EVFTA - cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

HẢI VÂN thực hiện| 17/02/2017 06:22

EVFTA không có giới hạn nào khi xóa bỏ toàn bộ các loại thuế áp trên hàng hóa, đảm bảo sự ổn định và khả năng dự báo của các nhà xuất khẩu Việt Nam.

EVFTA - cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

EU đang là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Ông Claudio Dordi - Trưởng Nhóm Chuyên gia tư vấn Dự án EU-MUTRAP nói: "Thông báo của Tổng thống Mỹ về việc rút khỏi TPP chắc chắn sẽ khiến EVFTA trở thành hiệp định thương mại quan trọng và toàn diện nhất của Việt Nam". 

Đọc E-paper

* Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Theo ông, nhờ có EVFTA mà EU có thể trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam?

- EVFTA sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan áp lên các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam và EU. Một số sản phẩm của Việt Nam xuất sang EU sẽ ngay lập tức được giảm thuế về mức bằng 0, thuế suất áp với các mặt hàng nhạy cảm khác sẽ được giảm xuống 0% trong vòng 7 năm, như thuế đối với hàng dệt may, giày. Điều này tác động lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, hiện đang chịu mức thuế trung bình vào EU lên tới 10%.

Hiệp định thương mại tự do này sẽ nâng cấp quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU. Hiện tại, EU vẫn coi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và áp dụng đơn phương những mức thuế ưu đãi dành cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam theo chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP).

Nếu GSP có những giới hạn nhất định và được sửa định kỳ 3 năm một lần thì EVFTA lại hoàn toàn không có giới hạn nào khi xóa bỏ toàn bộ các loại thuế áp trên hàng hóa, đảm bảo sự ổn định và khả năng dự báo của các nhà xuất khẩu Việt Nam.

* Theo quan sát của ông, cách ứng xử của EU với Việt Nam như thế nào nếu trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam?

- EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế, sửa đổi những quy định trong một số lĩnh vực để đạt tới cấp độ của những quốc gia phát triển.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các nước châu Âu, nhiều nhà máy từ đây đã di chuyển sang châu Á trong 20 năm qua (đặc biệt là sang Trung Quốc) và xuất khẩu sản phẩm trở lại châu Âu để tận dụng chi phí sản xuất rẻ tại những quốc gia nhận đầu tư. Không những thế, nhu cầu nội tại của EU cũng giảm xuống do thu nhập của tầng lớp trung lưu và các tầng lớp thấp hơn (đây là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ cuộc khủng hoảng) giảm sút.

Vì thế, một hiệp định thương mại tự do đơn giản chỉ để mở cửa thị trường nội địa châu Âu sẽ không đủ sức thuyết phục Quốc hội EU. Cũng vì lý do này, EVFTA không chỉ là một thỏa thuận thúc đẩy tự do hóa thương mại mà còn có những chương quan trọng nhằm hỗ trợ Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh và pháp luật, thuyết phục người dân châu Âu rằng môi trường kinh doanh và pháp lý tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.

Công dân và người tiêu dùng EU sẽ không chấp nhận nhập khẩu những sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nhà sản xuất châu Âu cũng sẽ không chấp nhận việc phải cạnh tranh với những hàng hóa nhập khẩu, sản xuất bởi những doanh nghiệp không tuân thủ đúng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường hay không đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động, không chịu sự điều khiển của cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập.

Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kết thúc vào tháng 12/2015. Đầu năm 2016, hai bên công bố văn bản Hiệp định và tiến hành sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực vào năm 2018.

Vì thế EVFTA có một chương yêu cầu các thành viên phải cải cách luật cạnh tranh và thành lập một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với quyền lực đủ lớn để thách thức bất cứ công ty độc quyền nào trong thị trường nội địa, đặc biệt là các công ty gây hạn chế cạnh tranh đối với các nhà đầu tư từ EU, hạn chế những ưu đãi không công bằng dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện những quy định về vấn đề này trong EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho người Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam. Người lao động sẽ được bảo vệ quyền lợi, doanh nghiệp tư nhân sẽ có khả năng cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nhà nước.

Tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh và kỹ thuật, sản xuất phù hợp với các quy định môi trường, bảo vệ quyền lợi của người lao động, hành xử một cách công bằng trên thị trường trong nước là điều kiện then chốt giúp tăng thêm sản lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU, đặc biệt là sẽ nâng cao chất lượng của ngành xuất khẩu Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực.

* Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt khoảng 0,75% tổng giá trị nhập khẩu của EU. Theo ông, các chính sách của Việt Nam nên thay đổi theo hướng nào để giải quyết được những tồn tại về xuất khẩu vào thị trường này?

- Những rào cản chính cản trở xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là thiếu năng lực nâng cao chất lượng, ví dụ về bảo vệ sức khỏe và an toàn môi trường. Điều đó làm giảm khả năng tạo ra các thương hiệu giúp hàng hóa từ Việt Nam trở nên phổ biến và được người tiêu dùng châu Âu chấp nhận là đủ tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.

Sản xuất đi đôi với thỏa mãn các tiêu chuẩn môi trường và quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không những khiến sản phẩm dễ được khách hàng EU chấp nhận hơn mà còn tạo ra sự bền vững cho nền xuất khẩu Việt Nam.

* Cám ơn ông!

>Vì sao sản phẩm dừa Bến Tre vẫn chưa xuất khẩu?

>80% tiêu Việt Nam sẽ khó vào thị trường châu Âu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVFTA - cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO