Có nên kỳ vọng về FTAAP?

03/09/2014 09:25

Hiệp định thương mại tự do của APEC được đánh giá có vị thế lớn hơn cả TPP. Nhưng doanh nghiệp Việt có nên sớm vui?

Có nên kỳ vọng về FTAAP?

Hiệp định thương mại tự do của APEC được đánh giá có vị thế lớn hơn cả TPP. Nhưng doanh nghiệp Việt có nên sớm vui?

Trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 này, thế giới dường như đang chứng kiến một cuộc chạy đua trong việc gia tăng tính toàn cầu hóa, tính kết nối giữa các quốc gia và kèm theo đó là khả năng tạo dựng ảnh hưởng của các cường quốc kinh tế hàng đầu.

Ngoài những hiệp định thương mại tại khu vực có các nền kinh tế mở và phát triển như Mỹ và châu Âu thì châu Á cũng đang dần trở thành tâm điểm của thế giới, khi có nhiều hiệp định mới về thương mại và kinh tế đang được thảo luận sôi nổi giữa các quốc gia trong khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Không dừng lại ở đó, một siêu hiệp định mới có thể xem là đối trọng thực sự của TPP đang được manh nha hình thành. Đó là hiệp định thương mại tự do của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) mà Việt Nam là một thành viên cùng với 20 quốc gia khác.

Nếu được thành lập, FTAAP sẽ là một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với sự góp mặt của top 3 nền kinh tế dẫn đầu gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật cùng các nền kinh tế quan trọng khác như Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Canada và Nga.

Nếu được thành lập, FTAAP sẽ có quy mô lớn hơn cả TPP

Tổng cộng khối này nắm giữ 57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 46% giá trị thương mại toàn cầu. Nếu so với TPP (nắm giữ 40% GDP và 26% giá trị thương mại toàn cầu), FTAAP rõ ràng có vị thế lớn hơn.

Điều đáng chú ý là FTAAP được đề xuất thành lập bởi Trung Quốc, cho thấy tầm ảnh hưởng đang lên của nước này trước Mỹ - quốc gia dẫn dắt trong TPP. Năm nay, Trung Quốc là nước chủ nhà hội nghị APEC nên họ cũng muốn thể hiện vai trò tích cực của mình.

Tại cuộc họp giữa đại diện các quốc gia APEC hồi tháng 5, nước chủ nhà Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận tích cực về FTAAP để trình lên hội nghị các nhà lãnh đạo của khối này diễn ra vào tháng 11 tới tại Bắc Kinh. “Các quốc gia APEC đã thể hiện quan điểm tích cực về sáng kiến của Trung Quốc và chúng tôi đã đạt một vài sự đồng thuận”, Tan Jian, đại diện cấp cao của Trung Quốc tại APEC, nói.

Trong cuộc họp tương tự vào tháng 2 năm nay, Trung Quốc cũng đề xuất một đề án nghiên cứu về tính khả thi của hiệp định này. Theo đó, nghiên cứu này sẽ bắt đầu được triển khai trong năm 2015 và các quốc gia sẽ chính thức đàm phán vào năm 2020.

Cũng cần nói thêm, FTAAP không phải là mới. Nó từng được đề cập trong tuyên bố của nhà lãnh đạo APEC tại cuộc họp thượng đỉnh hồi năm 2006 nhưng nay, các động thái thúc đẩy FTAAP mới được thực hiện mạnh mẽ hơn.

Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ nhất APEC 2014 diễn ra vào tháng 2 tại Trung Quốc.

Thực ra, không phải tất cả các quốc gia đều hồ hởi với ý tưởng của Trung Quốc, ví dụ như Mỹ, vì hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán TPP mà Mỹ đang tích cực thúc đẩy. Đối với Việt Nam, các quốc gia APEC là những đối tác thương mại quan trọng nhất.

Nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên mừng quá sớm về viễn cảnh FTAAP được thành lập. Câu hỏi được đặt ra là, liệu khi đó việc các rào cản thuế quan được bãi bỏ hay giảm bớt có mang lại lợi thế cho Việt Nam, hay sẽ tiếp tục khiến tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc càng trầm trọng thêm?

Hiện tại, các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao nhất của Việt Nam hầu như vẫn nằm ở ngành thâm dụng lao động hoặc khai khác tài nguyên. Nhưng ngay cả ở các lĩnh vực này, vẫn khó có thể cạnh tranh với quy mô quá lớn và năng suất cao hơn của Trung Quốc.

Thậm chí với đối tác là Nga, Việt Nam cũng cho thấy sự yếu ớt khi mới đây Hiệp hội Thép Việt Nam đã cảnh báo nhiều doanh nghiệp thép trong nước sẽ phá sản hàng loạt nếu phải cạnh tranh với gã khổng lồ Nga một khi thuế suất thuế nhập khẩu sắt thép từ Nga giảm xuống còn 0%. Cả Nga và Trung Quốc đều có mặt trong APEC.

Một yếu tố khác sẽ quyết định liệu Việt Nam có tận dụng được các siêu hiệp định thương mại tự do như FTAAP hay không là khả năng hiểu biết và khai thác lợi ích từ hiệp định của các doanh nghiệp.

Trên thực tế, dù Chính phủ đã tích cực giới thiệu và truyền tải nội dung hiệp định thương mại đến cộng đồng doanh nghiệp, nhưng tác động chỉ dừng lại ở mức vừa phải. Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng HSBC cho thấy chỉ 37% doanh nghiệp Việt Nam có sử dụng điều khoản của các hiệp định để mang lại lợi thế thương mại cho mình.

Hãy quay trở lại với APEC. Giáo sư Toshihiro Atsumi, thuộc Đại học Meiji Gakuin (Nhật), cũng phần nào tỏ ra nghi ngờ về tác động của hiệp định thương mại tự do trong khối. Hiện tại, có tới 40% thành viên trong APEC đã thiết lập hiệp định thương mại với các thành viên khác. Và những hiệp định đang đàm phán như TPP và RCEP nếu ký kết sẽ khiến tỉ lệ này nâng lên thành 100%. Do đó, tác động của FTAAP sẽ bị hạn chế.

Thách thức khác cho các quốc gia APEC, theo Giáo sư Atsumi, còn nằm ở chỗ liệu họ có thể đi tới thống nhất khá nhiều nội dung tự do hóa khác nhau. Nếu thất bại trong việc thực hiện điều này, khu vực châu Á - Thái Bình dương sẽ có thể rơi vào cái bẫy mang tên “Tô mì Spaghetti”.

Chiếc bẫy Spaghetti này lần đầu được đề cập đến bởi nhà kinh tế Mỹ Jagdish Bhagwati vào năm 1995 khi ông cho rằng quá nhiều hiệp định sẽ không mang lại lợi ích cho thương mại, mà trái lại sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư vì có quá nhiều điều khoản khác nhau.

>Một APEC, ba áp lực
>Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương mới tại APEC
>
Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương mới tại APEC
>Đàm phán TPP: Bất đồng kéo dài bế tắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có nên kỳ vọng về FTAAP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO