Đẳng cấp

BÍCH HỒNG| 18/05/2010 06:15

Ở trang trại ngoại ô, mọi người khen món xôi hôm nay ngon quá. Cô ấy cười tươi, để phục vụ mọi người, em phải gọi điện ra Hà Nội đặt đúng loại nếp cái hoa vàng, chẳng ngại tốn kém máy bay gửi vào kịp nấu xôi hôm nay đấy. Đã không ăn thì thôi, đến xôi cũng phải... chuẩn!

Đẳng cấp

Ở trang trại ngoại ô, mọi người khen món xôi hôm nay ngon quá. Cô ấy cười tươi, để phục vụ mọi người, em phải gọi điện ra Hà Nội đặt đúng loại nếp cái hoa vàng, chẳng ngại tốn kém máy bay gửi vào kịp nấu xôi hôm nay đấy. Đã không ăn thì thôi, đến xôi cũng phải... chuẩn!

Một buổi theo người bạn đi ăn món bún thang giữa Hà Nội. Người bạn vui vẻ thuyết minh về thứ nước dùng đặc biệt, về bún rối trắng tinh với trứng tráng thật mỏng, thái chỉ tơ; thịt gà có lườn trắng, đùi da vàng óng, xé nhỏ; giò lụa thái chỉ, đặt ở một góc kèm theo một chút củ cải khô đã ngâm kỹ và tẩm nước mắm, dấm cho vừa ăn; trên cùng là rau răm, rau mùi, hành hoa, hành củ, và không nên thiếu một chút xíu mắm tôm cho đậm đà món bún.

Một kiểu thể hiện đẳng cấp của giới trẻ - Ảnh minh họa

Bạn tôi say sưa nói thêm: “Bún thang là duyên thầm buổi sáng Hà Nội đấy nhé!”. Đúng lúc ấy, một nữ trung niên đi với một trai trẻ kéo soạt ghế bên cạnh, rồi một giọng kênh kiệu lạnh tanh cất lên: “Này, hai bún thang gà đùi nhé!”. Nữ trung niên nhấm nhẳng thêm: "Mình không để ý, nó cứ bỏ linh tinh vào, không phải gà đùi, không nuốt nổi”. Chính chị ta làm tôi nuốt không nổi bát bún thang. Từ đó tôi đặt tên tất cả những gì gợi nhớ đến chuyện thể hiện “ tinh tế” kiểu đó là thứ “văn hóa gà đùi”. Người ta cố gắng thể hiện cái sự “chuẩn”, cái sự cảnh vẻ, kênh kiệu thật ồn ào, chỉ sợ người khác không biết “đẳng cấp” của mình.

Lại một lần đứng ở ban công chợt nhìn thấy một thiếu nữ phóng xe đến gọi một người hàng xóm ầm ĩ: “Bác ơi, bố cháu bảo đem đến biếu bác nhãn nhà cháu mới hái ở trang trại Ba Vì sáng nay đấy ạ!”. Tôi liếc nhìn chùm nhãn còi cọc, lơ thơ trái, nó tố cáo cây nhãn chẳng hề được chăm sóc bởi các chủ nhân thành thị đua đòi! Tôi tự hỏi rút cục nhà cô bé muốn tặng mớ nhãn thảm thương ấy, hay là muốn khoe về cái trang trại ở ngoại ô đang là mốt.

Cũng lại cà phê sáng thứ Bảy, bàn bên có mấy người khách Hà Nội mới vào, râm ran đất ven biển Đà Nẵng rẻ hơn bèo. Người thiếu phụ quần lửng, áo thun thủng thẳng: “Nhà đất ở Đà nẵng rẻ như cho không. Sáng nay em tắm biển lên, đi rảo quanh quanh ngắm cảnh, thấy cái biệt thự xây được mắt, xông vào hỏi bán không, bán không, họ khó chịu phát ra một cái giá, em hỏi lại: “Thế bao giờ thì bác dọn nhà?”. Nhìn mặt lão chủ nhà ngớ ra, em cười đến bây giờ chưa nín được”. Những người xung quanh nhao lên: “Đã mua được chưa?”, “Hí hí, thì đã hỏi bao giờ dọn nhà mà! Em gọi điện thoại chuyển tiền đặt cọc ngay rồi”. \

Đúng là ở Đà Nẵng đang râm ran chuyện người nơi khác đến mua nhà, biệt thự ven biển không thèm trả giá, dù biết chủ nhà có khi phát giá đắt hơn thị trường. Người mua thể hiện đẳng cấp thích là mua, giá cả là chuyện vặt nên thay vì cò kè họ thích làm cho người có nhà bán choáng bằng cái câu trả lời lạnh tanh “Thế bao giờ thì bác dọn nhà?”.

Đất nước mình mỗi lúc lại có một từ thịnh hành, ai cũng dùng, ai cũng biết. Bây giờ đi đâu tôi cũng thấy người ta nói với nhau, rằng làm gì thì cũng phải biết PR, cái ý nghĩa bao hàm “quan hệ công chúng” ấy được công chúng hiểu là tự quảng bá, về thương hiệu, về món hàng cần bán mua, và nay thì PR luôn cả bản thân cũng phải chú trọng. Xuất hiện một tầng lớp người muốn PR mình là loại có “đẳng cấp cao” nhưng văn hóa, sự trải nghiệm cuộc sống chưa theo kịp mong muốn đã tạo ra một thứ văn hóa thể hiện đẳng cấp kỳ quái, nhột nhạt đến thớ lợ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẳng cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO