Để tăng năng suất lao động theo mô hình kim tự tháp

TS. NGUYỄN TÚ ANH - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương| 27/05/2016 06:26

Vấn đề tăng năng suất của nước ta tới đây phải tập trung vào khu vực DN, khu vực chính thức, theo mô hình kim tự tháp, dưới cùng là DN nhỏ, siêu nhỏ, tiếp đến là DN vừa và trên cùng là DN lớn.

Để tăng năng suất lao động theo mô hình kim tự tháp

Để hàng hóa, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những vấn đề quan trọng là nâng cao năng suất lao động, cụ thể là cải tiến hệ thống quản trị DN, đổi mới công nghệ và kỹ năng của người lao động. Bởi đây là những yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm, chất lượng sản phẩm; thậm chí năng suất lao động trở thành thước đo trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đọc E-paper

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, một trong những điều kiện để thu hút được gần 50% FDI của khu vực ASEAN (chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, châu Âu) là do họ sở hữu nguồn lao động có tay nghề, trình độ và kỹ năng cao.

Năng suất lao động quốc gia được đo lường bằng cách lấy GDP chia cho tổng số việc làm. Nếu so sánh năng suất lao động của Việt Nam và Singapore chỉ ở khu vực chính thức, thì Việt Nam không thấp đến mức chỉ bằng 15% Singapore. Do đó, không thể nói 15 công nhân Việt Nam chỉ làm việc bằng một công nhân Singapore. Vì như vậy là khiên cưỡng, bởi một công nhân của nước ta ở khu vực chính thức còn "kèm theo" 7 người làm việc ở khu vực phi chính thức.

Một bộ phận không nhỏ lao động ở nước ta làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - khu vực có hiệu quả kinh tế thấp, góp phần hạ thấp năng suất lao động, dù theo điều tra năng suất lao động giai đoạn 2004 - 2014 của khu vực này tăng trung bình 4%/năm, năm 2015 tăng lên 6,19%, song đến nay vẫn chưa có giải thích nào về mức tăng này.

Hơn nữa, trong thời kỳ vừa qua, năng suất lao động ở nước ta vẫn dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Nhiều ý kiến đề xuất phải phát triển các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, hay những ngành có hàm lượng tri thức cao. Muốn thế phải có những bước đệm và "quy hoạch" lại hướng tiếp cận theo hướng đi từ đâu, giải pháp thế nào và lộ trình thực hiện thế nào.

Vấn đề tăng năng suất của nước ta tới đây phải tập trung vào khu vực DN, khu vực chính thức, theo mô hình kim tự tháp, dưới cùng là DN nhỏ, siêu nhỏ, tiếp đến là DN vừa và trên cùng là DN lớn.

Tăng năng suất lao động theo mô hình này có hai việc cấp thiết phải làm.

Thứ nhất, phải chuyển được lao động khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức. Năng suất lao động khu vực chính thức ít nhất phải gấp đôi khu vực phi chính thức. Do đó, khi kéo được số người lao động vào "kim tự tháp", vô hình trung năng suất lao động cũng tăng lên. Muốn thế, số lượng và quy mô DN trong kim tự tháp phải tăng bằng khuyến khích kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh.

Thứ hai, nhìn về ngành, năng suất lao động của khu vực nông nghiệp vô cùng thấp, chưa bằng 1/4 năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và chưa bằng 1/3 năng suất lao động khu vực dịch vụ. Trong khi đó, hơn 46% lao động ở nước ta đang nằm trong khu vực nông nghiệp.

Do đó phải kéo lao động trong khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, tức là giảm lao động ở khu vực có năng suất lao động thấp và tăng lao động ở khu vực có năng suất lao động cao. Việc phân bổ lao động cũng sẽ thúc đẩy năng suất lao động cả nền kinh tế cao lên. Nhưng quan trọng hơn, khi rút được lao động khu vực nông nghiệp ra thì mới chuyển đổi được sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay thành sản xuất lớn.

Theo diễn tiến thời gian, khu vực chính thức sẽ theo cách tiếp cận từ trên xuống, được dẫn dắt bởi các DN lớn. Quá trình tái cơ cấu DN đã nhận thấy nguồn lực phân bổ không hiệu quả, tập trung nhiều nguồn lực cho khu vực DNNN.

Nhưng ở đây lại phát sinh vấn đề khác. Số lượng DN lớn của Việt Nam còn khiêm tốn nhưng lại chủ yếu là DNNN, trong đó hầu hết không đóng được vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Cho nên có hai việc phải làm ngay là tiếp tục tái cơ cấu để DNNN phải là khu vực tạo ra năng suất lao động cao nhất, tạo điều kiện để DN tư nhân trở thành DN lớn.

Thêm nữa, DN phải tích lũy vốn, liên tục cải tiến, đầu tư công nghệ, máy móc nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, chất lượng, mẫu mã đẹp khi tiếp cận với những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu hay chỉ đơn thuần là tạo vị thế nhất định trong thị trường chung ASEAN.

Quá trình cạnh tranh quốc tế sẽ giúp các DN lớn cải thiện năng suất lao động, nếu không sẽ tự đưa mình ra khỏi "cuộc chơi" hội nhập. Cùng với quá trình này, các DN lớn và vừa muốn phát triển thì phải tạo sức ép để DN nhỏ, siêu nhỏ đổi mới, tăng năng suất lao động. Và đến một giới hạn nào đó, sự điều chỉnh này sẽ tạo thành mô hình "đàn ngỗng bay", tức những con năng động nhất, mạnh nhất sẽ dẫn đầu, tạo thành cả một khối tiến lên.

NGUYỄN HOÀNG ghi

>Mô hình tâm lý MBTI: Hiểu tính cách, tăng năng suất

>Nhật: Giảm giờ làm để tăng năng suất

>5 biện pháp làm tăng năng suất làm việc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để tăng năng suất lao động theo mô hình kim tự tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO