Diện kiến “Báu vật nhân văn sống”

QUỐC TOÀN| 15/01/2010 08:49

Trong những dịp lễ hội ở Huế, người xem được chiêm ngưỡng những bộ trang phục hoàng gia nhà Nguyễn do ông Trịnh Bách đã bỏ công sức, tiền bạc trong nhiều năm để nghiên cứu và phục chế.

Diện kiến “Báu vật nhân văn sống”

Trong những dịp lễ hội ở Huế, người xem được chiêm ngưỡng những bộ trang phục hoàng gia nhà Nguyễn do ông Trịnh Bách đã bỏ công sức, tiền bạc trong nhiều năm để nghiên cứu và phục chế.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh tại cơ sở thêu của mình

Một trong vài người giúp ông Trịnh Bách thiết kế khung cửi chuyên dệt một loại tơ tằm đặc biệt với những hoa văn chỉ dành riêng cho vua, quan, và trực tiếp thêu tay những trang phục y hệt nguyên bản là cụ Lê Văn Kinh - một nghệ nhân dân gian và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là “Báu vật nhân văn sống”, “Nghệ nhân dân gian”, “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”...

Đường chỉ cha truyền con nối

Cùng với bí quyết tuyệt mỹ của công việc thêu lên áo vua quan, ông Kinh còn được người cha truyền dạy cách thêu các bức tranh xưa sao cho đúng lối, thêu những tấm khăn, bức màn chuyên dùng theo cung cách của triều đình xưa. “Một thợ thêu xưa đâu chỉ có cầm kim, làm chỉ mà còn phải biết vẽ, biết may, chưa kể phải làm công việc của một thợ mã, dán từng mảng màu lên nền sao cho chính xác đến từng nét chỉ để thêu chồng theo đó”, ông Kinh tỏ bày.

Ông Kinh còn tạo ra cách thêu riêng mà từ trước đến nay chưa từng ai biết đến. Đó là thêu tranh bằng một loại chỉ kim tuyến, tạo ra một bức tranh có độ tương phản đậm nhạt của ánh sáng. Ông lấy ra một bức tranh phong cảnh Huế cho chúng tôi xem, chỉ với một loại chỉ kim tuyến vàng trên nền gấm đen, mà bức tranh thể hiện đề tài cầu Trường Tiền, sông Hương, con đò Huế, vầng trăng và kỳ đài, kinh thành cổ kính rất sinh động bởi những thay đổi từng gam sắc.

Ông nội của ông Kinh là người thợ thêu Lê Chí Thành, quê ở Quốc Động (Thường Tín, Hà Nội bây giờ), được triều Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân trong một cuộc trưng tập thợ giỏi nhiều ngành nghề khắp đất nước. Cụ được giao thêu trang phục của hoàng triều và các vật dụng trang trí nội thất cung điện đình tạ. Cụ đã lập nên hiệu thêu Đức Thành trên đường Phan Đăng Lưu, TP. Huế.
Trước khi qua đời, cụ Lê Chí Thành đã kịp truyền dạy nghề thêu, nghề vẽ cho người con trai Lê Văn Hỡi. Nhờ có bàn tay tài hoa và đức tính cần mẫn, cụ Hỡi tiếp tục được triều đình Huế trọng dụng và giao phó thêu nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có bức chân dung vua Thành Thái, hoàng bào vua Khải Định, các tranh thêu dùng trong những gian chính điện hoàng cung hoặc phủ trên những vật báu gia bảo hoàng triều.

Cũng từ hiệu thêu Đức Thành, hàng trăm người thợ được “ra lò”, tỏa đi làm nghề ở nhiều miền đất nước. Nhưng người thợ tài năng nhất trong số đó chính là con trai đầu Lê Văn Kinh của cụ Hỡi.

Văn hóa trên nền gấm

Một thời gian dài trước năm 1975, ông Kinh cùng cô em gái Bích Đào rất nổi tiếng với hàng tranh thêu truyền thống thông qua hàng loạt cuộc triển lãm ở Sài Gòn, Đà Lạt và Đà Nẵng. Ông càng gây tiếng vang khi tác phẩm tranh thêu “Bất khuất” thể hiện tướng quân Trần Bình Trọng mặc chiến bào, cầm kiếm, cưỡi trên sư tử xông trận với ngụ ý “Việt Nam bất khuất” được tham gia triển lãm tại New York vào năm 1958.

Bức thư "Thất sư hỷ câu" thêu trên áo vua của cụ thân sinh là một bí quyết "trao truyền" nghề thêu cho cụ Kinh

Từ sau năm 1975, ông Kinh mở xưởng hàng xuất khẩu Cẩm Tú và thành lập hợp tác xã thêu xuất khẩu Phú Hòa, ăn nên làm ra với các mặt hàng thêu xuất sang các nước Liên Xô, Đông Âu, Nhật Bản... Vừa sản xuất, ông vừa mở các lớp đào tạo nghề. “Tôi đi khắp nơi bằng chiếc xe máy và phiếu mua xăng do tỉnh cấp, vừa mở lớp vừa đào tạo phụ giáo, giao việc hướng dẫn cho phụ giáo, rồi chuyển qua vùng khác mở lớp tiếp, có khi ba tháng chưa về nhà. Học trò ở khu vực Bình Trị Thiên tính ra cũng hàng vạn”, ông Kinh tâm sự. Nghỉ hưu vào năm 1994, ông Kinh trở về với hiệu thêu Đức Thành để phục hồi nghề của cha ông, vừa đào tạo học trò.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết, đang chuẩn bị cho gian triển lãm tranh thêu tại Hà Nội nhân dịp Tết Canh Dần, theo lời mời của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bức tranh chữ “Thọ” khổ lớn, chữ vàng trên nền gấm điều là chủ đề chính của gian hàng, như là lời chúc thọ mọi người nhân dịp đầu năm. Kèm theo là tranh về một bài thơ của vua Lý Nhân Tông và bài thơ thứ 65 trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng câu đối mà ông rất tâm huyết để gửi gắm lòng mình với Thủ đô ngàn năm Thăng Long - Hà Nội:

Chẵn ngàn năm trước, Lý Thái Tổ lập thành Vương quốc Đại Việt
Lẻ trăm đời sau, Hồ Chủ tịch tái dựng Thủ đô Thăng Long
Xưa Canh Tuất (1010) một không một không, Thăng Long hình thành Vương quốc
Nay Canh Dần (2010) hai có mười đầy, Hà Nội mở rộng Thủ đô

Đặc biệt, ông còn có 10 bức tranh thêu bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư (thời Lý) bằng mười thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hán, Bungari... Điều đáng ngạc nhiên là những bài thơ được dịch sang các thứ tiếng ấy là do những người bạn của ông dịch và đặt hàng, đó là Tùy viên Văn hóa Liên Hợp Quốc, là những nghị sĩ quốc hội...

Điều người ta nhớ nhất ở nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh không chỉ là đường thêu điêu luyện, mà còn vì chính ông đã đưa văn hóa Việt lên nền gấm. Những bức tranh chữ diễn giải thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được ông “trình diễn” một cách sinh động. Ông trăn trở: “Thời gian không còn nhiều nữa, nhưng tôi vẫn luôn muốn làm cái mới để bổ sung cho nghề truyền thống, vừa muốn tiếp tục truyền nghề để mãi mãi trường tồn với hậu thế”.

“Trên bộ hoàng bào vua Khải Định mặc trong dịp đại lễ Tứ tuần đại khánh - mừng sinh nhật 40 tuổi - vào năm 1924, ông cụ thân sinh tôi được triều đình giao thêu kim tuyến lên áo. Đó chính là tuyệt kỹ trong nghề mà tôi đã được trao truyền, có lẽ không mấy ai còn biết”, ông Lê Văn Kinh giới thiệu về nghề thêu của gia đình mình.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diện kiến “Báu vật nhân văn sống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO