Đất khách Vạn Vĩ

KIM HOA| 05/02/2010 04:36

Nếu từ biển Vạn Vĩ (thuộc thị trấn Giang Bình, TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) ngoái nhìn về quê nhà Việt Nam, Mũi Ngọc ở biển Trà Cổ hiện lên mờ mờ cách một tầm mắt.

Đất khách Vạn Vĩ

Nếu từ biển Vạn Vĩ (thuộc thị trấn Giang Bình, TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) ngoái nhìn về quê nhà Việt Nam, Mũi Ngọc ở biển Trà Cổ hiện lên mờ mờ cách một tầm mắt. Vạn Vĩ của những người Việt gốc Đồ Sơn, rời quê cha đất mẹ đến đây sinh sống lập nghiệp suốt 5 thế kỷ qua, song vẫn giữ tiếng Việt, nói tiếng Việt, hát dân ca và sưu tầm những chuyện cổ tích sinh ra từ xứ sở cha Rồng mẹ Tiên...

Gốc đa và sân đình

Trước đình Vạn Vĩ là bức tượng người người đàn ông kéo lưới, nghề truyền thống của làng

“Hồng thuận tam niên, quê tại Đồ Sơn, lưu lạc Phúc Yên, an cư chốn này...”. Gia phả và truyền thuyết của làng kể rằng, 500 năm trước, thời kỳ Hồng Thuận tam niên (đời nhà Lê, năm 1511) có khoảng 100 người Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề đi biển, do mải đuổi theo đàn cá song nên đã lưu lạc tới ba hòn đảo hoang vắng ở phương Bắc có tên là Tam Đảo thuộc Phúc Yên (tên cũ của thị trấn Giang Bình, hay còn gọi là An Lang) mà nay đã thành đất liền do phù sa bồi đắp.

Tam Đảo với rừng rậm, với những cổ thụ thân to nhiều người ôm không xuể đã che chở họ. Tại đây, các gia đình được gọi là “Kinh tộc”, gồm 12 dòng họ (Tô, Nguyễn, Đỗ, Hoàng, Bùi, Cao, La, Cung, Ngô, Khổng, Lương), từ đời này qua đời khác đã biết cách trụ lại bằng nghề cũ, đàn ông neo vào biển để tiếp tục chài lưới, đàn bà và trẻ con ra đồng hoặc tỏa đi buôn bán vặt. Dần dần những thôn làng ít nhiều mang dáng dấp Việt mọc lên như Vạn Vĩ, Mu Đầu và Sơn Tâm với những sân gạch, hồ sen, hàng tre, vườn chuối, vườn bưởi và đàn gà, ao cá...

Hiện tại, Vạn Vĩ có trên 1.000 hộ dân, với khoảng 2.200 người Kinh gốc, người Hán chỉ chiếm thiểu số. Đi biển và buôn bán đã giúp họ mưu sinh, đặc biệt trở nên khá giả sau khi mở cửa giao thương biên mậu. Vạn Vĩ cũng là nơi có nghề đan lồng, đan chắn, đăng, dậu bằng tre, theo đúng truyền thống của người Việt Nam, dùng để bắt mực, bắt sam mà ở Trung Quốc không nơi nào có. Trong thôn đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhiều gia đình sắm được ô tô, tàu thuyền và xây được khách sạn để kinh doanh.

Điều rất đáng nói là ở nơi đất khách, những thế hệ con, cháu, chắt, chút, chít... của Đồ Sơn luôn giữ gìn văn hóa nguồn cội quê cha đất tổ. Cây đa, bến nước, sân đình, cả ba hình ảnh quen thuộc, thân thiết và rất Việt Nam ấy, Vạn Vĩ đều hội đủ.

Hội đình hằng năm tổ chức vào ngày 29/7 và kéo dài đến 5/8 âm lịch để nhớ ơn vị thần đã che chở cho người dân Vạn Vĩ an cư trên đất mới. Vài năm trở lại đây, khi đình Vạn Vĩ được Chính phủ Trung Quốc công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia” thì tết đình, hội đình càng được tổ chức rầm rộ hơn. Trong lễ hát, không thể thiếu sự hiện diện của đàn bầu - thứ nhạc cụ độc đáo của Việt Nam, vốn rất được người Vạn Vĩ ưa chuộng. Theo một chuyên gia văn hóa cổ Việt Nam, lễ hát cửa đình, hát trước lễ thờ hiện đang được duy trì tại Vạn Vĩ vốn là một sinh hoạt văn hóa ở nước ta có từ thời Trần, Lê, đầu Nguyễn.

Tết nhất và giỗ chạp là những dịp người Việt ở Vạn Vĩ về gần với cố hương hơn cả. Từ 20 - 30 tháng chạp, các gia đình tảo mộ. 30 Tết, nhà nào cũng gói bánh chưng, giết lợn, mổ gà làm cỗ Tết. Ngày mùng 1 vẫn giữ tục lệ không sát sinh để cầu may mắn và thư nhàn. Đặc biệt, lễ hội chọi trâu nổi tiếng của Đồ Sơn 10 tháng Tám 500 năm trước đã “vượt biển” và “an cư” cùng người Đồ Sơn ở Tam Đảo.

Tiếng Việt trường tồn

Những câu tiếng Việt ít ỏi đầu tiên chúng tôi nghe được ở Vạn Vĩ là khi gặp ông Dương Duy Minh, 63 tuổi. Cuộc sống của vợ chồng ông Minh là điển hình cho một bộ phận người Việt ở đây - những người sống chất phác với nghề làm ruộng hoặc buôn bán vặt vãnh. Nhưng thầy mo - chủ hương của đình làng là Cung Tiến Hưng, 65 tuổi, lại tiếp chúng tôi bằng chính tiếng Việt. Người đàn ông trình độ lớp 5 này đã làm chúng tôi bất ngờ khi nói: “Tôi cảm thấy nếu không có ngôn ngữ, không có văn hóa thì không còn dân tộc mình nữa. Vì thế ở đình chúng tôi, có mở lớp học tiếng Việt, mỗi tuần một vài tiết”.

Không phải bỗng nhiên mà cho đến bây giờ, lễ tế đình ở Vạn Vĩ vẫn diễn ra bằng tiếng Việt. Người Vạn Vĩ vẫn nói tiếng Việt với nhau trong ngôi nhà của họ và những cô dâu , chú rể người Hán khi nhập gia cũng chỉ sau độ nửa năm là biết nói tiếng Việt.

Cũng tại đình Vạn Vĩ, chúng tôi may mắn gặp được một “nhân vật của làng”, đó là ông Tô Minh Phương, từng là đại biểu của dân tộc thiểu số đi họp ở Bắc Kinh. Ông Phương được coi là “trí thức” của làng. Ông Phương kể, những năm 60, ông đã tham gia diễn chèo mấy buổi liền vở “Tống Trân - Cúc Hoa” ở tại đình làng cho bà con đến xem. Vở chèo này do ông ngoại ông Phương nhớ trong đầu, đọc nôm na cho cháu chép, ông đã học thuộc lòng toàn bộ truyện với hơn 1.700 câu, 2 vạn chữ. Cho đến giờ, những khi hứng thú, ông vẫn thường ngâm nga chúng...

Từ cửa khẩu Bắc Luân, đi thêm 30 cây số, qua những làng mạc mênh mông lúa, những đầm nuôi tôm hình chữ nhật nằm san sát bên đường, là đến Vạn Vĩ. Gần đây, Vạn Vĩ bắt đầu trở thành một điểm đến thú vị của nhiều người Việt khi đi qua cửa khẩu Bắc Luân. Tại Việt Nam, từ vài năm trước, những người làm nghiên cứu dân gian ở Hà Nội đã tìm đến Vạn Vĩ với mục đích “khai thác những nét văn hóa dân gian còn lại của người Việt” và đã thu thập được một số tư liệu thú vị và có giá trị về một làng Việt cổ bên kia biên giới.

Nghe các bà, các cô hát dân ca, lại đọc báo thấy được sự cần thiết phải cứu vãn chữ Nôm, ông Tô quyết tâm thu thập, nghiên cứu và bắt tay viết cuốn “Sử ca dân tộc Kinh” bao gồm những bài hát tế lễ ở đình, những tác phẩm văn học viết bằng văn vần như Kiều, Hoa Tiên, Nhị Độ Mai, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Thạch Sanh... mà hầu hết đều ghi lại từ trí nhớ của những cụ già người Việt trong làng. Những khúc ca, khúc văn vần ấy, từ 500 năm trước đã lưu lạc theo cha ông họ, sống truyền đời qua các thế hệ mà còn đến tận ngày nay với một sức sống bền bỉ, dẻo dai đến kinh ngạc...

Từ việc cặm cụi sưu tầm, góp nhặt từng câu, từng chữ ở chính những đồng bào Việt Vạn Vĩ để có ngày ông Tô sở hữu hai tập ca dao, dân ca “100% Việt Nam” gồm 18.880 chữ, 2.450 câu.

Vạn Vĩ phải cho người về Việt Nam thuê người sang hát nhả tơ những bài hát cổ thường hát trong lễ hội của người Việt, đồng thời tổ chức hai lớp học chữ Nôm ngay tại đình cho 30 học viên ở làng bằng một “tấm lòng vô tư đối với việc đào tạo văn hóa người Kinh” như ông Tô tự nhận. Thế là, đình Vạn Vĩ thành nơi cho các bà dạy hát các làn điệu Việt cổ, và nơi cho ông Tô dạy chữ Nôm. Người già dạy người trẻ. Người biết dạy người chưa biết. Chữ Nôm, tiếng Việt, ca dao, dân ca Việt Nam cứ thế vang lên trên đất Vạn Vĩ với một sắc thái riêng có như một tài sản tinh thần vô giá của những người con xa xứ.

Khi chúng tôi đến đây, ngay trên cửa chính đình, đã đặt trang trọng một tấm biển lớn: “Trung tâm tuyên truyền nghiên cứu văn hóa chữ Nôm và dân tộc Kinh”. Theo ông Phương, hiện Vạn Vĩ có hai bảo vật mà có lẽ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nào cũng “thèm” được tiếp cận, đó là cuốn Truyện Kiều bản chữ Nôm viết khoảng giữa thế kỷ XVIII và một cuốn Tống Trân Cúc Hoa cũng bằng chữ Nôm rất cổ. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác của người Việt cũng đã trường tồn theo năm tháng tại Vạn Vĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất khách Vạn Vĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO