Công nghiệp phụ trợ: Kinh nghiệm của người Thái

15/07/2014 07:05

Tự các công ty sẽ rất khó tạo ra một nền công nghiệp phụ trợ phát triển mà phải có sự hợp tác giữa các chính phủ.

Công nghiệp phụ trợ: Kinh nghiệm của người Thái

Tự các công ty sẽ rất khó tạo ra một nền công nghiệp phụ trợ phát triển mà phải có sự hợp tác giữa các chính phủ.

Thành công trong việc thu hút các dự án sản xuất ôtô và điện tử từ thương hiệu lớn trên thế giới đến Thái Lan trong nhiều năm qua chính là nhờ sự phát triển của công nghiệp phụ trợ. Làm thế nào người Thái có được nền công nghiệp phụ trợ phát triển và đâu là kinh nghiệm cho Việt Nam? Ông Viroj Sirithanasart, Chủ tịch Liên minh Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Thái Lan, đã có buổi trao đổi về vấn đề này.

Ông Viroj Sirithanasart, Chủ tịch Liên minh Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Thái Lan.

* Thái Lan đã khởi đầu nền công nghiệp phụ trợ như thế nào, thưa ông?

- Để phát triển một nền công nghiệp phải có một quá trình và cần có mô hình của một quốc gia nào đó để mình đi theo. Cách đây nhiều năm, Thái Lan đã đón nhận rất nhiều đầu tư từ Nhật.

Có thể nói chúng tôi đã bắt đầu bằng cách học người Nhật phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chính nhờ có một nền công nghiệp phụ trợ phát triển, chúng tôi đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài hơn.

Vì chúng tôi hiểu rằng khi một công ty nước ngoài đến xây dựng nhà máy ở đây, họ cần những nhà cung cấp linh kiện, nếu không có các nhà cung cấp, họ sẽ không đầu tư.

* Ông có thể nói rõ hơn cách người Thái đã học hỏi Nhật như thế nào?

- Đối với một nền công nghiệp, nguồn nhân lực là đặc biệt quan trọng. Không có nguồn nhân lực tốt, sẽ không có nền công nghiệp phát triển.

Chúng tôi đã bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực nhờ vào sự giúp đỡ của Nhật. Ngoài việc các công ty Nhật đến đây đầu tư và xây dựng lên những trung tâm đào tạo, họ còn đem theo máy móc và thiết bị.

Nhà nước Thái Lan hỗ trợ họ về đất đai, các công ty Nhật thì đầu tư xây dựng nhà máy và lắp đặt thiết bị. Tại trung tâm, người ta đào tạo từ việc nhỏ nhất như cắt miếng nhựa hoặc khoan kim loại.

Sau đó những người đứng đầu công ty Thái Lan sẽ đến học hỏi và truyền đạt lại cho nhân viên của mình. Chúng tôi học hỏi tất cả các thứ, từ việc sản xuất khuôn đúc thế nào, bảo dưỡng ra sao cho đến việc sử dụng sao cho có hiệu quả cao nhất.

Một trong những hình thức đào tạo nhân lực hiệu quả nhất mà chúng tôi đã làm đó là vừa học vừa làm. Những kỹ sư hàng đầu của Thái được cử đi làm việc ở Nhật trong một thời gian nhất định, có thể là 1 tháng, 2 hoặc 3 tháng.

* Việt Nam cũng đang thu hút rất nhiều đầu tư từ các công ty Nhật, nhưng công nghiệp phụ trợ vẫn là một điểm yếu. Theo ông làm thế nào để các công ty Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm từ các công ty Nhật?

- Tự các công ty sẽ rất khó có thể làm được mà cần phải có sự hợp tác giữa hai chính phủ. Để các công ty Thái Lan có thể cử người sang làm tại các công ty Nhật, chính phủ hai nước đã có những thỏa thuận với nhau trước đó.

Công ty của Nhật có những bí mật của họ, không dễ gì tự nhiên họ lại cho công nhân của Thái Lan tiếp cận. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân này sẽ cởi mở hơn.

Nhưng cũng có một số cái người ta không chấp nhận. Ví dụ, bây giờ có công ty của Thái làm sản phẩm cho Yamaha, thì không thể cử người đến làm việc tại công ty Suzuki được.

Việt Nam muốn học được từ người Nhật trước hết cũng phải có sự đồng thuận giữa hai chính phủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ Việt Nam hiện có nhiều lựa chọn hơn bằng cách có thể hợp tác với Thái Lan để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ở Thái Lan, chúng tôi đã thành lập Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế (TICA), hoạt động giống như JICA của Nhật, nhằm giúp các quốc gia khác trong ASEAN cùng phát triển kinh tế.

Tôi tin rằng nếu như Việt Nam có thể đi tắt đón đầu như Thái Lan bằng cách học lại của một quốc gia khác thì cũng sẽ thành công như Thái Lan.

Chính phủ Việt Nam nên hợp tác với quốc gia khác để doanh nghiệp có thể cử người ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm - Ảnh: Trường Nikon

* Ở Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chưa thành công. Còn ở Thái Lan, ngoài việc đào tạo nhân lực ra, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn được hỗ trợ gì không?

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay vốn với lãi suất thấp. Ví dụ với lãi suất 6% thì nhà nước hỗ trợ 3% và thời gian trả nợ cũng dài hơn.

Thứ hai, đối với chương trình đào tạo nhân lực, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phải trả 30% chi phí. Và thêm sự hỗ trợ nữa như tôi đã nói ở trên là Chính phủ Thái Lan hợp tác với quốc gia khác để doanh nghiệp có thể cử người ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm.

* Có sự hỗ trợ về thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa không, thưa ông?

- Không có sự hỗ trợ về thuế. Việc xin giảm thuế là rất khó. Chúng tôi hiểu rằng đối với mỗi quốc gia, thuế là nguồn thu cho đất nước.

Trong trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận thì cũng nên trả thuế đầy đủ cho nhà nước. Từ đó nhà nước quay trở lại hỗ trợ về lãi suất và đào tạo nhân lực thì sẽ hiệu quả hơn.

>Công nghiệp phụ trợ: Sai lầm trong quá khứ
>VME 2014: Cơ hội cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam
>
Công nghiệp phụ trợ: Thiếu, yếu toàn diện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp phụ trợ: Kinh nghiệm của người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO