Để giảm thiểu lãng phí lương thực

XUÂN LỘC/DNSGCT| 29/09/2012 05:16

Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới nhưng tỷ lệ người thiếu ăn và suy dinh dưỡng vẫn rất cao do lượng lương thực, thực phẩm bị thất thoát, lãng phí khá nhiều trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng.

Để giảm thiểu lãng phí lương thực

Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới nhưng tỷ lệ người thiếu ăn và suy dinh dưỡng vẫn rất cao do lượng lương thực, thực phẩm bị thất thoát, lãng phí khá nhiều trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng.

Đọc E-paper

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng lương thực, thực phẩm thất thoát và lãng phí hằng năm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là 630 triệu tấn (không kém nhiều so với nước công nghiệp là 670 triệu tấn), nhiều nhất là lúa gạo, rau, củ, quả.

Với tỷ lệ dân số không ngừng gia tăng như hiện nay (dự kiến sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2020) thì làm sao để giảm thiểu thất thoát, lãng phí lương thực luôn là vấn đề cần giải quyết cấp bách. Vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận tại “Diễn đàn An ninh lương thực Việt Nam”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tháng 9 vừa qua.

Thất thoát do sản xuất, bảo quản chưa tốt

Theo FAO, thất thoát lương thực thường xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Thất thoát chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển do cơ sở hạ tầng kém, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho hệ thống sản xuất lương thực thấp.

Đơn cử như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa hiện nay rất cao (khoảng 13,7%), nhất là khâu phơi sấy, tổn thất lên đến 4,2%.

Nguyên nhân là do cách làm khô lúa bằng ánh sáng mặt trời vẫn là phương pháp phổ biến ở khu vực này. Lúa được trải ra phơi trên tấm bạt, sân xi măng hay bê tông. Vào những ngày nắng gắt, nhiệt độ sân phơi có thể vượt quá 50oC, gây rạn nứt hạt lúa. Khi đưa vào xay xát, gạo sẽ tiếp tục bị thất thoát và chất lượng hạt gạo cũng bị ảnh hưởng.

Tại hội thảo, ông Đào Quốc Luận, Vụ phó Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra giải pháp cho vấn đề này là trang bị các loại máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển hệ thống nhà máy chế biến lương thực, xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo, cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, tăng cường các phương tiện vận chuyển, kho lạnh...

Với việc thu hoạch lúa gạo thì cần đầu tư phát triển hệ thống sấy công nghiệp tập trung, không chỉ giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo mà còn tăng khả năng thu mua lúa số lượng lớn khi vào mùa thu hoạch đồng loạt.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ nên việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cá nhân người sản xuất có thể chủ động và mạnh dạn hơn trong đầu tư thông qua chính sách hỗ trợ nông sản, thủy sản (Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg tháng 10/2010).

Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân sẽ được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa với lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong khung lãi suất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ.

Ngoài ra, người nông dân cũng cần chủ động học hỏi cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và các kinh nghiệm làm nông nghiệp bền vững, cập nhật những kiến thức mới. Với các kỹ thuật tiên tiến về cây trồng, bà con nông dân có khả năng làm tăng năng suất sản xuất và tăng mức sống của họ ở các khu vực nông thôn.

Điển hình là giống lai của DuPont Pioneer, có khả năng sống ở vùng nước ngập mặn, đã góp phần giúp nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng năng suất vụ mùa.

Trong quá trình nuôi tôm, nước ruộng lúa bị nhiễm mặn, làm tăng độ mặn trong đất và làm cho môi trường đất canh tác khó hơn. Bằng cách luân phiên giữa ruộng lúa và ruộng tôm, nông dân có thêm thu nhập và có thể giúp gia đình và cộng đồng có cuộc sống ổn định hơn.

Lãng phí lương thực do hành vi người tiêu dùng

Các đại biểu tại hội thảo

Tình trạng lãng phí lương thực thực phẩm chủ yếu do các nhà phân phối và người tiêu dùng gây ra khi họ vứt bỏ các loại lương thực vẫn còn có khả năng sử dụng. Còn lãng phí rau, củ, quả là do yêu cầu quá cao về mẫu mã. Chẳng hạn chúng ta chỉ chọn sử dụng những trái dưa leo thẳng, khoai tây không quá to cũng không quá nhỏ, cà rốt da láng, một đầu…

Hậu quả là những trái dưa bị cong, khai tây nhỏ, cà rốt sần sùi, hai đầu… bị vứt bỏ dù không bị hư hại. Tình trạng này xảy ra rất nhiều ở các siêu thị, nhà hàng lớn. Lương thực không đủ tiêu chuẩn mẫu mã bị thải ra rất nhiều.

Như vậy, việc thay đổi suy nghĩ của các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng là rất cần thiết. Chúng ta không nên quá chú trọng về hình thức bên ngoài của lương thực và thực phẩm đồng thời không nên mua lương thực, thực phẩm quá mức cần thiết.

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh còn cho biết nguyên nhân lãng phí là do chúng ta bắt trẻ em ăn quá mức cần thiết và chuẩn bị quá nhiều thức ăn trong mỗi bữa ăn. Hệ quả là thức ăn thừa khó giữ lại lâu, nhất là đối với khí hậu nóng ẩm như TP. Hồ Chí Minh.

Hơn nữa, rất nhiều gia đình chú trọng bữa ăn tối, gây lãng phí trong khi mức năng lượng cần thiết cho bữa ăn tối chỉ từ 20 - 30% năng lượng cả ngày.

Cũng theo bà Diệp, một quan niệm khá sai lầm nữa là người từ 60 tuổi trở lên nên ăn nhiều để khỏe mạnh. Thực tế, người lớn tuổi chỉ cần mức năng lượng bằng 70% so với người trẻ. Ăn nhiều ở người lớn tuổi chỉ làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Ông Vũ Ngọc Tiến, đại diện Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bổ sung: “Cách ăn uống không gây lãng phí là ăn đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh và tốt nhất là ăn theo mùa”.

Theo ông, ăn rau quả theo mùa sẽ đảm bảo tươi ngon và giá rẻ hơn. Để hướng dẫn người dân ăn uống tốt hơn, tránh lãng phí, FAO và các chuyên gia lương thực cũng đang trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành Sổ tay hướng dẫn dinh dưỡng cho các hộ gia đình.

Ngoài ra, FAO cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để những người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa biết các kiến thức về cách ăn uống đảm bảo vệ sinh, hạn chế lãng phí để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để giảm thiểu lãng phí lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO