Cuộc thanh lọc bắt đầu

PHƯƠNG QUYÊN| 01/12/2011 03:06

Chỉ còn hơn một tháng nữa, quy định về chứng chỉ GMP đối với những dây chuyền sản xuất các loại thuốc tiêm, thuốc uống dạng dung dịch... sẽ được áp dụng. Đã nhiều lần gia hạn, liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) có thể suy nghĩ lại khi quy mô của hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc thú y đang hoạt động vẫn còn quá xa để đạt đến tiêu chuẩn GMP?

Cuộc thanh lọc bắt đầu

Chỉ còn hơn một tháng nữa, quy định về chứng chỉ GMP đối với những dây chuyền sản xuất các loại thuốc tiêm, thuốc uống dạng dung dịch... sẽ được áp dụng. Đã nhiều lần gia hạn, liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) có thể suy nghĩ lại khi quy mô của hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc thú y đang hoạt động vẫn còn quá xa để đạt đến tiêu chuẩn GMP?

Chăn nuôi gà giống tại Bình Dương - Ảnh: Quý Hòa

GMP là hệ thống các nguyên tắc, yêu cầu thực hành sản xuất tốt, nhằm đảm bảo các hãng thuốc, các nhà sản xuất chế biến thực phẩm luôn làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

Bộ NN & PTNT công bố lộ trình áp dụng GMP đối với các sản phẩm thuốc thú y bắt đầu từ năm 2004 và thời hạn chót là 2006. Do chưa có sự chuẩn bị, kế hoạch này được gia hạn thêm 2 năm, tức là cuối năm 2008. Sau đó, lại tiếp tục gia hạn đến cuối năm 2011.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ đã ra quy định mạnh tay hơn: đến hết ngày 31/12, những DN không đáp ứng tiêu chuẩn GMP đều bị rút giấy phép hoạt động và sản phẩm không được lưu hành trên thị trường.

Chính vì vậy, DN đang chạy nước rút theo tiến độ để có được GMP. Tuy nhiên, nhiều DN lo lắng là hầu hết DN sản xuất thuốc thú ý tại Việt Nam đều là DN vừa và nhỏ nên chi phí đầu tư để có được GMP là ngoài tầm với. Như vậy cũng đồng nghĩa là đến cuối tháng 12, sẽ có nhiều DN trong ngành bị loại khỏi thị trường.

“Ít nhất DN cần 30 tỷ đồng để trang bị 1 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP. Với những sản phẩm khác nhau, như thuốc viên, thuốc nước, thuốc dạng bột... lại cần một dây chuyền sản xuất khác hòan tòan để tránh nhiễm chéo.

Như vậy, con số đầu tư cho sản xuất theo chuẩn GMP là không hề nhỏ”, ông Huỳnh Công Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Mebiphar cho biết.

Tổng doanh thu thị trường thuốc thú y mỗi năm ước đạt 1.000 tỷ đồng, mỗi DN sản xuất thuốc thú y đạt mức doanh thu trung bình 100 tỷ đồng/năm, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia.

Theo khảo sát của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam (VVPA), hiện đã có 8 nhà máy đã có chuẩn GMP đang hoạt động.

Để đảm bảo sản xuất, khá nhiều DN đã gồng mình trang bị GMP, dự kiến tính đến hết ngày 31/12, sẽ có thêm khoảng 7 nhà máy đạt chuẩn, nâng tổng số lên khoảng 15 DN đạt chuẩn.

Như vậy, nếu quy định này triển khai, hơn 120 DN còn lại sẽ phải đóng cửa và các sản phẩm đã sản xuất của họ cũng chỉ được phép lưu hành đến ngày 31/12. Riêng với dạng thuốc bột cho uống hoặc trộn thức ăn thì được phép lưu hành đến ngày 31/12/2012.

Ông Hồ Tiên Sinh, Tổng giám đốc Công ty TCP, chuyên gia xây dựng và kiểm định chứng chỉ ISO, cho biết, hiện nay thuốc thú y kém chất lượng trôi nổi trên thị trường chiếm đến 65%. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng thịt, cá... không đảm bảo an toàn cho người dùng như hiện nay.

Nếu không thực hiện một quy trình chuẩn, DN sẽ khó lòng đảm bảo được chất lượng sản phẩm đầu ra. Như vậy, quy định của Bộ NN & PTNT là cách để thanh lọc thị trường. Bởi vì, chỉ khi đạt chuẩn GMP, thị trường mới có những sản phẩm thuốc thú y “sạch”.

Thống kê cho thấy, hiện tổng doanh thu thị trường thuốc thú y mỗi năm ước đạt 1.000 tỷ đồng, mỗi DN sản xuất thuốc thú y đạt mức doanh thu trung bình 100 tỷ đồng/năm, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, tuy chiếm thị phần nhỏ nhưng DN sản xuất thuốc thú y nội có khả năng cạnh tranh rất tốt do am hiểu thổ nhưỡng, các điều kiện tự nhiên. Khi dịch bệnh xảy ra, DN có khả năng ứng phó nhanh, kiểm soát dịch bệnh tốt nên đáp ứng được lòng tin của người dùng.

Đáng tiếc, do thiếu điều kiện sản xuất tốt và mức độ cạnh tranh lại quá cao, nên DN sản xuất thuốc thú y nội vẫn cứ luẩn quẩn quanh mô hình vừa và nhỏ của mình.

VVPA đã nhiều lần kêu cứu lên Chính phủ đề nghị lùi thời điểm áp dụng chứng chỉ chất lượng GMP đến 2012 nhằm cứu DN sản xuất của ngành.

Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN & PTNT, khẳng định việc thực hiện và chuyển đổi DN sản xuất thuốc thú y vẫn sẽ theo lộ trình và không thể trì hoãn thêm vì đã có đến 6 năm cho DN chuẩn bị.

Với quyết định này, thị trường thuốc thú y tại Việt Nam trong năm 2012 sẽ có một đợt đào thải khắt khe. Hy vọng, sau đợt đào thải này, DN sản xuất thuốc thú y nội sẽ có thể nâng chất, cạnh tranh nhiều hơn trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc thanh lọc bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO