Đỏ bạc

KIM PHƯƠNG| 15/01/2010 09:14

Người ta bảo “đen tình” thì “đỏ bạc”. Kết thúc năm, ngồi kiểm lại chuyện làm ăn, Ngân thấy mình “thắng đậm”.

Đỏ bạc

Người ta bảo “đen tình” thì “đỏ bạc”. Kết thúc năm, ngồi kiểm lại chuyện làm ăn, Ngân thấy mình “thắng đậm”. Sau một năm, Ngân có thêm một căn hộ hơn trăm mét vuông ở một khu chung cư cao cấp, xe gắn máy đã “lên đời” mới nhất, tiền chi tiêu luôn rủng rỉnh. Khổ nỗi, cái “đỏ” này lại hình như đi ra từ cái “đen” kia.

Hơn một năm trước đây, Ngân vô tình “nhặt” được một lá thư trong ô tô của chồng. Đó là thư của một phụ nữ gửi cho chồng cô. Cây kim đã được giấu trong bọc 5 năm, làm sao mà cuối cùng chính Ngân lại là người thấy nó lòi ra. Trong khoảng thời gian ấy, người phụ nữ kia đã sinh cho chồng cô một đứa con giờ đã lên ba.

Dạo ấy, Ngân như người điên. Không gào khóc, không lên án, không rủa xả. Nhưng chính vì thế nên cái sự “điên” trong Ngân càng dữ dội hơn. Cô đau đớn khi nhận ra mình đã sống chung với “sự lừa dối hào nhoáng” cả gần hai ngàn ngày.

Ngày xưa, khi Ngân quyết định lấy người đàn ông mà bây giờ cô gọi là chồng, cả nhà đã e ngại. Là người theo đuổi con đường học vấn, đã đạt được “vị trí” trong xã hội, liệu rằng Ngân sẽ giữ được khoảng cách “trên - dưới” giữa người chồng và người vợ, theo quan niệm Á Đông, với người đàn ông mà hồ sơ học vấn chỉ dừng lại ở tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học? Nhưng hơn chục năm qua, người thân và bạn bè đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ với vợ chồng Ngân, khi không ai có thể chê chồng cô về cách đối nhân xử thế; về sự tận tụy, chu đáo với vợ con, gia đình, bạn bè của cả mình và vợ; cũng như về những gì mà anh đóng góp cho gia đình qua công việc kinh doanh của mình. Bản thân cô cũng chưa bao giờ thấy mình “cao” hơn chồng.

Lấy nhau hơn chục năm, vợ chồng cũng lúc mặn lúc nhạt, không khí gia đình cũng lúc căng lúc chùng, nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng có lời nói gây tổn thương cho nhau. Đến lúc cầm trên tay lá thư ấy, Ngân mới biết “thấy vậy mà không phải vậy”. Sự lừa dối này đối với Ngân không phải chỉ là sự tổn thương ở phần mềm, nó là nhát dao đâm vào tim cô. Chồng Ngân không một lời thanh minh, không một lý do bao biện. Anh trước sau một mực không bỏ Ngân, nhưng cũng không muốn rời xa “phòng nhì”. Anh đề nghị Ngân “giữ nguyên hiện trạng”.

Có một thời gian Ngân bị rối loạn giữa hai phương án giải quyết chuyện gia đình: ly hôn và không. Vừa hôm nay Ngân đưa ra quyết định sẽ ly hôn, hai ngày sau đã lại thay đổi. Hôm nay, nhìn con, Ngân nén lòng quyết tâm chịu đựng; vài hôm sau lại thấy mình không thể chấp nhận sự “đánh đồng” giữa một người như cô với người phụ nữ cam chịu kia. Cô càng đau đớn và càng “điên” khi nhận ra, chính cô cũng không muốn rời xa chồng, cô còn yêu anh, cô dường như đang đánh mất lòng tự trọng...

Mất khoảng nửa năm, Ngân sống trong tâm trạng như thế. Sau đó, cô không còn nói đến chuyện ly hôn nữa. Cô quyết định không thay đổi các mối quan hệ, nhưng có hướng đi mới. Cô nghỉ làm nhà nước, thành lập một công ty riêng, lao vào công việc với hy vọng sự bận rộn có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng. Nhưng dường như càng “xoa” thì vết thương càng đau âm ỉ. Nhiều đêm xa nhà, cô ước ao một vòng tay của người đàn ông trong tim mình, rồi ngay sau đó tim Ngân như nghẹn lại vì hình dung, ngay trước hoặc sau mình, trong vòng tay ấy là một thân thể khác.

Chỉ những đêm một mình nơi đất lạ, Ngân mới cho phép mình khóc. Nước mắt chảy tràn mà sao nỗi đau chẳng vơi, và nỗi cô đơn như dày thêm. Có những đêm nằm bên chồng, Ngân cũng thấy mình chờ đợi sự đụng chạm, mong mỏi sự vuốt ve. Nhưng khi chồng vừa đặt tay vào người mình thì Ngân bỗng thấy bủn rủn, những hình dung tai quái tràn ngập trong tâm trí. Cô chưa thể, hay không thể xua đuổi sự tưởng tượng của mình...

Cho đến giờ này, không nói ra, nhưng trong Ngân vẫn là sự giằng xé: bỏ hay không. Bỏ, coi như cô trao hẳn người đàn ông đang đường đường chính chính là của mình về tay người khác, vĩnh viễn. Sự tưởng tượng cái cảm giác tự dứt ra một miếng thịt trên người mình làm cho Ngân thấy sợ. Cũng như hai đứa con, chồng Ngân đã là máu thịt của cô. Nhưng cứ sống như thế này, ngày có thể gần nhưng đêm quá xa, cô không biết để làm gì. Ngân có thể tự làm ra tiền, nhiều tiền, không phụ thuộc vào chồng. Các con cô cũng đã đủ lớn để hiểu cho tình cảnh của mẹ.

Ban ngày, Ngân vẫn có thể cùng chồng đi đây đi đó, vẫn có thể trao đổi, bàn bạc với anh nhiều chuyện về con cái, công việc làm ăn. Nhưng khi màn đêm buông xuống, khi trong căn phòng, trước đây từng thực sự là cái “tổ” của Ngân, chỉ còn lại hai người, một bức tường vô hình trên đó “vẽ” vô số hình ảnh mà Ngân không dám miêu tả thành lời, từ hơn một năm qua, vẫn sừng sững trước mắt Ngân, ngăn cô chìa tay về phía người đàn ông vẫn thường hiện diện trong giấc mơ của mình. Nhiều lúc, Ngân đã tự lục vấn, mình cần gì và muốn gì ở chồng? Nếu không đạt được thì mình sẽ làm gì? Không có câu trả lời rõ ràng. Ngân cũng không biết mình có thể sống như thế này đến bao giờ. Nhưng có một điều Ngân đoán chắc, chồng cô sẽ khó lòng kiên trì được mãi, nếu cô không thay đổi. Ngân hiểu, anh đã quá căng thẳng.

Sự thuận lợi trong việc kinh doanh của Ngân là niềm ao ước của nhiều người. Ít ai biết rằng, cô đâu mong chờ sự “đỏ bạc” ấy. Nhưng xét cho cùng, sự “đen” kia của cô đâu phải mới chỉ hơn năm nay, nó đã xuất hiện từ cả hơn sáu năm trước rồi kia mà. Chỉ tại cô, giá đừng vô tình “nhặt” được lá thư ấy....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đỏ bạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO