Duyên nợ với nghề y

MẠC ĐẠI| 15/03/2015 03:07

Khi tôi đang học lớp ba hay lớp bốn gì đó, Hà, đứa bạn học hiền hậu cũng là đứa cháu xét về vai vế trong họ, bị vàng da rồi mất.

Duyên nợ với nghề y

Khi tôi đang học lớp ba hay lớp bốn gì đó, Hà, đứa bạn học hiền hậu cũng là đứa cháu xét về vai vế trong họ, bị vàng da rồi mất.

Đọc E-paper

Lúc đó, lũ trẻ con chúng tôi chưa nhận thức một cách rõ rệt tính chất nghiêm trọng của sự chết chóc. Chỉ biết là nó nghiêm trọng hơn việc Hà không đi học nữa, không giống như những đứa bỏ học khác hoặc những đứa bạn theo cha mẹ vào vùng kinh tế mới đâu đó xa tít mù khơi.

Nhưng thoảng qua rất nhanh trong đầu tôi là ý nghĩ liệu một bác sĩ thật giỏi có thể cứu được Hà hay không, hoặc nếu là một bệnh viện giỏi thì có "trả” Hà về như vậy không. Nhưng rồi những ý nghĩ ấy cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng như thể ký ức về con đường lên mộ Hà.

Năm lớp năm tôi bị viêm cơ khá nặng. Nội đắp đủ các loại lá nhưng không ăn thua. Cuối cùng Nội đành lắc đầu: "Nó phải có cái miệng thì đắp lá mới bục miệng mà ra, đằng này chẳng có cái miệng nào". Đành vào nhà thương huyện (lúc đó vẫn gọi là nhà thương).

Vào phòng tiểu phẫu thấy rõ một trường hợp bị viêm cơ phải mổ. Ôi thôi là la hét, rồi máu mủ. Sợ chết khiếp nhưng vẫn phải chấp nhận chờ đợi đến ngày được lên bàn mổ vì cái chân đau nhức kinh khủng.

Nhưng một lần vào nhà vệ sinh của nhà thương thấy mất vệ sinh quá, ghê không chịu nổi nên ngay lập tức trở ngược về nói với chị Hai, lúc đó cũng chỉ mới học lớp chín, đang nuôi bệnh: "Trốn viện thôi!". "Mày điên hả em?", chị Hai sửng sốt. "Không điên. Biết cách rồi, về nhà tự chữa", tôi quả quyết.

Chị không hiểu gì nhưng cũng vui vẻ cùng tôi trốn viện. Chẳng nhớ là có bị cha mẹ la rầy cho một trận nên thân không nhưng nam nhi chi chí, lỡ nói rồi thì phải làm. Vậy là lặng lẽ chuẩn bị y cụ: lén lấy dao lam cạo râu, nhíp nhổ râu của cha làm bộ đồ mổ, lấy vải vụn (lúc đó trong nhà còn may quần áo) làm bông gạc.

Tầm chín, mười giờ sáng, lê cái chân sưng vù, đau nhức vào bếp. Tính toán rất kỹ lưỡng: nấu trước một nồi nước muối để nguội và nấu một nồi nước sôi trụng hết dụng cụ phẫu thuật, kể cả vải vụn.

Yên chí là vô trùng hơn nhà thương vì ở đó người ta pha nước từ bình thủy móp méo vốn không giữ ấm được bao lâu. Rửa chân bằng nước muối đàng hoàng. Cầm dao lam cùn mẻ đưa lên chỗ viêm. Canh chỉnh đúng chỗ. Nhắm mắt. Nín thở. Vừa trách, vừa tự động viên mình.

Xoooẹẹẹẹtttt... Cùng với cái đau ngất lịm, tê điếng là một tiếng rào. Máu mủ phun bắn cả lên vách bếp, trên bếp, vào nồi nước sôi, rơi cả xuống tro ấm. Ngay lúc đó nghe một tiếng rầm.

Ngoảnh lại, thấy mẹ còn tái mét hơn cả tôi. Hóa ra là mẹ vừa đi chợ về đúng ngay thời điểm cao trào. Không nhớ lúc đó mẹ vừa la hoảng, vừa xuýt xoa những gì. Chỉ biết mình đã đi qua cái thời khắc khó khăn nhất.

Nhưng như vậy chưa phải là xong. Cái đoạn nhét gạc vào trong vết thương mới là đau cùng cực. Mà phải ráng, vì sợ nếu không nhét gạc vào thì miệng vết thương sẽ đóng lại. Kiên gan thế nào không biết mà vẫn nhét được khối gạc bằng vải vụn vào vết thương.

Sau đó mỗi ngày tôi lại mang mình ra tra tấn bằng cách rút gạc, rửa vết thương, rồi nhét gạc mới vào. Không biết thời gian tự đày ải mình là bao lâu mà cuối cùng tôi cũng giải quyết xong cái ổ viêm to tướng. Hơn ba mươi năm sau, nhìn xuống chân phải vẫn thấy dấu tích ngày xưa rõ mồn một.

Chắc hồi đó đường dao lam đi quá ngọt. Giờ hỏi mẹ cảm giác thế nào vào lúc thấy con thực hiện ca phẫu thuật đó, mẹ bảo: "Thằng quỷ làm mẹ sợ chết điếng".

Vậy mà sau đó cái ý nghĩ đi theo ngành y không bao giờ gợi lên trong đầu nữa. Ngẫm lại mới biết không phải bản thân không thích ngành y, đơn giản là vì lúc ấy cứ nghĩ nghề y là một nghề quá cao quý, xa vời mà một đứa trẻ chân lấm tay bùn như tôi không bao giờ với tới được.

Chỉ mơ làm bác thợ mộc, hoặc khá hơn một chút là giáo viên trường làng. Đến lúc tự đánh giá được khả năng học tập của mình thì tôi cũng chỉ nuôi mộng làm phóng viên, nhất là sau khi thi đậu vào lớp chuyên văn của trường chuyên tỉnh Nghĩa Bình.

Ước mơ này rất kiên định từ lớp bảy, sau khi đọc tác phẩm Núi đồi và thảo nguyên, cho đến cuối năm lớp mười hai. Lúc đó mặc cho bạn bè ríu rít rủ nhau đi học thêm các môn tự nhiên để thi đại học, tôi vẫn yên tâm tự ôn luyện văn, sử, địa.

Niềm tin có được một chỗ ngồi trong Trường đại học Tổng hợp (bây giờ là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) là rất lớn. Thế nhưng đùng một cái, cha bắt thi vào Đại học Y Dược vì thời đó còn lưu truyền câu "nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa".

Dùng quyền lực không được, cha xuống nước năn nỉ: "Nuôi con gần hai mươi năm, cha chỉ xin con chiều lòng cha một lần này thôi, và không phải cho riêng cha mà cho con và cả dòng họ nữa". Đến nước ấy thì tôi đành phải quy phục.

Thế là tôi vào trường y. Thời điểm đó cách đây đã 22 năm. Trong khoảng thời gian đó có rất nhiều niềm vui nhưng cũng không ít lần tuyệt vọng, đau đớn. Tự soi xét lòng mình, tôi chưa bao giờ có ý định, dù chỉ là thoáng qua, muốn bỏ nghề y. Với tôi, nghề y là tình yêu đến sau hôn nhân.

Đến lúc này, tự hỏi lòng vẫn không thể trả lời được nếu không theo nghề y thì sẽ theo nghề gì cho phù hợp với mình. Dẫu đã được làm thầy của không ít thế hệ sinh viên và đồng nghiệp trẻ, tôi vẫn luôn thấy mình là một đứa học trò trong nghề.

Nghề y, với tôi, luôn có nhiều điều bí ẩn và kỳ diệu thôi thúc mình dấn thân khám phá. Có lẽ những hạt mầm tình yêu đối với nghề y đã được gieo trồng một cách vô thức từ cái chết của bạn, từ lần ngồi trong bếp tự phẫu thuật cho mình. Âu tất cả cũng là duyên. Một chữ duyên vi diệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Duyên nợ với nghề y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO