Đồng tiền nào là đồng tiền sang?

BÍCH HỒNG| 13/04/2013 06:06

Cách nay mấy tuần, tình cờ dự một phiên chợ quê mang phong cách chợ Hội An thế kỷ XIX: thúng mủng, khoai sắn, rơm rạ, tiếng sáo chiều bay trên đồng, ghe thuyền qua lại bắt cá hoặc thả hoa đăng, vài món đồng quê.

Đồng tiền nào là đồng tiền sang?

Cách nay mấy tuần, tình cờ dự một phiên chợ quê mang phong cách chợ Hội An thế kỷ XIX: thúng mủng, khoai sắn, rơm rạ, tiếng sáo chiều bay trên đồng, ghe thuyền qua lại bắt cá hoặc thả hoa đăng, vài món đồng quê.

Đọc E-paper

Để có mặt tại phiên chợ ấy, mỗi du khách phải trả hơn 100USD. Vậy mà ông chủ ý tưởng làm chợ phiên bán được sản phẩm "chợ" ấy cho khối tập đoàn quốc tế lớn muốn thưởng cho nhân viên một chuyến du lịch công vụ kèm thưởng thức văn hóa bản địa.

Thay vì vào nhà hàng - khách sạn 5 sao giữa Sài Gòn ăn tôm hùm, trứng cá muối Nga, họ kéo nhau ra giữa đồng đất thôn quê Hội An và chấp nhận trả khá nhiều tiền cho việc xem mấy thứ dân dã của văn hóa bản địa. Nếu không có mặt ở đó, rất có thể bạn tưởng nhầm đó là đám khách Tây thừa tiền "no cơm rửng mỡ", bỗng dưng lên cơn "thương nhớ đồng quê”.

Cái giá hơn 100 đô la Mỹ đi chợ phiên buổi tối hoàn toàn không đắt, nếu như người khách ấy đủ tầm để biết thưởng thức vẻ đẹp hài hòa và bình dị nhưng chứa đựng nếp sống văn hóa nhiều trăm năm của một dân tộc toát ra từ phiên bản chợ quê được làm kỹ lưỡng.

Đó là cách những người có văn hóa thể hiện "đẳng cấp" hưởng thụ cầu kỳ và kỹ lưỡng, chứ không phải như thoạt nhìn chỉ là chuyện "thúng mủng và rơm rạ”.

Dĩ nhiên sẽ rất khập khiễng nếu đem "cân đo" để xem giữa "tôm hùm, trứng cá muối Nga" và "thúng mủng, rơm rạ Hội An" bên nào sang hơn. Món nào cũng là quốc hồn, quốc túy của một dân tộc được sản sinh, chưng cất từ cuộc sống.

Chỉ cần đặt đúng chỗ thì ấy là cách hưởng thụ sang trọng và đáng "đồng tiền bát gạo". Còn không biết sử dụng đồng tiền, mà tiền nào chẳng là mồ hôi của ai đó, thì sao gọi là đồng tiền sang!

Còn nhớ cách đây chưa lâu, một chàng ca sĩ lên báo khoe nhà của bố mẹ mình. Người ta chóng hết cả mặt với hàng trăm món đồ cổ chen lấn trên các nóc tủ, cầu thang; da hổ, báo, sừng tê giác, tranh nhái có khung mạ vàng to vài mét chễm chệ trên tường.

Cả căn nhà từ tầng một đến tầng bốn trông chẳng khác gì cửa hàng bán đồ cổ, nội thất, đồ phong thủy và chủ nhân vô tư cười vào mũi các nhà hoạt động môi trường khi căng những bộ da thú quý khắp nơi.

Rồi cứ như phong trào, rất nhiều người nổi tiếng cho phép phóng viên vào chụp ảnh khoe nhà hơn trăm tỷ đồng, những ngôi nhà luôn là cửa hàng thập cẩm, cái gì cũng có, cũng đắt tiền hơn của thiên hạ là... biết chơi rồi.

Tai hại ở chỗ ngôi nhà ấy tố cáo trình độ văn hóa của chủ nhân. Trong quá trình học làm sang, các chủ nhân thấy dễ nhất là xây nhà to và đưa về đó những gì đắt tiền nhất, hiếm nhất, nhốt hết vào cái gọi là... tổ ấm trăm tỷ.

Để có được vẻ sang trọng, thẩm mỹ phải học hỏi và tích lũy lâu dài, dẫu không phải ngày một ngày hai có ngay được, nhưng bên cạnh các chủ nhân nhiều tiền của không thiếu gì các chuyên gia về kiến trúc và nội thất nhiều kinh nghiệm, có thể kết hợp được cá tính của chủ nhân với tiêu chí chung vẫn được gọi tên là sự "hài hòa và nhã nhặn".

Đừng để sau lưng mình thiên hạ buông chữ "trọc phú” hay nhẹ nhàng hơn là "phong cách nhà giàu mới nổi". Ấy là cái sự sang chưa chín tới của cách xài tiền.

Cách đây ít lâu, người ta bỗng thấy những buổi hòa nhạc giao hưởng được tổ chức trên góc "phố Tây" ở Hà Nội. Chương trình mời những nghệ sĩ đàn dây tài danh nhất của các dàn nhạc thính phòng Hà Nội chơi nhạc cổ điển cho... dân chúng nghe giữa phố.

Thỉnh thoảng ban tổ chức còn mời thêm các ngôi sao ca nhạc như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh biểu diễn, hoặc mời các họa sĩ trẻ tham gia bày tranh ngay bên đường cho công chúng thưởng lãm. Nhà tài trợ nghệ thuật là ai? Về sau người chịu chơi ấy lộ diện là một doanh nhân trẻ xuất thân từ gia đình kinh doanh có tiếng.

Doanh nhân trẻ bỏ ra rất nhiều tiền không phải để làm thương hiệu cho doanh nghiệp, mà chỉ là muốn thực hiện những sân chơi văn hóa "sang trọng" hoàn toàn miễn phí, cho công chúng, với những loại hình nghệ thuật đã bị lơ là, lãng quên nhiều thập kỷ qua. Những hoạt động này đã tạo ra một khoảng không gian phố lịch lãm cho người Hà Nội.

Doanh nhân này còn bỏ kinh phí lập ra và duy trì một diễn đàn nghệ thuật trực tuyến, ngày ngày lặng lẽ làm công việc phổ cập những kiến thức, tinh hoa về mỹ thuật, nhiếp ảnh, cố gắng đưa những giá trị nghệ thuật cả cổ điển lẫn hiện đại đến với người Việt, cố gắng để có một diễn đàn cho các họa sĩ bàn bạc nghiêm túc chuyện nghề.

Sau vài năm, diễn đàn này đã nổi tiếng trong giới trí thức trẻ yêu nghệ thuật. Cả hai hoạt động nêu trên chỉ là chuyện... chơi, bởi nó chẳng dính líu gì đến lĩnh vực kinh doanh của người bỏ tiền tài trợ, cũng không thu lại bất cứ đồng bạc nào.

Nhưng như thế, nhìn vào mới biết, chỉ là chuyện chi tiền nhưng đem lại sự sang trọng cho nhân cách và phông văn hóa, còn ngược lại, nó tạo ra thảm họa về hình ảnh một người giàu mới nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng tiền nào là đồng tiền sang?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO