Cổ phần hóa đã đến hồi quyết liệt

LÊ MINH TRÍ/DNSGCT| 07/12/2015 06:30

Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp, điều chỉnh một số chính sách với quyết tâm cao hơn khiến nhiều nhà bình luận lạc quan cho rằng “cổ phần hóa đã đến hồi quyết liệt”.

Cổ phần hóa đã đến hồi quyết liệt

Trước cánh cửa hội nhập toàn diện đang mở rộng mà cụ thể là Cộng đồng ASEAN bắt đầu khởi động trong tháng tới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương vừa kết thúc đàm phán và đang vào giai đoạn được các nước thành viên chuẩn y, thì việc tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho phù hợp với tình hình mới ngày càng trở nên bức bách hơn, trong đó cổ phần hóa (CPH) là một nội dung quan trọng.

Đọc E-paper

Ghi nhận quá trình thay máu của đại bộ phận DNNN diễn ra quá chậm so với kế hoạch đề ra, mới đây chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp, điều chỉnh một số chính sách với quyết tâm cao hơn mà không ít nhà bình luận lạc quan cho rằng “CPH đã đến hồi quyết liệt”.

Vào thời điểm 1/1/2011, theo thống kê, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tại một hội nghị với các nhà tài trợ thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết sẽ giảm 50% số DNNN này vào cuối năm 2015 và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện.

Từ đây đến cuối năm phải CPH khoảng 50 DNNN thì mới hoàn thành kế hoạch. Thế nhưng đây là điều không thể thực hiện được, có nghĩa là tiến trình CPH không đạt mục tiêu đặt ra. Theo kế hoạch của Chính phủ thì tới năm 2020 Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn trong 200 - 300 doanh nghiệp.

Vẫn còn những cản ngại

Theo Cổng thông tin Chính phủ, tính đến ngày 10/11/2015 thì năm nay cả nước đã sắp xếp được 175 doanh nghiệp, trong đó CPH 159 doanh nghiệp. Nếu tính từ năm 2011 đến thời điểm 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó CPH xong 408 trong tổng số 514 doanh nghiệp, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng đã hoàn thành gần 80% kế hoạch.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm, vậy thì đâu là nguyên nhân chính?

Trước hết, trở lực lớn đối với quá trình CPH hiện nay là khối lượng hàng hóa lớn, trong khi thiếu nhà đầu tư, tức là cung đang lớn hơn cầu. Mặt khác, thị trường chứng khoán thiếu khởi sắc nên chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược.

Nguyên nhân quan trọng nữa là lãnh đạo doanh nghiệp vẫn e ngại CPH. Khi tiến hành CPH thì phải đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính, công nợ, hoạt động sản xuất – kinh doanh.

>>Thoái vốn Nhà nước: Tiền từ đầu tư không phải để chi tiêu

Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, tình hình tài chính không minh bạch thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, nên họ tìm cách trì hoãn. Đó là chưa kể nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy bị mất quyền hành và quyền lợi như lâu nay vẫn được bảo bọc trong vòng tay Nhà nước.

Về vấn đề này, Chính phủ kiên quyết chỉ đạo các bộ, ngành phải xử lý rốt ráo. Thực tế cho thấy, bộ, ngành nào kiên quyết xử lý vấn đề con người, thì tốc độ CPH được đẩy mạnh, như Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chẳng hạn.

Một cản ngại khác là tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp thuộc diện CPH khiến các nhà đầu tư dè dặt. Điều này giải thích tại sao thời gian gần đây, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải công bố thông tin công khai, minh bạch, như công ty đại chúng, công ty niêm yết, thậm chí có nhiều tiêu chí còn công khai hơn, minh bạch hơn. Và toàn bộ thông tin này đều được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra, đánh giá lại xem có minh bạch không.

Hiện tại, doanh nghiệp chỉ công khai, minh bạch thông tin ở trong nước chứ chưa mở rộng với nhà đầu tư ở thị trường nước ngoài.

Nợ nần cũng là vấn đề

Một trong những nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến trình CPH DNNN chính là vướng mắc ở khâu định giá doanh nghiệp, mà việc xử lý các khoản nợ tồn đọng lại chiếm vị trí then chốt.

Tại hội thảo “Xử lý nợ đọng ở Việt Nam – Thực trạng, khó khăn và những kiến nghị chính sách” do Bộ Tài chính tổ chức gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng rất khó có thể đưa ra một bức tranh đầy đủ về tình hình nợ đọng trong khối DNNN.

Thực tế cho thấy đối với doanh nghiệp thuộc diện phải CPH, việc xác định giá trị doanh nghiệp là công đoạn chiếm tới hơn một phần ba thời gian. Việc xác định đúng giá trị sẽ không làm thiệt hại tới vốn của Nhà nước, đồng thời giúp nhà đầu tư có thể đánh giá đúng giá trị khoản đầu tư của mình. Theo các văn bản pháp lý liên quan, trước khi tiến hành các bước CPH, doanh nghiệp bắt buộc phải xử lý xong các khoản nợ.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản bởi do đặc thù của môi trường kinh doanh tập trung, hầu hết các khoản nợ đều là nợ lòng vòng và không có tài sản đảm bảo giữa các doanh nghiệp với nhau, hoặc giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Thậm chí, nhiều khoản nợ đã kéo dài qua mấy đời lãnh đạo, con nợ giải thể, hoặc ngừng hoạt động. Ngoài ra, còn có khoản nợ do vay theo chỉ định, kế hoạch của nhà nước cho các chương trình phát triển kinh tế…

Đây là nguyên nhân đã khiến nợ tồn đọng được tích tụ với quy mô lớn và cả con nợ lẫn chủ nợ cũng không có động lực để xử lý triệt để.

Lại quyết tâm

Cho dù gặp không ít vướng mắc như vừa nói trên thì Chính phủ cũng bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh sắp xếp lại DNNN, tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành CPH, đến cuối năm 2015 phải hoàn thành CPH khoảng 50 doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp đối với các đơn vị còn lại, phấn đấu đạt 90% kế hoạch CPH giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, các đơn vị thực hiện CPH còn chậm như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch CPH.

Các địa phương: Tuyên Quang, Thừa Thiên – Huế, TP.HCM khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Các địa phương đã có phương án được thẩm định khẩn trương hoàn thiện phương án và trình Chính phủ phê duyệt. Những đơn vị đã được phê duyệt phương án cần khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền trường hợp có khó khăn vướng mắc.

Chính phủ cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh được giao; tiếp tục tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu để chuyển các cơ quan xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

>>Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Quyền được biết

Cùng với quyết tâm thay lãnh đạo các DNNN không tuân thủ quá trình hoặc chậm trễ CPH, mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Một trong những nội dung chính của nghị định là quy định mới về xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp CPH tại các doanh nghiệp khác; cơ cấu vốn cổ phần lần đầu cũng như bổ sung chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp CPH.

Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, trong đó chỉ quy định chung về cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác, thay cho quy định cụ thể cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác không thấp hơn 25% vốn điều lệ (trừ trường hợp quy định), số cổ phần bán cho các nhà đầu tư khác không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên.

Bên cạnh đó, vẫn giữ nguyên quy định: riêng đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác và các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các nhà đầu tư do Thủ tướng hoặc cơ quan được Thủ tướng ủy quyền xem xét, quyết định cụ thể.

Về tổ chức đấu giá công khai, cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án CPH quyết định việc lựa chọn sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá.

Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp CPH. Theo đó doanh nghiệp được quyền bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

>>11 tháng, hơn 4.900 tỷ đồng thu từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phần hóa đã đến hồi quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO