Dệt may sẽ sớm đạt ngưỡng kim ngạch 50 tỷ USD

31/03/2016 06:27

Việc TPP dự kiến có hiệu lực từ tháng 1 - 6/2018 chính là cơ hội để đầu tư vào sản xuất nguyên liệu dệt may.

Dệt may sẽ sớm đạt ngưỡng kim ngạch 50 tỷ USD

Sau quá trình phê duyệt kéo dài 18 - 24 tháng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến có hiệu lực trong thời gian từ tháng 1 - 6/2018. Ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho đây là cơ hội đầu tư vào sản xuất nguyên liệu dệt may.

Đọc E-paper

* Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của ngành dệt may trước thời điểm TPP có hiệu lực?

- Cần có tỷ lệ nguyên liệu nội địa nhất định để đảm bảo an toàn về cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam. Vì vậy, không đợi đến khi TPP có hiệu lực, chúng tôi đã tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nên đã cải thiện được tỷ lệ nguyên liệu nội địa từ 20% lên xấp xỉ 50% trong năm 2015.

Năm 2011, khi Việt Nam đàm phán về dệt may trong TPP, chúng tôi biết được quy tắc xuất xứ từ sợi nên tốc độ đầu tư được đẩy nhanh hơn, bao gồm cả doanh nghiệp (DN) trong nước và DN FDI. Lượng đầu tư cho sản xuất nguyên liệu năm 2014 - 2015 gần như tương đương với 10 năm trước đó cộng lại. Đây là sự chuẩn bị mà đích hướng đến là TPP khi có hiệu lực, ngay những năm đầu phải chủ động được ít nhất 60% nguyên liệu trong nước.

* Vào TPP, ngành dệt may của Việt Nam có thuận lợi gì?

- Đây là hiệp định mang lại cơ hội rất lớn cho DN ngành dệt may - ngành có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam - từ việc giảm thuế. Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, từ thuế suất 17%, nếu DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ, thì thuế nhiều mã hàng có thể bằng 0%.

Với lợi thế đó, Việt Nam có thể mở rộng hơn nữa thị trường Canada hay Úc - những thị trường có tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu. Tôi cho đó là lý do khi TPP có hiệu lực, ngành dệt may sẽ sớm đạt ngưỡng kim ngạch 50 tỷ USD/năm.

* Cơ hội nhiều nhưng rõ ràng ngành dệt may cũng đứng trước những thách thức, chẳng hạn việc tìm đủ nguyên liệu sản xuất chỉ gói gọn trong nước và các nước thành viên TPP?

- Theo cam kết, Việt Nam phải hoàn thiện được chuỗi sản xuất, cung ứng, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi. Các nước trong TPP chủ yếu là các nước phát triển nên nguồn nguyên liệu chủ yếu từ trong nước. Trong khi đó, riêng khâu may, nước ta đang dùng khoảng 7 - 8 tỷ mét vải/năm, mà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng hơn 30%. Đây là một thách thức lớn, nhưng thách thức này cũng là cơ hội để hoàn thiện chuỗi cung ứng, đầu tư sản xuất nguyên liệu.

Đầu tư đảm bảo quy tắc xuất xứ không làm mất đi năng lực cạnh tranh. Trước đây DN gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật khi đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, nên không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu do cùng mặt bằng về giá, về thuế. Bây giờ, để đảm bảo quy tắc xuất xứ, DN đầu tư sản xuất nguyên liệu sẽ được giảm thuế, đó chính là “bệ đỡ” tài chính cho DN.

Nếu tận dụng cơ hội này, 10 năm tới, ngành dệt may sẽ hoàn chỉnh hơn, cạnh tranh tốt hơn, không phải lo lắng đến việc chỉ làm gia công, không có nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp.

* Khi TPP có hiệu lực, hàng dệt may xuất khẩu được giảm thuế nhưng vẫn có những ràng buộc, điều này sẽ gây khó khăn thế nào cho DN?

- Ràng buộc thực chất chỉ là quy tắc xuất xứ, phải đảm bảo từ sợi. Ngành dệt may phải thu hút mạnh hơn việc đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, chỉ như vậy mới có thể tăng được tỷ lệ nội địa. Xuất khẩu hàng dệt may của nước ta ngày càng tăng và cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Một khi lợi ích kinh tế gia tăng, khả năng thu hồi vốn tốt, thì đó là động lực để thu hút các nhà đầu tư.

* Cám ơn ông!

Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ năm 2010, thì đến năm 2011, hàng dệt may chính thức có mặt trong các cuộc đàm phán với vai trò tham vấn. Khi TPP kết thúc đàm phán, ngành dệt may đã tham gia 20 phiên. Việc tham gia đàm phán FTA này giúp ngành dệt may hiểu được đâu là năng lực cạnh tranh, đâu là điểm yếu, để từ đó xây dựng các bản chào giá hợp lý, đề xuất mặt hàng nào giảm thuế ngay, chủng loại hàng nào giảm theo lộ trình.

>Festival tôn vinh giá trị ngành Thủy sản Việt Nam

>Xuất khẩu ngành nông nghiệp: 3 tăng xen 1 giảm

>“Đã đến lúc ngành mía đường cần thay đổi”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dệt may sẽ sớm đạt ngưỡng kim ngạch 50 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO