Đừng bỏ lỡ cơ hội kiến tạo phát triển

TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (HẢI VÂN ghi)| 22/06/2017 06:34

Dựa vào các đối tượng kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, Chính phủ có thể phải thỏa hiệp với những điều kiện cải cách cứng rắn, qua đó trì hoãn những điều chỉnh mà một chính phủ kiến tạo cần thúc đẩy.

Đừng bỏ lỡ cơ hội kiến tạo phát triển

Đang là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại các nguồn lực cho tăng trưởng do bối cảnh hội nhập thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô có thể không mang lại kết quả như mong muốn. 

Đọc E-paper

Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn là điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù số liệu cho thấy thâm hụt ngân sách có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây (so với GDP), nợ công và nợ chính phủ vẫn liên tục tăng. Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XIV đã đồng ý nâng mức trần nợ chính phủ lên 54% GDP so với mức 50% trước đó.

Về cơ bản, điều này chỉ mang tính chất kỹ thuật, chấp nhận mức nợ công thực tế chứ không mang tính chất bắt buộc nhằm kiểm soát nợ. Trong khi đó, nếu không có các biện pháp cụ thể mang tính thực tiễn thì mức trần nợ công 65% GDP và nợ Chính phủ 54% GDP sẽ bị phá vỡ trong năm 2017.

Chưa hết, tỷ trọng chi dành cho đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm, từ mức trung bình 29% chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 xuống còn 25,6% giai đoạn 2011 - 2015 và 19,7% ước tính năm 2016. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên. Do đó, đầu tư phát triển buộc phải sử dụng các nguồn vốn vay, dẫn tới tình trạng nợ công gia tăng nhanh hơn trong những năm gần đây.

Chính phủ có quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, bất chấp nhiều cảnh báo rằng mục tiêu đó là kém khả thi. Những biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng lại mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành (Chỉ thị 24/CT-TTg, 2/6/2017). Chẳng hạn như chỉ thị ngành dầu khí tăng sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

Dựa vào các đối tượng kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, Chính phủ có thể phải thỏa hiệp với những điều kiện cải cách cứng rắn, qua đó trì hoãn những điều chỉnh mà một chính phủ kiến tạo cần thúc đẩy.

Chưa hết, phương thức giao chỉ tiêu nhưng không tạo động lực mới hoặc cho cơ chế khuyến khích sẽ không mang lại kết quả bền vững.

Như vậy, hoặc là Chính phủ sẽ luôn phải duy trì chế độ kế hoạch hóa (với hiệu quả giảm dần) hoặc nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp khi Chính phủ từ bỏ phương thức quản lý này. Cả 2 khả năng đều cho thấy cơ hội kiến tạo bị bỏ lỡ.

Việc truy đuổi tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi cơ hội phục hồi tăng trưởng bền vững trong trung hạn, thậm chí khiến cơ hội kiến tạo bị bỏ lỡ. Thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của Chính phủ trong việc thực thi những cam kết "kiến tạo một cách khả thi và hiệu quả", đặc biệt là đối với những vấn đề nóng của nền kinh tế.

>>Chính phủ kiến tạo phát triển: Bài học từ Nhật Bản

Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã có những điểm sáng nhưng Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên cao nhất cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp. Những nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những dự thảo văn bản pháp quy mới có khuynh hướng trao nhiều quyền lực cho cấp bộ hơn, như vậy là tạo thêm cơ hội cho giấy phép con thay vì "cởi trói" cho doanh nghiệp. Có thể vẫn cần thêm thời gian để đạt được sự phối hợp, nhất trí giữa các cơ quan thực thi các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, nhưng Chính phủ cần lưu ý đến nghịch lý này.

Kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên - nguyên nhân chính dẫn đến nợ công tăng cao. Không cách nào khác, Chính phủ phải thực hiện nghiêm khắc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên cũng như những khoản dành cho hoạt động hội đoàn.

Cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn.

Nhà nước phải thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các doanh nghiệp nhà nước lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại nhà nước. Việc này có thể giúp bổ sung nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động.

Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ cũng như USD ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản. Ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường. Trên thực tế, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế.

>>11 nhân vật đang kiến tạo nên tương lai châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng bỏ lỡ cơ hội kiến tạo phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO