Giá xăng dầu: Tránh để DN mất động lực phát triển

HẢI VÂN| 05/09/2012 04:48

Trong khoảng một tháng, cấp tập bốn lần tăng giá xăng dầu với biên độ lớn. Về lý, người ta vẫn nói phụ thuộc vào giá thế giới, điều hành theo cơ chế thị trường..., chuyện đó không tranh luận nhưng vấn đề ở đây là thời điểm. Trước kia còn tính 30 ngày, bây giờ chỉ còn có 10 ngày.

Giá xăng dầu: Tránh để DN mất động lực phát triển

Trong khoảng một tháng, cấp tập bốn lần tăng giá xăng dầu với biên độ lớn. Về lý, người ta vẫn nói phụ thuộc vào giá thế giới, điều hành theo cơ chế thị trường..., chuyện đó không tranh luận nhưng vấn đề ở đây là thời điểm. Trước kia còn tính 30 ngày, bây giờ chỉ còn có 10 ngày.

Thị trường đang rất “nhạy cảm” nhưng cơ quan chức năng đưa ra những điều chỉnh lại hoàn toàn không “nhạy cảm”. Doanh nghiệp (DN) sẽ càng khó khăn hơn khi sức mua thị trường yếu, hàng tồn kho lớn, không ít DN phải bán hàng bằng, thậm chí dưới giá thành để duy trì sản xuất.

Tăng giá xăng dầu đương nhiên giá thành bị đẩy lên cao và giá bán cũng phải khác đi. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khi hàng hóa đồng loạt tăng giá bán. Khi CPI tăng đồng nghĩa với lạm phát tăng, mà lạm phát đã tăng rồi thì lãi suất cũng sẽ bị đẩy cao lên, áp lực vốn DN tăng thêm. Mặt khác, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, lại phải chi thêm tiền điện, tiền xăng dầu, tiền học hành, y tế..., khiến túi tiền càng rỗng thêm.

Một hệ thống đường ống, phương tiện vận chuyển, mạng lưới bán lẻ... do Nhà nước đầu tư. Khi Nhà nước đã dành cho DN xăng dầu sự ưu đãi hơn ngành nghề khác thì phải đáp ứng được các yêu cầu của xã hội.

Nhưng từ xưa đến nay, chưa có một DN xăng dầu nào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để bán hàng rẻ đi, làm lợi cho Nhà nước. DN kinh doanh xăng dầu không thấy họ đang kinh doanh nhàn hạ nhất, không bị tác động nhiều bởi các chính sách vĩ mô, hay phụ thuộc vào những ngành nghề khác.

Theo giá xăng dầu thế giới, người ta cho đó là cơ chế thị trường, nhưng thực tế ở ta không như vậy, đây mới là mon men hơi hướng của thị trường. Chúng ta chưa có một thị trường phân phối xăng dầu cạnh tranh. Hiện nay, 11 DN đầu mối không cạnh tranh với nhau. 11 DN là một, nói chính xác hơn, trong đó có 2, 3 DN là chính, còn lại là ăn theo. Một thị trường như vậy mà lại vội vàng cho DN tự quyết về giá hiển nhiên sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Vấn đề ở chỗ nên hiểu quản lý nhà nước ở đây là như thế nào? Quản lý nhà nước không có nghĩa là DN nhà nước thì do Nhà nước kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước không xuất hiện như một thực thể để kinh doanh, nhưng có chính sách, cơ chế kiểm soát DN xăng dầu theo đúng quỹ đạo.

Trong điều kiện hiện nay, cái tốt nhất là tạo ra môi trường cạnh tranh, tình hình sẽ khác nếu 11 DN chào giá khác nhau. Nhưng cách làm ở ta không như vậy, bởi quyền lực tập trung vào 3 DN lớn. Tất cả sẽ cùng được lợi khi tăng giá bán và một công ty nhỏ đề nghị tăng giá sẽ khó, nhưng sẽ dễ dàng hơn với công ty lớn. Như vậy, 11 DN cùng được lợi và cái lợi ấy lớn hơn rất nhiều lần so với cái lợi cạnh tranh sòng phẳng, không tăng giá để bán được nhiều hàng.

Những gì diễn ra đối với thị trường xăng dầu trong một năm qua rõ ràng cho thấy nhiều bất cập trong quản lý hơn. Xăng dầu là một trong những yếu tố thể hiện an ninh năng lượng quốc gia, nó có khả năng chi phối lớn tới đời sống xã hội nên phải tìm những DN đủ tầm để đảm đương.

Lúc này mà 11 DN vẫn nghĩ đến lợi nhuận nhiều, lãi nhiều là không thể chấp nhận. Trong tình thế này, không có con đường nào khác là DN phải chịu thiệt và Nhà nước phải chịu bỏ ra nhiều hơn, cả xã hội phải nghĩ đến chuyện đó, tránh để DN mất động lực phát triển. DN nhà nước mất động lực có thể thay thế bộ máy lãnh đạo, nhưng với khu vực kinh tế tư nhân, mất động lực là rất nguy hiểm.

Tránh lãng phí trong phân bổ nguồn lực xã hội, có thể 11 DN này sẽ là lực lượng duy nhất để phân phối xăng dầu của đất nước, nhưng phải theo hướng cạnh tranh. Cơ quan quản lý vẫn có thể điều chỉnh giá, nhưng phải giãn thời điểm, với biên độ vừa phải, giúp DN vượt cơn bĩ cực. Đặc biệt, mỗi lần điều chỉnh, các cơ quan quản lý nên nghĩ đến toàn bộ lợi ích của cộng đồng DN, của nền kinh tế, chứ không chỉ là 11 DN xăng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá xăng dầu: Tránh để DN mất động lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO