ta không thể cấm những thứ không thể kiểm soát, mà nên đối đầu thẳng thắn với những gì cuộc sống đang quan tâm dù tốt, dù xấu. Người lớn đã trưởng thành còn lạc lối trên mạng xã hội, còn hoang mang, thậm chí mất niềm tin vào cuộc sống từ những gì tiếp nhận trên mạng xã hội, thì những học sinh vị thành niên thật sự đang đối mặt với thách thức lớn về văn hóa mạng.

Thậm chí nếu cứ để mặc các em tự trang bị, tự tiếp nhận và không trang bị cho các em ý thức nền tảng, có thể trong 5 - 10 năm nữa, chúng ta sẽ tiếp nhận một thế hệ mới ra đời mang theo những đặc điểm thời trưởng thành từ Facebook, mất niềm tin hoặc quá tự tin đến mất hết những giá trị tối thiểu con người cần có là khiêm tốn, chia sẻ đúng đắn và cầu tiến.

>Tổn thương thực trong thế giới ảo

>Lên "Phây" xem gì?

>Mẹ già đâu ở trên Phây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giấc mơ từ Facebook
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO