Doanh nghiệp Việt chuẩn bị nhân lực cho đổi mới sáng tạo

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ (*)| 24/04/2018 03:00

Đổi mới sáng tạo cũng dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các doanh nghiệp (DN). Xu hướng này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn vì DN kỳ vọng vào lợi tức đầu tư (ROI) cao.

Doanh nghiệp Việt chuẩn bị nhân lực cho đổi mới sáng tạo

Tin vui năm 2018: Chính phủ đã ký Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong nhà trường. Điều này góp phần đưa ngành giáo dục chính thức tham gia vào hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) của cả nước.

Công nghệ số phát triển chóng mặt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng đến từng ngôi nhà, xí nghiệp, môi trường kinh tế thay đổi, các mô hình kinh doanh biến động khôn lường. Để tăng khả năng cạnh tranh, các quốc gia đều khuyến khích doanh nghiệp (DN) phát triển theo hướng tổ chức ĐMST.

Theo số liệu từ Ocean Tomo (quỹ đầu tư hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài sản trí tuệ), cơ cấu tài sản vô hình theo giá thị trường của 500 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đã tăng từ 17% năm 1975 lên 84% năm 2015. Từ những kết quả nghiên cứu và thống kê qua nhiều năm, Ocean Tomo đã chỉ ra tài sản vô hình ngày càng trở nên quan trọng.

Đổi mới sáng tạo cũng dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các DN, xu hướng này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn vì DN kỳ vọng vào lợi tức đầu tư (ROI) cao. Khả năng ĐMST giúp DN sớm thích ứng với những thay đổi từ môi trường kinh doanh và cũng là yếu tố quyết định sự thành công khi bước vào sân chơi toàn cầu. Hoạt động này không chỉ giới hạn ở sản phẩm, dịch vụ mới mà còn ở phương thức kinh doanh mới, mô hình quản trị mới. Không phải ngẫu nhiên các nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ "năng lực ĐMST" thay cho "năng lực cạnh tranh".

Để giải bài toán chuẩn bị nguồn nhân lực cho ĐMST đòi hỏi trước tiên là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ như là yếu tố tiên quyết. ĐMST (innovation) khác với phát minh (invention), là quá trình DN phát triển các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay hệ thống quản lý mới để đáp ứng các yêu cầu do sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ hay mô hình cạnh tranh. Mà để làm được điều này thì cần sự chung tay, góp sức của cả ngành giáo dục lẫn DN.

sd20-6316-1523939830.jpg

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 có 20% lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo và họ chính là đội ngũ trọng yếu giúp thúc đẩy việc biến tri thức thành các sản phẩm và xử lý các quy trình ứng dụng công nghệ có giá trị trên quy mô lớn tại các DN.

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khơi gợi tính sáng tạo cho lực lượng này, cần sớm tạo lập một môi trường giáo dục cởi mở, khuyến khích tiếp cận các môn học có tính ứng dụng cao như "học qua dự án" (project-based learning) hay "học qua vấn đề” (problem-based learning).

"Học qua dự án" là cách tiếp cận để tạo lập các dự án kinh doanh, khởi nghiệp, hay đơn giản chỉ là những dự án từ các sáng kiến hỗ trợ, cải thiện trường, lớp, địa phương với sự giúp sức của mentor (người hướng dẫn). "Học qua vấn đề” là quan sát và suy nghĩ, thôi thúc tư duy của người học nghĩ những sáng kiến mới mẻ cùng với việc bắt tay vào thực hiện để trải nghiệm và niềm hân hoan khi đi được đến cùng với những ý tưởng sáng tạo của bản thân.

DN có thể chuẩn bị nhân lực ĐMST cho đơn vị mình bằng cách tham gia ngay vào việc đánh giá, tuyển chọn các ứng viên qua các cuộc thi, khóa đào tạo về ý tưởng khởi nghiệp ở "học qua dự án", hoặc giao đề tài trả phí với chủ đề liên quan đến vấn đề nào đó của DN trong môn "học qua vấn đề”.

Mỗi địa phương cũng cần sớm tạo lập một hệ sinh thái hỗ trợ ĐMST mà có thể ngay tại các công ty ươm tạo khởi nghiệp địa phương. TP.HCM được xem là trung tâm lớn về các loại hình ươm tạo DN của cả nước với 24 cơ sở ươm tạo DN cả nhà nước lẫn tư nhân. Các đơn vị này có thể đóng vai trò vừa là nơi tổ chức các khóa học cung cấp kiến thức nền tảng và kỹ năng ĐMST, vừa là cầu nối DN với nhân lực ĐMST.

Phát huy vai trò của địa phương trong việc nhân rộng, chuyển giao các mô hình khởi nghiệp đã thành công, qua đó thúc đẩy, khuyến khích các cá nhân, tổ chức quan tâm đến ĐMST; tìm kiếm dự án tốt tham gia ươm tạo; chuẩn hóa quy trình ươm tạo và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động ươm tạo cũng là một hình thức đóng góp lớn vào việc hình thành đội ngũ nhân lực ĐMST địa phương.

(*) Tác giả là Giám đốc vận hành Ylinkee Venture

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt chuẩn bị nhân lực cho đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO