Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa

HỒNG MIÊN| 29/04/2010 00:50

Thị trường nội địa rất quan trọng đối với doanh nghiệp ngành dệt may. Công ty Việt Tiến năm ngoái đạt 500 tỷ đồng từ thị trường nội địa"...

Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa

Ông Lê Trung Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho biết một số mục tiêu và xu hướng phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, đặc biệt là việc giải quyết những khó khăn về nguyên phụ liệu và phát triển thị trường nội địa:

* Hiện nay, có đến 70 - 80% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong ngành dệt may phải nhập khẩu. Bài toàn khó này sẽ được giải quyết thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2009 vẫn tăng 20%. Điều đó có nghĩa là ngành dệt may tiếp tục phát triển tốt. Trong quý I/2010, xuất khẩu tăng trưởng từ 10 - 15%.

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, nguyên liệu ngành dệt may đang tăng giá rất mạnh. Trong khi đó, khả năng cung ứng nguyên phụ liệu trong nước còn hạn chế. Năm 2009, nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 44%. Mỗi năm, ngành dệt may tăng trưởng khoảng 20%, tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu nội địa tăng theo từ 8 - 10%. Chúng tôi đang phấn đấu từ năm 2010 trở đi, lượng cung ứng nguyên phụ liệu sẽ tăng từ 50%.

Để đạt được mục tiêu này, VINATEX đang phát triển mạnh khả năng cung ứng nguyên liệu bông sơ. Nhà máy sơ Đình Vũ (cụm Công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng) hiện đang ở giai đoạn xây dựng, lắp ráp thiết bị, dự kiến đến tháng 5/2011sẽ khánh thành.

Nhà máy sơ có công xuất dự kiến 600 tấn tơ sợi/ngày, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sử dụng sơ trong dệt may của Việt Nam. Nếu cộng cả một số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì có thể đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu bông sơ. Hiện nay, về sản lượng sơ chúng ta chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và dự kiến đến năm 2011 sẽ đáp ứng được khoảng 70%.

* Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, một số doanh nghiệp quay về thị trường trong nước. Nhưng khi kinh tế thế giới phục hồi, họ lại nghiêng hẳn sang xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa. Đây có phải là một xu hướng?

- Tôi không nghĩ như vậy. Thị trường nội địa rất quan trọng đối với doanh nghiệp ngành dệt may. Thực tế, một đơn vị rất mạnh của tập đoàn là Công ty Việt Tiến năm ngoái đạt 500 tỷ đồng từ thị trường nội địa; năm nay Công ty đặt mục tiêu thị trường nội địa là 650 tỷ đồng (tăng khoảng 30%). Bên cạnh đó, Việt Tiến mới cho ra một thương hiệu mới là Việt Long (Rồng Việt) để tập trung vào phân khúc bình dân, nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Như vậy không có nghĩa Việt Tiến quay lưng lại với thị trường nội địa, mà ngược lại, đang đẩy mạnh thị trường nội địa. VINATEX cũng đang tập trung mạnh vào thị trường nội địa vì kim ngạch nội địa đạt chỉ tiêu rất cao. Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu xây dựng các thương hiệu nội địa để phục vụ tất cả các phân khúc ở thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO