Đầu tư trong nước: Nguồn nội lực đang suy yếu

HUỲNH BỬU SƠN/DNSGCT| 17/12/2014 06:36

Hai mươi lăm năm trước đây, khi bắt đầu thực hiện chủ trương Đổi mới nền kinh tế, Việt Nam cũng đồng thời Mở cửa, với hy vọng tiếp nhận nguồn ngoại lực mới mẻ giúp khai thông và phát huy nguồn nội lực đầy tiềm năng của đất nước đang suy yếu vì trải qua chiến tranh và gần như đóng băng trong suốt thời kỳ kinh tế bao cấp và khép kín

Đầu tư trong nước: Nguồn nội lực đang suy yếu

Hai mươi lăm năm trước đây, khi bắt đầu thực hiện chủ trương Đổi mới nền kinh tế, Việt Nam cũng đồng thời Mở cửa, với hy vọng tiếp nhận nguồn ngoại lực mới mẻ giúp khai thông và phát huy nguồn nội lực đầy tiềm năng của đất nước đang suy yếu vì trải qua chiến tranh và gần như đóng băng trong suốt thời kỳ kinh tế bao cấp và khép kín.

Đọc E-paper

Quyết sách Mở cửa đã mang lại những thành tựu cho nền kinh tế Việt Nam hơn cả kỳ vọng. Nguồn ngoại lực ban đầu tuy ít ỏi nhưng cũng có tác dụng tốt, và tự thân tư duy mở cửa thông thoáng với bên ngoài cũng đã giúp cởi trói, khai thông nguồn nội lực quốc gia, biến nó thành đầu tàu của tăng trưởng kinh tế.

Trong năm năm đầu mở cửa (1991-1995), GDP Việt Nam đã tăng trưởng rất ngoạn mục, bình quân 8,2%/năm, gần gấp đôi mức tăng trưởng bình quân GDP 4,4%/năm của năm năm trước đó (1986-1990). Từ 1996 đến năm 2000, tuy có chịu ảnh hưởng ít nhiều của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tăng trưởng bình quân của GDP nước ta vẫn ở mức khá (6,9%).

Tiết kiệm trên GDP cũng gia tăng mạnh mẽ cho thấy nội lực đang tích tụ: vào năm 1990, tỷ lệ tiết kiệm/GDP chỉ có 8,5%, đến năm 2000, tỷ lệ này là 27%, gấp hơn ba lần. Tỷ lệ tạo lập tài sản vốn cố định gộp (gross fixed capital formation) trên GDP vào năm 2000 là 29%, gấp đôi so với năm 1990 (14,4%).

Từ năm 2000 đến năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức bình quân 7,38%/năm. Trong ba năm 2005, 2006 và 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 8%/năm, đạt đỉnh vào năm 2007 với mức 8,46%. Có thể khẳng định rằng, các yếu tố nội lực (nguồn vốn, nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên…) đã từng bước khẳng định vai trò quyết định trong suốt quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 15 năm Đổi mới, từ 1991 đến 2006.

Từ năm 2008, đầu tư trong nước của Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Hai năm trước đó, trong không khí lạc quan của tăng trưởng nóng, đầu tư công tại các địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng mạnh nhưng lại dàn trải quá lãng phí vào vô số các dự án công nghiệp và hạ tầng không hiệu quả.

Trong khu vực tư doanh, đầu tư tư nhân – mà phần lớn mang tính chất đầu cơ – vào bong bóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng gia tăng chóng mặt. Khi bong bóng vỡ, các nguồn vốn bốc hơi, các công trình xây dựng dang dở, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp lan tràn, các ngân hàng oằn mình dưới gánh nợ xấu ngày càng tăng.

Không may là vào thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nổ ra đã khiến cho các nhà phân tích kinh tế và các nhà làm chính sách có con dê tế thần để vội vã trút bỏ mọi trách nhiệm và hậu quả lên đầu nó thay vì bình tĩnh nhìn lại cấu trúc mong manh của nền kinh tế, một nền kinh tế tuy đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng động lực tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước, vào đầu tư công mà hiệu quả đầu tư liên tục giảm.

Mặt khác, các chính sách vĩ mô chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước qua việc duy trì hệ thống thuế suất cao (tăng thu cho ngân sách) và lãi suất tín dụng cao (hạn chế phát triển khu vực kinh tế tư doanh). Lãi suất tín dụng cao đã ngăn trở ý chí của doanh nghiệp tư nhân đầu tư trung và dài hạn, khuyến khích xu hướng ăn xổi ở thì, đánh quả, ưa thích các thương vụ siêu lợi nhuận và kinh doanh mạo hiểm, nên khi có cơ hội – hiện tượng tăng trưởng bong bóng của giá bất động sản và cổ phiếu – và có điều kiện sử dụng dễ dàng nguồn tín dụng ngân hàng, họ đã không ngần ngại ném hàng trăm ngàn tỉ đồng vào canh bạc lớn đó để rồi sau đó trắng tay.

Năm 2008, tăng trưởng GDP chỉ còn 6,31% và đến năm 2009 tiếp tục giảm xuống còn 5,32%. Trong những năm 2011, 2012 và 2013, tăng trưởng bình quân của GDP chỉ vào khoảng 5,2%/năm. Vào năm 2008, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 41,57%/GDP, giảm từ 46,5%/GDP của năm 2007 và cho đến năm 2013 chỉ còn 30,4%/GDP. Đầu tư trong nước cũng sụt giảm cả về quy mô lẫn hiệu quả đầu tư.

Đầu tư công, tuy vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội (từ mức trung bình 54,1% trong giai đoạn 2000-2005 xuống 39,1% trong giai đoạn 2006-2010) nhưng hiệu quả của đầu tư công lại sụt giảm liên tục và nghiêm trọng, được minh chứng qua chỉ số ICOR của đầu tư công luôn ở mức cao (7-8), cá biệt vào năm 2009, khi Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công với mục tiêu đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái, hiệu quả của đầu tư công (được tính bằng chỉ số ICOR) lên đến con số đáng buồn là 13,5, tức là phải đầu tư 13,5 đồng mới có được một đồng tăng thêm cho GDP.

Điều này giải thích tại sao tổng đầu tư toàn xã hội năm 2009 là 42,7%/GDP (cao hơn mức 41,5% của năm 2008) và đầu tư công chiếm 40,5% tổng đầu tư, nhưng tăng trưởng GDP năm 2009 lại giảm xuống còn 5,32% so với 6,31% của năm 2008. Đây là một tình trạng sút giảm hiệu quả đầu tư đáng báo động, vì trong giai đoạn 2000-2005, ICOR bình quân là 4,9.

Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư doanh, một thành phần quan trọng của nội lực, cũng có xu hướng giảm tương đối qua các năm (từ mức 38,1% năm 2006 xuống còn 36,1% năm 2010 và 35,2% năm 2011). Đến năm 2013, tỷ lệ này phục hồi ở mức 37,6%, tuy nhiên, vì tổng vốn đầu tư toàn xã hội của năm 2013 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục (30,4%/GDP) nên sự phục hồi đó không có ý nghĩa. Nhìn chung trong suốt mấy năm liền kể từ khi chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2008, khu vực kinh tế tư doanh đã bị thu hẹp đáng kể với hàng trăm ngàn doanh nghiệp lỗ lã phải giải thể hay phá sản.

Tính chất mong manh của nguồn nội lực đầu tư còn được minh chứng bởi tình trạng tiết kiệm khả dụng trong nước luôn thấp hơn đầu tư khả dụng trong nước, kể từ năm 2002. Theo một phân tích đáng tin cậy, trong những năm 2007-2009, mất cân đối giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư trong nước đã lên đến trên 10% GDP.

Cũng theo phân tích này, nếu trước năm 2007, phần lớn thâm hụt giữa tiết kiệm và đầu tư của khu vực công được tài trợ bởi thặng dư tiết kiệm của khu vực tư, thì từ năm 2007 trở đi, cả khu vực tư cũng chịu thâm hụt giữa tiết kiệm và đầu tư, khiến cho chênh lệch tiết kiệm – đầu tư của toàn nền kinh tế ngày càng lớn. Hậu quả của hiện tượng này là nợ công gia tăng mạnh mẽ.

Vào năm 2001, nợ công của Việt Nam chỉ chiếm 11,5% GDP, đến năm 2010, con số này đã tăng gần năm lần, lên 51,7% GDP và dự báo đến cuối năm 2014, nợ công sẽ tăng vọt lên 60,3% GDP, gần chạm mức an toàn 65% GDP. Thật ra vấn đề không phải chỉ là độ lớn của nợ công mà còn là hiệu quả của việc sử dụng nó.

Nếu đầu tư công tiếp tục không hiệu quả như trong thời gian qua, nguy cơ vỡ nợ công không phải là điều viển vông vì gánh nặng trả nợ công ngày càng tăng. Năm 2013, tổng nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam chiếm 33,4% thu ngân sách, sẽ tăng lên 38,07% năm 2014 và dự kiến tăng trên 45% thu ngân sách vào năm 2015.

Nhiều nhà phân tích cho rằng một trong những lý do khiến tiết kiệm khả dụng của nền kinh tế đã không tăng tương ứng với mức gia tăng thu nhập chính là tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Tình trạng này đã khiến cho phần lớn tiền tiết kiệm trong dân bị đóng băng.

Khi giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng quốc tế từ 3 đến 4 triệu đồng một lượng ta (37,5 gram), nhu cầu dự trữ vàng trong dân đang có xu hướng tăng và điều nguy hiểm là một khi đã thành thói quen, tâm lý trữ vàng sẽ khó xóa bỏ, trở thành một nguy cơ khiến cho tiết kiệm khả dụng trong nền kinh tế luôn luôn ở mức thấp.

Chúng ta đứng trước nghịch lý là nền kinh tế có tiết kiệm nhưng không thể sử dụng đựợc mà phải đi vay nợ ngày càng nhiều để đầu tư. Hậu quả là nền kinh tế ngày càng chậm phát triển trong khi dự trữ vàng trong nước ngày càng tăng.

Cùng với tình hình nợ xấu tại các ngân hàng chậm giải quyết và tình trạng ì ạch của thị trường chứng khoán, trước mắt trong nãm 2015, khả năng hồi phục của đầu tư trong nước sẽ khó hiện thực. Và nếu như thế, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới sẽ phụ thuộc vào nguồn ngoại lực: đầu tư nước ngoài. Nhưng đầu tư nước ngoài không phải là chiếc đũa thần, khi năng suất lao động của Việt Nam đang giảm dần và ở mức thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chẳng hạn, năng suất của Singapore gấp 15 lần năng suất lao động của Việt Nam, Nhật Bản gấp 11 lần, Hàn Quốc gấp 10 lần, Malaysia gấp năm lần và Thái Lan gấp 2,5 lần. Như vậy, nếu đầu tư trong nước tiếp tục suy yếu, năng suất lao động không được cải thiện tốt, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình của nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.

Có quá nhiều việc phải làm để phục hưng nguồn nội lực đầu tư trong nước, từ việc tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng đến việc xây dựng chiến lược quốc gia sung dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, từ việc cải thiện thuế suất, lãi suất để bồi dưỡng sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường năng lực cạnh tranh của họ đến việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng để đảm nhiệm tốt vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế… Nhưng trên hết vẫn là việc phục hồi và củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào một tương lai cường thịnh của đất nước và dân tộc.

>Sôi động dòng vốn ngoại và nội lực của nền kinh tế
>Thách thức trong xây dựng nội lực nền kinh tế
>
Tránh lệ thuộc Trung Quốc bằng nội lực và liên minh
>“Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư trong nước: Nguồn nội lực đang suy yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO