Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bao giờ lớn?

NGUYỄN XUÂN THÀNH - Giám đốc Chương trình Chính sách, Trường Fulbright| 27/04/2016 06:24

Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, chỉ có 1% doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn trở thành "đại gia".

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bao giờ lớn?

Nhận định trong một báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về "các chính sách, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang thực hiện rời rạc và dàn trải" và "những hỗ trợ vẫn mang tính phân tán" rất đúng nếu nhìn vào số liệu thống kê.  

Đọc E-paper

Lâu nay, các số liệu thống kê chưa tách riêng DNNVV, đóng góp GDP vẫn gộp chung DN ngoài quốc doanh và dân cư, năm 2015 là 48% và năm 2014 là 49%. Hay với con số 50% tổng vốn đầu tư xã hội, chắc chắn đã tính cả đầu tư cho nhà ở dân cư, không phải riêng DNNVV.

Nguồn lực cho DNNVV được sử dụng rất ít, trong khi khu vực này tạo ra nhiều việc làm. DNNVV cũng là bộ phận "bị hành" nhiều nhất bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu có bất ổn kinh tế vĩ mô, thay đổi chính sách, thì DNNVV chịu rủi ro nhiều nhất.

DNNVV là loại hình DN tạo ra nhiều việc làm. Vì vậy, các chính sách cần có mục đích rõ ràng là thúc đẩy DNNVV khởi sự và tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn vậy phải tháo gỡ những vướng mắc thể chế, vướng mắc thủ tục hành chính, không để DN "bị hành".

Thống kê của Hiệp hội DNNVV cho thấy, chỉ có 1% DNNVV muốn trở thành "đại gia". Nếu đó là ý muốn chủ định của các doanh nhân DNNVV thì ít quá, ngay cả khi 1% là do ảnh hưởng của chính sách. Cho nên cần thúc đẩy thành lập DNNVV và một bộ phận các DN nhỏ trở thành vừa. Ví dụ, một số DN start up về công nghệ mới, nếu thành công đã trở thành DN vừa.

Quỹ Phát triển DNNVV được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động ngày 22/4, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, với mục đích phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh, đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến... Từ năm 2016, Quỹ ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho DNNVV vay vốn với lãi suất ưu đãi 5% đối với khoản vay ngắn hạn và 7% đối với khoản vay trung và dài hạn.

Ai cũng muốn sản phẩm của DN nước ta có giá trị gia tăng cao, làm từ A đến Z. Tuy nhiên, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần chiến lược cụ thể, các DNNVV phát triển theo hướng liên kết các cụm, ngành sản xuất. Chiến lược này phải xác định được những cụm và ngành có năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh không trải rộng trên toàn quốc mà tập trung ở một tỉnh, hoặc một vùng.

Ví dụ, sản xuất điện tử, điện thoại của Việt Nam hiện nay đứng thứ 5 trên thế giới, tập trung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên; sản xuất xe máy ở Vĩnh Phúc, chế biến thủy hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Muốn vậy, Nhà nước phải thúc đẩy các cụm, ngành liên kết sản xuất. Đối với những DN muốn gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, Nhà nước hỗ trợ để liên kết với các DN FDI.

Chính sách hỗ trợ DNNVV phải được triển khai phù hợp. Nếu Nhà nước dùng nguồn lực hạn chế để ưu đãi trực tiếp thì không đủ trải rộng tới tất cả DNNVV. Quỹ hỗ trợ DNNVV với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng là rất nhỏ so với nhu cầu tín dụng hiện nay của DNNVV.

Do đó, Nhà nước phải chọn được các nhóm ngành, cụm ngành có lợi thế cạnh tranh, cho phép thành lập các hiệp hội ngành (nếu chưa có), đồng thời gắn với địa phương và vùng. Nhà nước yêu cầu trong hai năm 2016 - 2017, hiệp hội của từng ngành phải kiến nghị hỗ trợ những thứ DN cần như đất đai, tín dụng hay công nghệ.

Cách làm này cũng buộc các hiệp hội và DN phải liên kết chặt chẽ. DNNVV bây giờ không còn ngại "thấp cổ, bé họng", có thể nói về những vấn đề cần hỗ trợ, những khó khăn cần tháo gỡ với hiệp hội. Nếu DN không kiến nghị, hiệp hội không đề xuất, Nhà nước không phải hỗ trợ.

Một điểm nữa, vai trò của Nhà nước là sửa chữa thất bại của thị trường. Bây giờ DN cần không chỉ là tín dụng, hay đất đai mà còn là vấn đề đổi mới, vấn đề chuyển giao công nghệ. Lâu nay có người vẫn giữ quan điểm, nếu DN cung cấp sản phẩm cho Samsung, hay Intel, thì các tập đoàn này phải chuyển giao công nghệ.

Thực tế, Samsung hay Intel đều không đầu tư công nghiệp phụ trợ, mà công nghệ hỗ trợ nằm ở các DNNVV của các nước trong khu vực, như Đài Loan, Hàn Quốc. Với những DN muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, chẳng hạn của Samsung, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp nguồn lực mua và chuyển giao công nghệ hỗ trợ, đào tạo nhân lực từ các nước có nền công nghiệp phụ trợ phát triển.

Cạnh đó, với những DN start up, muốn thương mại hóa công nghệ sau khi đã có ý tưởng sản phẩm, tự hình thành được công nghệ, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cho vay tín dụng hoặc bảo lãnh, nhưng cũng chỉ giới hạn ở mức đó.

HẢI VÂN ghi

>Vai trò lớn của doanh nghiệp nhỏ

>Hội nhập AEC: Doanh nghiệp nhỏ hướng ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bao giờ lớn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO