Đã đến lúc đưa giá điện theo cơ chế thị trường

HOÀI PHƯƠNG| 12/12/2017 06:00

Ngành điện đã "kìm hãm" tăng giá trong vòng hơn 2 năm qua và đây là áp lực rất lớn lên hoạt động đầu tư.

Đã đến lúc đưa giá điện theo cơ chế thị trường

Ngành điện đã "kìm hãm" tăng giá trong vòng hơn 2 năm qua và đây là áp lực rất lớn lên hoạt động đầu tư. Do đó, việc cân nhắc điều chỉnh giá điện là điều không thể tránh, nhất là trong bối cảnh cần cung cấp đủ điện phục vụ cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.

Mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định tăng giá điện 6,08%. Đây là lần tăng giá đầu tiên trong 3 năm trở lại đây, kể từ tháng 3/2015. Tuy nhiều ý kiến lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến đời sống người dân, gây lạm phát nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng việc điều chỉnh giá theo thị trường cạnh tranh, dựa trên các yếu tố đầu vào tăng vừa để thu hút đầu tư vào ngành điện, vừa giúp chính doanh nghiệp cân đối, tiết kiệm, nâng cao năng suất.

Đã đến lúc phải tăng theo thị trường

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, việc tăng giá điện trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp bởi gần 3 năm qua, giá điện không tăng trong khi giá đầu vào như than, dầu, tỷ giá hối đoái được điều chỉnh... Việc tăng giá điện nhằm bù đắp với việc tăng giá đầu vào là hợp lý, mức này chỉ tương đương với lạm phát.

Link bài viết

Thực tế việc tăng giá điện mức 6,08%, cộng thêm với 10% của VAT có thể sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng, mức lạm phát từ nay đến tết Nguyên đán tăng lên. Tuy nhiên mức độ lạm phát hiện được đánh giá cả năm 4%, các chỉ số giá tiêu dùng hiện đươc ổn định tăng có.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, lần gần nhất tăng giá điện là từ tháng 3/2015, tức là cũng đã gần 3 năm, trong 3 năm đó, năm 2015 lạm phát 0,6%, năm 2016 là 4,74%, năm 2017 dự kiến là 4%. Tính toán nhanh cho thấy giá điện tăng thấp hơn tốc độ tăng giá trung bình của các mặt hàng khác trong nền kinh tế. Như vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng điện là đầu vào, trong 3 năm qua, giá bán hàng hóa của bạn tăng mức trung bình, tức là bằng lạm phát. Như vậy, rõ ràng là tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá bán đang giảm.

Theo ông Đức, việc chọn tháng 12 để tăng giá là vì mục tiêu lạm phát 4% có thể tác động nhất định đến những doanh nghiệp đang sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết của người dân.Tuy nhiên, phương án tăng giá điện có thể đã được tính toán từ đầu năm.

"Tôi cho rằng lý do lớn nhất là vì mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 là 4%, Chính phủ chọn thời điểm này để tăng giá điện khi mà mục tiêu lạm phát dưới 4% đã nằm trong lòng bàn tay", ông Đức nói.

Nâng giá điện để thu hút nhà đầu tư là điều hợp lý.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết, thực tế suất đầu tư điện than hiện nay về quan niệm thấp hơn so với công nghệ mới. Tuy nhiên quá trình hoạt động, phát thải ra môi trường cả loại hình này lớn khiến cho việc hiệu quả giảm, chi phí tổng hợp tăng. Tăng giá điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh đảm bảo đúng tiêu chí nâng cao giá để thu hút nhà đầu tư mới từ điện gió, điện mặt trời".

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, ngành điện đã "kìm hãm" tăng giá trong vòng 2 năm qua và đây là áp lực rất lớn lên hoạt động đầu tư. Do đó, việc cân nhắc điều chỉnh giá điện là điều không thể tránh, nhất là trong bối cảnh cần cung cấp đủ điện phục vụ cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng bán điện thấp hơn giá thành thì không có nhà đầu tư tư nhân nào đầu tư được.

"Điều cần hết sức chú ý là thực tế, giá bán điện cho thép và xi măng thấp hơn là giá bán điện cho người dân. Điều này đặt vấn đề là chính khu vực sử dụng nhiều điện lại có giá điện rẻ, nên chúng ta muốn khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm thì phải đưa giá về mức cạnh tranh, buộc họ phải tái cơ cấu, có động lực giảm giá. Không thể bao cấp về giá, điều đó đồng nghĩa không có động lực cải cách được", TS. Lê Đăng Doanh cho hay.

Ông Doanh nhấn mạnh, trong 3 năm qua cố gắng giữ giá điện để không tăng giá trong nền kinh tế, nếu giữ mãi như thế thì không ai có thể tiếp tục đầu tư vào điện, dẫn đến mất cân đối cung cầu. Nâng giá điện để thu hút nhà đầu tư là điều hợp lý.

Theo nguyên Viện trưởng Viện CIEM, tăng giá điện có thể khuyến khích năng lượng tái tạo thành công hay không chính là ở chỗ cơ chế bán điện có linh hoạt, thị trường hoá hay không? Nhiều năm qua, Việt Nam duy trì giá bán điện thấp chỉ có lợi cho điện than, trong khi chi phí điện của điện giá, mặt trời, sinh khối cao hơn nhưng bền vững hơn, an toàn hơn lại bị mua ở mức thấp, điều này khiến chúng ta không cân đối được.

"Việt Nam duy trì giá điện thấp trong nhiều năm, nếu lộ trình tăng giá điện không được thực hiện, sẽ khiến chúng ta không thu hút được đầu tư mới vào ngành điện, doanh nghiệp sử dụng điện rẻ buộc phải cải cách hệ thống dây truyền để tái cơ cấu chi phí, nâng cao hiệu quả... Đây là hai mặt của vấn đề đỏi hỏi chúng ta phải giải quyết, không trốn tránh", TS. Doanh nói.

Ở góc nhìn rộng hơn, theo Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính), đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy giá điện của Việt Nam chưa hấp dẫn. Do đó, nếu mở cửa cho tư nhân vào thì họ cũng không "mặn mà", đặc biệt là DN nước ngoài. Do vậy, việc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người tiêu dùng là không hề đơn giản. “Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp EVN giai đoạn 2017-2020 với hướng tự do hóa ngành điện. Như thế, khâu phát điện và phân phối điện sẽ có động lực để cải thiện về cách thức quản trị, tiết giảm nhân lực, đưa tư nhân tham gia hệ thống", ông Độ cho biết.

(Theo Bizlive)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã đến lúc đưa giá điện theo cơ chế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO