Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ FTA ASEAN - Hồng Kông?

SONG ANH| 18/01/2018 03:36

Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA) đã được ASEAN ký với Hồng Kông (Trung Quốc).

Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ FTA ASEAN - Hồng Kông?

Ngày 12/11/2017, ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đặt vấn đề: Làm gì để tận dụng cơ hội trong khi "thực thi chính sách đang là điểm yếu của nước ta"?

* Ông đánh giá thế nào về thị trường Trung Quốc?

- Theo tôi, thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thị trường quan trọng của Việt Nam. Thêm nữa, Hiệp định Thương mại ASEAN - Hồng Kông đã được ký, vấn đề là làm sao để tận dụng được các lợi thế này để phát triển thương mại.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tuy đã chậm lại nhưng vẫn tương đối ổn định, trong 5 đến 10 năm tới, tăng trưởng mức 5 đến 6% vẫn là mức cao. Như vậy, nhu cầu đối với hàng hóa là rất lớn. Thêm nữa, kinh tế Trung Quốc duy trì ổn định như hiện nay thì tầng lớp trung lưu của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, đòi hỏi hàng hóa, kể cả nông sản phải có chất lượng cao.

Đây là cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt Nam để cải thiện tình hình xuất khẩu. Một điểm dễ nhận thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được cơ hội mới có thể hưởng lợi từ AHKFTA và AHKIA. Và chỉ khi doanh nghiệp được hưởng lợi thì nền kinh tế Việt Nam mới được hưởng lợi từ các hiệp định này.

Ngày 12/11/2017, ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

TS. Phạm Sỹ Thành (Ảnh: VCES)

* Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ông nói gì về điều này?

- Theo tôi, một điểm yếu của Việt Nam là thực thi chính sách. Đến nay, mức độ tận dụng các FTA của Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ khoảng 30 - 50%, nó liên quan đến việc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa để tận dụng các ưu đãi mà các FTA mang lại.

* Như ông nói, chứng nhận xuất xứ hàng hóa dường như là một nút thắt?

- Quy trình cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước ta đã có cải thiện khi đầu mối cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) không do Bộ Công Thương độc quyền mà thời gian qua, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cắt giảm chi phí, Bộ Công Thương thí điểm trao quyền đại diện cung cấp CO cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số khu kinh tế, cửa khẩu. Nhưng việc triển khai thí điểm cho thấy hiệu quả chưa được như mong muốn.

Việc thí điểm trao quyền đại diện cung cấp CO cần tính đến mấy yếu tố. Thứ nhất, tại các khu kinh tế cửa khẩu phải tính đến lưu lượng hàng hóa. Thứ hai, quy trình thủ tục và mức độ phổ biến cho doanh nghiệp cần được ưu tiên quan tâm. Lộ trình đi đến việc tự cấp xuất xứ hàng hóa còn gian nan, nhưng dư địa để cải cách vẫn nhiều để đem lại hiệu quả cao hơn.

* Vậy theo ông thì xử lý vấn đề này bằng cách nào?

- Doanh nghiệp không thể biết lợi thế mà một FTA mang lại cho họ nếu không có hướng dẫn. Muốn vậy, đầu tiên Việt Nam phải học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia hay Thái Lan về việc phổ biến thông tin của các hiệp định thương mại tự do cũng như hướng dẫn kỹ thuật thi hành cho doanh nghiệp. Việc này nên giao cho các hiệp hội doanh nghiệp.

Kế đến, các chứng nhận về xuất xứ hàng hóa phải được cải thiện về quy trình, thời gian cũng như cách thức làm để doanh nghiệp tận dụng nhiều hơn nữa các lợi thế của thuế suất mà các FTA đem lại.

Cuối cùng là để tận dụng tốt lợi thế trong giao thương với Trung Quốc, Việt Nam cần phải  giảm nhanh thương mại tiểu ngạch. Trong lộ trình đàm phán thương mại với Trung Quốc, giảm thương mại tiểu ngạch cần được xem là nội dung trọng tâm.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ FTA ASEAN - Hồng Kông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO