Doanh nghiệp thích nghi với biến động

16/04/2010 08:59

Một doanh nghiệp tốt và vĩ đại là doanh nghiệp biết nắm lấy thời cơ. Song sự khác biệt giữa hai doanh nghiệp này là doanh nghiệp sau biết phòng tránh rủi ro.

Doanh nghiệp thích nghi với biến động

Trước các cảnh báo về môi trường kinh tế có tính bất định cao, câu chuyện của gốm sứ Minh Long biết tranh thủ khủng hoảng để đàm phán có một chỗ đứng tốt, hiệu quả cao tại triển lãm quốc tế ở Đức là một minh chứng thuyết phục cho sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

Để thuyết phục đối tác, ông Lý Ngọc Minh, giám đốc doanh nghiệp gốm sứ Minh Long, vừa tăng diện tích gian hàng lên, một việc ít ai làm trong bối cảnh khủng hoảng, vừa cương quyết yêu cầu phải có vị trí trưng bày tốt. Theo ông Minh, các vị trí này không chỉ có tiền nhiều là được mà phụ thuộc vào năng lực, trình độ sản xuất của doanh nghiệp. Vị trí này không chỉ giúp Minh Long khẳng định vị thế trong làng gốm sứ thế giới, mà còn tạo ra hiệu quả kinh doanh cao nhất sau nhiều năm mang sản phẩm giới thiệu ở nước ngoài.

Môi trường nhiều biến động

Một doanh nghiệp tốt và vĩ đại là doanh nghiệp biết nắm lấy thời cơ.

“Chúng ta sống trong môi trường có tính bất định cao”, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận xét trước các biến động của môi trường trong và ngoài nước. Cập nhật các diễn biến tình hình kinh tế thế giới, ông Tự Anh đưa ra các dự báo do các tổ chức kinh tế công bố về thâm hụt thương mại, tỷ giá và lạm phát của Việt Nam. Qua các con số này, vị giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam phác hoạ các tình huống mà doanh nghiệp trong nước phải chú ý để lên kế hoạch kinh doanh trong năm nay.

Các tình huống này, có nguyên nhân do tác động bên ngoài như giá nguyên liệu, thị trường xuất khẩu bên ngoài bị thu hẹp lẫn nguyên nhân bên trong như mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, theo nhận xét của phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam. Hệ quả là, theo ông Thiên, vừa phục hồi tăng trưởng ngay lập tức doanh nghiệp phải đối mặt trở lại với nguy cơ bất ổn vĩ mô như lạm phát quay trở lại, thâm hụt thương mại.

Người đứng đầu viện Kinh tế cho rằng, việc đặt trọng tâm vào tăng trưởng hơn là chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế đang đẩy nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng trước những thách thức mới.

Thách thức bên ngoài, như cảnh báo của ông Từ Minh Thiện, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) về rào cản thương mại gây không ít khó khăn cho các nhà xuất khẩu.

Một thách thức không kém phần nghiêm trọng, theo phân tích của ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB, là niềm tin của giới đầu tư. Ông Hải còn cho rằng: “Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn bằng tiềm lực nội tại nhưng tính biến động của thị trường còn lớn. Tiềm ẩn rủi ro cao của bẫy thu nhập trung bình”.

Tìm cách thích ứng

Doanh nghiệp thích nghi với biến động

Nhận diện các thách thức, rủi ro tiềm ẩn, các ý kiến tại diễn đàn, từ các chuyên gia kinh tế, quản trị cho tới người điều hành doanh nghiệp đều gợi mở các hướng giải quyết. Nếu như ở phương diện vĩ mô, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh đến thời điểm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thì ở góc độ quản trị, luật sư Nguyễn Ngọc Bích nêu rõ thực chất vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết. Bằng lối ví von đầy hình tượng, ông Bích ví động cơ xe như cơ cấu doanh nghiệp. Theo ông Bích, nếu không tính toán khả năng chịu tải của động cơ, thì các chuyện thay đổi sản phẩm hay đóng lại thùng xe chỉ mang tính hình thức.

Không có được hình ảnh sống động để minh hoạ như cách ông Bích trình bày, ông Lý Ngọc Minh vẫn thu hút người nghe bằng những chuyện nhỏ nhưng mang tính thực tế. Xuất khẩu hay quay lại thị trường nội địa trong lúc kinh tế khó khăn vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng, bài học rút ra từ Minh Long có lẽ là “linh hoạt, uyển chuyển tuỳ tình hình thực tế”. Ông Minh thừa nhận mình là “theo trường phái bảo thủ” may mắn đã vượt qua khó khăn”.

Thực tế, cái mà ông gọi là “may mắn” xuất phát từ sự xoay chuyển và biết nhìn trước của doanh nghiệp. Năm 1990, đất nước mở cửa. Khi đó, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung khai thác thị trường nội địa, Minh Long làm điều ngược lại: tập trung vào xuất khẩu, với tỷ trọng xuất khẩu có thời điểm chiếm đến 98%. Sau năm 1995, kinh tế trong nước phát triển, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, thì lại một lần nữa Minh Long tìm cách chiếm lĩnh thị trường trong nước. Kết quả là giai đoạn 1996 – 2007, thị phần trong nước của Minh Long chiếm 60%; năm 2009 con số này tăng lên 65%, 35% còn lại xuất khẩu vào những thị trường truyền thống. “Chính vì thế, khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra nhưng Minh Long không chịu ảnh hưởng. Cụ thể là năm 2009, Minh Long vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân 20%”.

Từ kinh nghiệm đưa hàng về nông thôn, bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận định người tiêu dùng nông thôn có nhu cầu tiêu dùng hàng Việt và sẵn sàng ủng hộ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt (với điều kiện hàng phải có mức giá ngang bằng và dễ mua). Doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhu cầu bán hàng, có khả năng đáp ứng thị trường. Có điều, hiện chỉ có chừng 10 – 15 công ty hàng tiêu dùng nhanh là có hàng hoá trải rộng khắp đến vùng sâu vùng xa. “Những công ty thành công trong số 10 – 15 công ty kể trên giành được vị trí rộng khắp thị trường nông thôn là do: hàng có chất lượng ổn định, giá bán phải chăng, đa số có quảng cáo trên tivi thường xuyên, có mạng lưới phân phối rộng khắp và có sự giám sát, chăm sóc, hỗ trợ thương mại tốt”.

Một doanh nghiệp tốt và vĩ đại là doanh nghiệp biết nắm lấy thời cơ. Song sự khác biệt giữa hai doanh nghiệp này là doanh nghiệp sau biết phòng tránh rủi ro. Tổng kết diễn đàn bằng cách nhắc lại lời của một giáo sư Harvard, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh đến việc duy trì diễn đàn như một cầu nối thiết thực giữa các nghiên cứu học thuật của các chuyên gia và thực tiễn sinh động của các doanh nghiệp, để từ đó người điều hành như vị thuyền trưởng tài ba có thể đưa con tàu đến đích an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp thích nghi với biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO