Doanh nghiệp kêu phạt oan vì biển báo lạc hậu

24/07/2011 07:49

Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM mới đây tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thay đổi biển báo tải trọng cầu đường bộ tính theo trục xe và cụm trục xe để doanh nghiệp không còn bị phạt oan sai.

Doanh nghiệp kêu phạt oan vì biển báo lạc hậu

Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM mới đây tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thay đổi biển báo tải trọng cầu đường bộ tính theo trục xe và cụm trục xe để doanh nghiệp không còn bị phạt oan sai.

Doanh nghiệp bức xúc vì bị phạt oan

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM việc ghi rõ biển báo về tải trọng theo trục xe như cầu Tân Thuận 1 sẽ giúp doanh nghiệp không bị phạt oan sai - Ảnh: Anh Quân

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, kể từ ngày 8/4, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép nâng tải trọng đối với các xe sơ mi rơ-móc trên các tuyến đường bộ. Theo đó, đối với loại xe sơ-mi rơ-móc 6 trục hoặc lớn hơn được quy định tổng trọng lượng cao nhất là 48 tấn (trước đây không quy định). Còn các loại xe đầu kéo sơ-mi rơ-móc 5 trục khi tham gia giao thông trên đường bộ được nâng lên mức tải trọng 44 tấn thay cho mức 40 tấn trở xuống như trước đây; loại xe 4 trục, tổng trọng lượng cao nhất 34 tấn; xe 3 trục, tổng trọng lượng cao nhất là 26 tấn.

Tuy nhiên, nhiều cầu sau khi nâng cấp tải trọng vẫn còn gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn (trừ các cầu mới xây theo tiêu chuẩn mới không gắn biển báo giới hạn về tải trọng). Do vậy nên hầu hết xe đầu kéo container của các doanh nghiệp vận tải đều bị công an giao thông xử phạt về lỗi vượt quá tải trọng cầu.

Còn ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc công ty vận tải Đặng Tiến lấy ví dụ cầu Đồng Điền (cây cầu dẫn vào cảng Hiệp Phước) được xây dựng theo tiêu chuẩn mới, rất hiện đại, nhưng vẫn cứ gắn biển báo tải trọng 30 tấn mà không gắn biển báo phụ về cự ly khoảng cách, nên xe ra vào khu công nghiệp Hiệp Phước và Cảng Hiệp phước có tổng trọng tải trên 30 tấn đều bị phạt.

Thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông vẫn căn cứ theo quy định cũ để ra quyết định xử phạt đối với các xe đầu kéo container, trong lúc tổng trọng lượng cả xe và hàng chưa vượt quá 44 tấn đối với xe 5 trục hoặc 48 tấn đối với xe 6 trục theo quy định cho phép tại Thông tư 03/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT.

“Việc xử phạt này đã gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container trong suốt thời gian qua tại TP.HCM. Do chế tài xử phạt rất nặng (tước giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày; phạt 3 – 5 triệu đồng; bắt buộc phải hạ tải trọng... ). Việc xử phạt khiến doanh nghiệp không có đủ lái xe để vận chuyển. Không những vậy, việc xử phạt không đúng vì không phải lỗi cố ý chở quá tải của chúng tôi mà do quy định về biển báo chưa hợp lý”, ông Tiệp nói.

Kiến nghị sớm thay biển báo

Cầu Đồng Điền dẫn vào Khu công nghiệp Hiệp Phước được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 nhưng vẫn cắm biển báo hạn chế xe trên 30 tấn - Ảnh: Văn Thái.

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, quy định về biển báo cầu đường bộ hiện hành đã tồn tại hàng chục năm qua, nay đã trở nên lạc hậu, cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Trước những bức xúc của doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thay đổi biển báo tải trọng cầu đường bộ từ cách tính tổng trọng tải cả hàng và xe sang quy định mới là gắn biển báo tính theo trục xe và cụm trục xe như cầu Tân Thuận 1 hiện nay. Đồng thời gắn thêm biển báo về cự ly, khoảng cách giữa các xe để giới hạn tổng tải trọng của các xe ô tô tác động lên cầu.

Ông Chung cho biết, việc gắn biển báo theo trục xe sẽ làm rõ hơn việc xe nào được đi xe nào bị cấm, trên cơ sở đó lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt chính xác hơn.

Trên thực tế khi ban hành Thông tư 03/2011/TT-BGTVT về nâng tải trọng cầu đường bộ, Bộ GTVT đã giao cho sở giao thông vận tải các địa phương rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với tải trong cầu đường của địa phương mình.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM kể từ khi thông tư về việc nâng tải trọng cầu đường của Bộ GTVT được ban hành đến nay đã 3 tháng nhưng nhiều biển báo không còn phù hợp vẫn tồn tại.

Chính Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng thừa nhận rằng còn nhiều biển báo hiện nay không còn phù hợp sau khi đã nâng cấp cầu. Ông Lê Minh Triết, Tổ trưởng tổ kiểm tra rà soát biển báo hệ thống giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện nay các khu quản lý giao thông đang tiến hàng rà soát, đến ngày 10-8 sẽ báo cáo sở để tiến hành thay đổi. Đối với những biển báo sai sau 3 ngày sẽ được sửa đổi, thay thế.

Hiện tại, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang tiến hành nâng cấp nhiều cầu cũ ở các tuyến đường huyết mạch như cầu Đinh Bộ Lĩnh (nằm trên quốc lộ 13), cầu Rạch Chiếc nằm trên xa lộ Hà Nội...để đồng bộ với tải trọng khai thác. Tuy nhiên, theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, do số lượng cầu cần được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới rất nhiều, chi phí đầu tư lớn nên phải có thời gian dài mới triển khai hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp kêu phạt oan vì biển báo lạc hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO