Đắt đỏ nợ công

TS. LÊ KIM SA - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam| 23/05/2012 05:21

Nợ công ở Việt Nam tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách trở thành căn bệnh kinh niên, đầu tư không ngừng mở rộng kéo theo lạm phát và lãi suất cao khiến cho việc tài trợ nợ công ngày càng trở nên đắt đỏ, tạo áp lực tín dụng dài hạn.

Đắt đỏ nợ công

Nợ công ở Việt Nam tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách trở thành căn bệnh kinh niên, đầu tư không ngừng mở rộng kéo theo lạm phát và lãi suất cao khiến cho việc tài trợ nợ công ngày càng trở nên đắt đỏ, tạo áp lực tín dụng dài hạn.

Đọc E-paper

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công gồm: nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và vay nợ của chính quyền địa phương. Mười năm qua, tỷ lệ nợ công của nước ta so với GDP có xu hướng gia tăng. Tổng dư nợ công tính đến năm 2011 bằng 54,6% GDP.

Nợ của Chính phủ chiếm tỷ trọng lớn và cũng có xu hướng mở rộng những năm gần đây. Năm 2011, dư nợ của Chính phủ bằng khoảng 43,6% GDP, giảm so với 45,7% năm 2010. Dù vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng tỷ trọng nợ của Chính phủ so với GDP có xu hướng tăng suốt thập niên 2000.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện các dự án phát triển (đầu tư công) chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cơ cấu nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng tăng, từ 4% năm 2001 lên 10% năm 2005 và 18,6% năm 2011, tương đương 11,6% GDP.

Hiệu quả sử dụng các khoản vay là vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo dòng tiền trả nợ trong tương lai, nhưng nước ta chỉ mới chú trọng khía cạnh giải ngân các khoản vay, bán trái phiếu thu tiền về. Nhiều ý kiến cho rằng, các khoản đầu tư của Nhà nước vẫn dàn trải, chậm tiến độ, gây lãng phí lớn do buông lỏng quản lý.

Tính riêng số tiền thống kê chính thức là 30 tỷ USD, có thể thấy phần thất thoát tài sản nhà nước (chỉ phần đi vay) là không nhỏ, từ 4,5 đến 8-13 tỷ USD.

Số tiền khổng lồ này sẽ lan tỏa vào xã hội dưới dạng đầu tư chứng khoán, bất động sản... Sự “năng động” của thị trường do những đồng vốn vay chưa trả thất thoát này tạo ra đang làm mờ đi sự phát triển thực sự từ nội lực kinh tế.

Mức tiêu dùng mạnh mẽ tại các thành phố lớn đang tạo thành động lực thúc đẩy không chỉ Chính phủ, các tỉnh, DNNN liên tục vay nợ, xây dựng các đề án với mức trích ra từ 15 đến 30-45%, dù chưa biết lỗ, lãi thế nào. Đó có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tốc độ nợ công tăng nhanh thời gian gần đây.

Từ năm 2003, Việt Nam đã hết thời gian ân hạn 10 năm, bắt đầu phải trả cả lãi lẫn gốc. Lãi suất trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng từ 1,54%/năm vào năm 2006 lên 1,9% trong năm 2009 và 2010 lên 2,1%/năm.

Bên cạnh đó, từ 2010, nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các khoản vay mới sẽ tương đương các khoản vay thương mại và gần như không có ưu đãi.

Theo ước tính, đến năm 2016, Chính phủ Việt Nam phải trả nợ trên 2 tỷ USD, so với mức 1 tỷ USD năm 2010. Hiện giới chức trách vẫn khẳng định Chính phủ hoàn toàn có khả năng trả nợ, nhưng chắc chắn không tránh khỏi gặp nhiều thách thức và cách tính của ta vẫn còn nhiều điểm khác với thông lệ quốc tế.

Các con số về khoản nợ không đồng nhất làm cho các nhà phân tích khó biết đâu là sự thật. Nợ ở nước ta hiện nay chưa tính đủ vì còn thiếu nợ của khu vực kinh tế nhà nước mà Chính phủ phải chịu trách nhiệm trả.

Phần nợ này không được hiển thị hoặc không thấy trong số liệu thống kê. Ví dụ, Vinashin thua lỗ, Nhà nước vẫn phải đứng ra trả nợ. Ngay trong số liệu dự toán ngân sách, phần trái phiếu chính phủ vẫn được để ngoài cân đối ngân sách.

Nợ công đang gây hàng loạt lo ngại từ quy mô đến an toàn và khả năng trả nợ. Dù có lý hay vô lý, nhưng chính những mối lo này sẽ gây hại, khả năng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ bị giảm xuống nếu các biện pháp can thiệp quá nhanh và mạnh. Nó có thể làm vô hiệu hóa những chính sách kinh tế vĩ mô.

Nếu Chính phủ phải in thêm tiền để mua trái phiếu có thể khiến lãi suất các loại trái phiếu dài hạn tăng cao thay vì hạ thấp và tất nhiên tiếp tục gây áp lực lạm phát. Sẽ là sai lầm nếu Chính phủ đột ngột thắt chặt ngân sách, bởi nền kinh tế vẫn ở trạng thái yếu, mặc dù tốc độ tăng trưởng không thấp.

Dường như Chính phủ Việt Nam đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì nợ công gia tăng cùng với nhu cầu đầu tư và vay mới cũng tăng lên. Việc thắt chặt ngân sách vội vã sẽ phản tác dụng.

Bởi vậy, thay vì tìm cách cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách, Chính phủ cần cam kết và thực hiện hiệu quả việc kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công. Ngoài ra, cùng với trả nợ, Việt Nam phải thận trọng, tính toán kỹ về các khoản vay mới và ngay khi vay cũng phải chuẩn bị trả nợ đúng hạn.

Những lo ngại về nợ công hôm nay có thể là cơ hội để có những bước đột phá về quản lý và kiểm soát nợ công cũng như nợ nước ngoài ở nước ta.

Bởi nợ công có thể được tính chính xác, công bố cho nhân dân - những người phải trả nợ, được biết. Chính hành động này sẽ tạo được lòng tin vào Chính phủ nơi người dân, tạo động lực cho quá trình phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đắt đỏ nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO