Để không còn tình trạng công hữu vô chủ

MINH TRÍ| 07/10/2011 04:35

Có thể nói, lần đầu tiên cụm từ “công hữu vô chủ” được đề cập công khai trong dư luận là qua một bài viết trên báo Lao động vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước.

Để không còn tình trạng công hữu vô chủ

Có thể nói, lần đầu tiên cụm từ “công hữu vô chủ” được đề cập công khai trong dư luận là qua một bài viết trên báo Lao động vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước.

Vào thời kỳ ấy tình trạng sử dụng công sản và đất đai chỉ mới bộc lộ một vài bất hợp lý do nền kinh tế thị trường ở nước ta chưa có những mũi đột phá vào lĩnh vực đất đai.

Những năm sau đó, cụm từ này thỉnh thoảng được nhắc đến trong một số cuộc hội thảo để minh họa cho tình hình cấp phát đất đai bất hợp lý.

Đó cũng là thời kỳ mà công hữu vô chủ được nhìn dưới góc độ rộng hơn, biểu hiện qua việc lợi dụng các chủ trương đúng đắn của Nhà nước như hóa giá nhà hay cổ phần hóa doanh nghiệp để trục lợi, biến tài sản chung thành sở hữu riêng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia và làm giàu cho những kẻ cơ hội.

Hồi năm ngoái, trên báo điện tử VietnamNet có một bài viết đề cập đến tình trạng công hữu vô chủ đang biểu hiện qua việc phân đất cho các dự án hay đấu thầu những khu đất vàng ở các đô thị, chuyển đất đai vốn là sở hữu toàn dân về cho các nhóm lợi ích hiểu theo nghĩa tiêu cực.

Mới đây, tại buổi hội thảo góp ý “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật đất đai” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21/9/2011, rất nhiều ý kiến của tổ soạn thảo và các chuyên gia đã bày tỏ bức xúc bởi những quy chế thiếu thực tế của Luật đất đai 2003, trong đó vấn đề sở hữu đất đai được nói đến nhiều nhất dưới cả hai góc độ pháp lý và thực tiễn.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu báo cáo này, Tiến sĩ Trần Quang Huy (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng “sở hữu toàn dân về đất đai” theo như quy định trong Hiến pháp 1992 là một khái niệm hết sức trừu tượng, bởi trên thực tế, không có chủ thể thực nào gọi là toàn dân cả. Nếu mổ xẻ ra thì “toàn dân” chính là “vô chủ”.

Không những thế, do tình trạng “vô chủ” được hỗ trợ bởi quyền lực từ chính quyền, cơ quan quản lý nên đã góp phần giúp các nhóm tư nhân lạm dụng quỹ đất, trục lợi hơn là vì lợi ích của toàn dân.

Khi phân tích về các khái niệm, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh “sở hữu toàn dân” quy định trong Hiến pháp 1992 là mơ hồ, nên Bộ luật Dân sự sau đó đã đổi thành “sở hữu nhà nước”. Tuy nhiên, “nhà nước” hay “toàn dân” chỉ là cách nói, còn về bản chất thì cũng không khác nhau.

Ông lại mạnh dạn chỉ ra bảy nhức nhối lớn trong lĩnh vực đất đai là: “lãng phí tài nguyên; lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; giao dịch phi pháp, mập mờ; kiện cáo nhức nhối, phức tạp; hậu quả ngang trái, oan sai; khuyến khích bội tín, lật lọng; chống lại tử tế, lương thiện”.

Vẫn theo ông Đức, cả lý luận và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi đa dạng hóa về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai. Nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ và căn bản đó, thì dù sửa luật bao nhiêu lần nữa cũng không thoát khỏi cảnh nhập nhằng và bất cập.

Nhận định của luật sư Đức đã được kiểm chứng trong thực tế, khi nhiều năm qua quyền sử dụng đất không khác gì quyền sở hữu vì người sử dụng đất có tất cả các quyền liên quan đến đất, từ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cho đến quyền định đoạt, tất cả đã được thừa nhận trong thực tế giao dịch đất đai cả chục năm nay, nhưng luật pháp vẫn còn dị ứng và không thừa nhận đó là quyền sở hữu.

Sự nhập nhằng này khiến cho các hoạt động mua bán đất đai vẫn không được coi là hành động mua bán mà phải sử dụng khái niệm chuyển nhượng, các cá nhân, tổ chức đem đất đai thế chấp nhưng vẫn phải định danh là thế chấp quyền sử dụng đất.

Tình trạng không rõ ràng trong giải thích luật khiến việc áp dụng các quy định về đất đai trở nên phức tạp. Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng lĩnh vực đất đai có ba vấn đề nổi cộm đã được chứng minh trong thực tế.

- Trước tiên là khiếu kiện nhiều nhất.

Theo số liệu của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, năm 2010 trong số 112.063 vụ khiếu kiện, tố cáo thì nội dung liên quan đến đất đai chiếm tới 69,9%. Người dân khiếu kiện, tố cáo những gì?

Đó là:

(1) Cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để chiếm ruộng đất, chia chác đất đai, nhất là đối với chương trình trồng rừng, các dự án phát triển khu dân cư, các dự án tái định cư;

(2) Cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ;

(3) UBND giao đất trái thẩm quyền; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch;

(4) Sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích trái quy định của pháp luật;

(5) Hành vi gian lận trong việc lập phương án bồi thường về đất đai để tham ô (như lập hai phương án bồi thường, một cho người có đất bị thu hồi và một phương án khác để thanh toán với Nhà nước)

(6) Hành vi trục lợi về đất đai thông qua việc lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn không phù hợp với thực tế, gây xáo trộn không cần thiết đối với đời sống người dân.

- Thứ hai là tham nhũng và tiêu cực nhiều nhất so với các lĩnh vực khác.

Hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Thế giới cùng hai đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển đã thực hiện một cuộc nghiên cứu ở năm tỉnh, thành: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả cho thấy tham nhũng trong đất đai ngày càng lan rộng. Theo số liệu được trích dẫn từ cuộc nghiên cứu này thì 85% hộ gia đình nhận thấy có tham nhũng, 43% doanh nghiệp khẳng định cần có quà cáp và chi phí không chính thức để nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ thì tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai diễn ra khá phổ biến trong các cơ quan công quyền mà những nỗ lực đấu tranh phòng chống tham nhũng trong đất đai dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Các đánh giá trên được đưa ra tại hội nghị đối thoại phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai giữa Chính phủ với đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, tổ chức vào cuối năm 2010.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ cũng từng nhận định tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian, làm trì trệ thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, cũng như đăng ký các giao dịch về bất động sản.

Nhưng dạng tham nhũng nặng nề hơn, theo ông Võ, đó là tham nhũng xảy ra trong thu hồi đất và giao đất. Tham nhũng xảy ra khi đất được giao với giá thấp hơn, chính quyền cấp tỉnh tự định giá và tự quyết định giá trong việc nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu. Hình thức giao đất chủ yếu vẫn là giao cho nhà đầu tư được chỉ định.

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá đất không phù hợp, khiến người bị thu hồi đất bị thua thiệt.

- Thứ ba, đất đai là lĩnh vực bị thất thoát nhiều nhất.

Tại hội thảo “Kiểm toán thu sử dụng đất với việc tăng cường quản lý thu ngân sách, quản lý đất đai tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15/9, ông Nguyễn Văn Hiệu, đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực IV, cho biết chỉ riêng các cuộc kiểm toán việc thu tiền sử dụng đất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ mấy năm qua, các đoàn kiểm toán đã phát hiện hàng loạt sai phạm, truy thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.

Điển hình trong các sai phạm là việc xác định diện tích phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đúng đơn giá đất, không đúng tiền đền bù được khấu trừ... trong đó nổi lên là việc không áp dụng đơn giá theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Đặc biệt, tại nhiều địa phương có tình trạng miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định như: dự án phân lô chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong đó có thỏa thuận giữa người nhận chuyển nhượng tự xây nhà theo quy hoạch), nhưng được cơ quan thuế miễn giảm tiền sử dụng đất theo phương thức xây nhà để bán.

Cho đến nay chưa có thống kê chính thức nào cho thấy tài nguyên đất đai đã bị lãng phí như thế nào qua việc cấp đất cho các dự án núp sau bình phong “vì lợi ích kinh tế”.

***
Thực trạng chuyển dịch đất đai hiện nay đã bộc lộ quá nhiều vấn đề nan giải, đã khiến cho việc sửa đổi Luật đất đai 2003 trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Hiện nay, rất nhiều nội dung của luật này không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống và điều kiện của thị trường, sự nhập nhằng giữa công hữu và tư hữu trong đất đai chưa được luật điều chỉnh.

Trong quá trình rà soát sửa đổi Luật đất đai, nhiều chuyên gia đề nghị bổ sung khái niệm sở hữu tư nhân bên cạnh sở hữu nhà nước. Tất nhiên để làm được điều này, cần vượt qua một rào cản lớn, đó là phải sửa đổi Hiến pháp, mà cụ thể là điều 17 và 18 Hiến pháp 1992 theo đó “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và “Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để không còn tình trạng công hữu vô chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO