Dòng sông của cuộc sống

HENNO KOTZÉ - LÊ TÂM dịch| 20/02/2012 09:23

Một hôm, đang ngồi trước máy vi tính và tự hỏi nguồn cảm hứng cho bài báo kế tiếp của mình sẽ bắt đầu từ đâu, tôi nhìn ra ngoài và thấy một trong những chiếc xà lan nạo vét sông đang tiến vào kênh. Tôi thường bị choáng ngợp những khi nghĩ đến hệ thống kênh rạch phong phú của thành phố và sự kết nối giữa chúng với dòng song lớn: sông Sài Gòn.

Dòng sông của cuộc sống
Henno Kotzé

Một hôm, đang ngồi trước máy vi tính và tự hỏi nguồn cảm hứng cho bài báo kế tiếp của mình sẽ bắt đầu từ đâu, tôi nhìn ra ngoài và thấy một trong những chiếc xà lan nạo vét sông đang tiến vào kênh.

Tôi thường bị choáng ngợp những khi nghĩ đến hệ thống kênh rạch phong phú của thành phố và sự kết nối giữa chúng với dòng song lớn: sông Sài Gòn. Dòng sông này thật sự là tâm hồn của thành phố, là nơi mà từ đó thành phố được xây dựng nên.

Song, thật lạ khi hầu hết chúng ta đều biết rất ít về nguồn sức mạnh tự nhiên này dù rằng hằng ngày có vô số các hoạt động diễn ra nơi đây.

Tôi từng có cơ hội khám phá dòng sông vài lần. Cách đây mấy năm, bạn tôi có một chiếc canô đặt đóng tại địa phương và tôi được mời đi chơi ngược xuôi trên sông nhiều lần. Có lúc chúng tôi lướt ván trên sông, có khi chỉ là đi hóng gió.

Thật thú vị khi thấy được cuộc sống sông nước của rất nhiều người dân. Họ đánh cá, nấu nướng, cung cấp hàng hóa và xăng dầu cho những chiếc thuyền khác ngay tại “bậc thềm” của những ngôi nhà vốn cũng lềnh bềnh trên mặt nước.

Tôi từng có những lúc kinh ngạc một cách thích thú khi ngắm những con tàu chở hàng khổng lồ hoặc những tia sáng hào nhoáng chiếu ra từ những chiếc tàu du lịch vào ban đêm.

Tôi cũng tò mò trước những con tàu ngoại quốc với những cái tên ấn tượng kỳ lạ, tự hỏi rằng chúng chở những hàng hóa gì, đến từ đâu và sẽ đi đâu.

Tôi thích ngắm nhìn tàu cánh ngầm chuyển động êm ả, thân của tàu được nâng lên khỏi mặt nước mang theo những người đi làm xa và du khách tới Vũng Tàu.

Thế nhưng, khi đi ngược dòng lại, bạn sẽ ở trong một thế giới khác. Những vùng kênh rạch bao phủ với tràm, đước và những căn nhà cắm cọc trên sông, những chiếc xuồng nhỏ với hai người đàn ông đánh cá kiếm sống.

Thật khó hình dung rằng vất vả nghèo khổ này chỉ cách quận 1, nơi trung tâm nhộn nhịp và xa hoa của thành phố có 15 phút.

Không chỉ những hoạt động trên sông khiến bạn thú vị, mà những kiến trúc nằm bên sông cũng khiến bạn ngạc nhiên. Nhiều khi tôi có cảm tưởng cứ như thể những người khổng lồ đã sử dụng bờ sông Sài Gòn làm chỗ để đặt trò xếp hình Lego của họ.

Tôi thích đi trên sông, ngước nhìn lên cầu Phú Mỹ phía trên, nơi có những cột bê tông hình chữ H, những bó dây cáp lớn giữ mọi thứ lại với nhau và đoàn xe máy nhìn như đàn kiến đen nhỏ xíu nhộn nhịp qua cầu.

Dọc theo sông ở xa hơn, bệ cần cẩu to lớn đang bốc những bao gạo và hàng hóa lên tàu nhìn như những cánh tay côn trùng khổng lồ.

Dòng sông không chỉ hấp dẫn bởi quy mô của nó mà sự kết nối liên thông và phụ thuộc lẫn nhau giữa thành phố và sông - đất và nước - mới thật sự ấn tượng.

Đi vào các quận nội thành Phú Nhuận hay Tân Bình, bạn vẫn có thể phải qua cầu và bắt gặp một con kênh nối với sông – dù thường là một con kênh đen ngòm và đầy rác (hiện tại người ta vẫn đang nỗ lực tiến hành để làm sạch kênh Nhiêu Lộc và Thị Nghè).

Đi xa hơn đến Bình Chánh, bạn sẽ thấy những chiếc ghế đầy màu sắc xếp thành hàng ở bờ kênh trong khi các đôi tình nhân vừa âu yếm vừa uống cà phê còn những ngư dân kiên nhẫn thả cần tìm kiếm bữa ăn khuya.

Dọc theo đường Trần Xuân Soạn vào cuối buổi chiều, bạn lại được chứng kiến những hoạt động mua bán sôi nổi từ những chiếc tàu nhỏ trên kênh Tẻ.

Thế nhưng, điều khôi hài là khi hỏi bốn người rằng sông Sài Gòn bắt nguồn từ đâu, bạn sẽ nhận được bốn câu trả lời khác nhau vì không ai biết chắc nơi nó bắt đầu.

Có người cho là ở Campuchia, trong khi số khác nói rằng ở Đồng Nai hay Bình Dương. Nhưng dù cho dòng sông này bắt đầu từ đâu, tầm quan trọng của nó với cuộc sống của người Sài Gòn là không thể chối bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng sông của cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO