Gạo Việt không thể mãi phụ thuộc Trung Quốc

20/12/2013 00:44

Sau cơn bão Haiyan, Philippines đã nhanh chóng đưa thông tin muốn mua 500.000 tấn gạo dự trữ.

Gạo Việt không thể mãi phụ thuộc Trung Quốc

Sau cơn bão Haiyan, Philippines đã nhanh chóng đưa thông tin muốn mua 500.000 tấn gạo dự trữ. Phiên đấu giá dự kiến có Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, giờ chót Campuchia vắng mặt. Kết quả, Việt Nam trúng thầu toàn bộ 500.000 tấn gạo cung ứng cho Philippines với mức giá thấp hơn thị trường. Hợp đồng này là một điểm nhấn cho thị trường gạo Việt bởi từ đầu năm đến nay, những hợp đồng tập trung với sản lượng lớn như thế này không nhiều.

Từ đầu năm, gạo Việt Nam bắt đầu khó khăn khi thị trường vốn là chủ lực của Việt Nam như Indonesia, Philippines, Malaysia đang giảm nhập khẩu do họ ngày càng tăng khả năng tự túc lương thực. Philippines vốn là thị trường truyền thống nhưng chỉ sau bão họ mới mua thêm 500.000 tấn gạo. Trước đó, nước này mới chỉ mua của Việt Nam 362.000 tấn gạo trong năm nay. Trung bình các năm trước, nước này mua khoảng 2 triệu tấn/năm.

Gạo Việt Nam gặp khó khăn khi các nước ngày càng chủ động tự cung cấp.

>Tìm tên cho hạt gạo Việt Nam
>Gạo VN hút khách quốc tế
>
Xuất khẩu gạo: Lắm mối, rối thị trường

Thêm một khó khăn khác, trước đây hầu hết gạo Việt Nam thường xuất khẩu chủ yếu qua các hợp đồng giữa hai chính phủ ký với nhau, nên mức giá dễ thỏa thuận hơn. Tuy nhiên, gần đây các nước này cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia nhập khẩu gạo.

“Chính vì tư nhân tham gia mua gạo nên họ tự do lựa chọn thị trường và chọn mức giá rẻ hơn để nhập”, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết. Từ đầu năm nay, nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của Việt Nam đã bị giảm sút và ngừng lại do bị ép giá.

Hợp đồng xuất khẩu chính phủ thời điểm 9 tháng đầu năm 2011 chiếm 44% thì tỉ lệ này chỉ còn hơn 13% so với cùng kỳ năm nay. “Thị trường Philippines giảm 63%, thị trường Malaysia giảm 35% và Indonesia chưa ký hợp đồng nào”, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định.

Không ký được hợp đồng tập trung, giá thị trường bị ép, các doanh nghiệp gần như ngừng giao dịch. Vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 7,5 triệu tấn xuống còn 6,7 triệu tấn do một thời gian dài không ký được hợp đồng.

Đơn hàng giảm, giá giảm, các doanh nghiệp sản xuất gạo tư nhân bắt đầu ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với giá cao hơn thị trường. Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Trung Quốclà thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. 11 tháng nhập chính ngạch gần 2 triệu tấn, bằng cả năm 2012, chưa kể gần 1,4 triệu tấn gạo tiểu ngạch qua đường biên mậu so với năm 2012 là 400.000 tấn.

Tính chung cả chính ngạch, Trung Quốc năm nay chiếm 50% thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc đang trở thành thị trường chủ lực, thay thế những sụt giảm của thị trường truyền thống trước đây.

2 thị trường chính tiêu thụ gạo của Việt Nam

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 6,2 triệu tấn với giá trị 2,67 tỉ USD, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm 50%. Đến nay, gạo Việt Nam đã gần như không còn để xuất khẩu và đang chờ vụ mới vào giữa tháng 2 năm sau.

Tuy nhiên, một mối lo ngại là thị trường Trung Quốc đang dần có sự ảnh hưởng và chi phối đến Việt Nam. Bằng chứng là sau một thời gian Trung Quốc không mua gạo qua đường chính ngạch thì Việt Nam phải xuất ồ ạt qua đường tiểu ngạch.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng việc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc thời gian qua xảy ra nhiều vấn đề, gian lận thuế xuất khẩu, xù hợp đồng, mua bán thiếu sự ràng buộc chặt chẽ. Một số hợp đồng khai mua bán chính ngạch nhưng khi thực hiện lại xuất tiểu ngạch qua biên giới để gian lận thuế.

Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, gần đây gạo Việt Nam đang bắt tìm phương hướng xuất khẩu vào những thị trường khác. Mới đây, Việt Nam đã có thỏa thuận từ 5 nước từ châu Phi nhưng còn khó khăn trong thanh toán và vận chuyển nên thị trường này chưa phát triển mạnh.

Gần đây nhất, khi Mexico có nhu cầu nhập gạo Việt Nam, các doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến vào đây. Thậm chí, có những doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất riêng cho thị trường này.

Hiện nay Mexico phải nhập 90% lượng gạo tiêu thụ trong nước và có tới 75% khối lượng đó được nhập dưới dạng thóc và chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ. Chính vì vậy, nước này có nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Sau khi đánh giá cao gạo xuất khẩu của Việt Nam, đại diện Mexico mong sớm tìm ra cơ chế thích hợp để nhập khẩu gạo Việt Nam và dần dần tìm hiểu để đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu tới các thị trường khác trong khu vực.

Nước nào cũng tính phương án tự sản xuất lúa gạo như vậy nên hiện nay một số nước vốn nhập khẩu với sản lượng lớn đã tự lực 50% như Indonesia, Philippines, chỉ có Trung Quốc vẫn còn nhập khẩu với số lượng lớn.

Các nước xuất khẩu gạo lớn đang tăng sản lượng và tăng tồn trữ như Thái Lan, Ấn Độ. “Vì vậy, thị trường gạo năm 2014 tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt, khó có khả năng giá tăng cao như năm 2012 trở về trước”, ông Phong nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gạo Việt không thể mãi phụ thuộc Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO