Có một Hà Nội xưa cũ không thể phai nhòa

BÍCH HỒNG| 31/01/2017 06:31

Ngược dòng lịch sử và chợt hỏi, những không gian chứa đựng nét văn hiến ngàn năm ấy có còn mãi với thời gian...

Có một Hà Nội xưa cũ không thể phai nhòa

Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Phố Hiến một thời trên bến dưới thuyền nay lác đác còn vài bảng hiệu rêu phong. Phố cổ Bao Vinh Huế xanh rì vườn cũ. Hội An vừa giữ gìn nét cổ, vừa cố gắng tìm kiếm nét cổ để gầy dựng lại. Và Sài Gòn với con đường dọc bờ kênh Tàu Hũ, Cảng Nhà Rồng gợi nhớ dấu chân "Người đi tìm hình của nước". Ngược dòng lịch sử và chợt hỏi, những không gian chứa đựng nét văn hiến ngàn năm ấy có còn mãi với thời gian...

Đọc E-paper

Người Hà Nội bảo, cứ lấy Hồ Gươm làm tâm, trong vòng bán kính 2km, đó là Hà Nội, phố Hà Nội, người Hà Nội của vài trăm năm trước. Chỉ chừng đó thôi, xin đừng kéo dài ra thêm nữa để bảo Hà Nội khác xưa. Họ nói với một niềm tin tuyệt đối, ở đó mãi còn tinh hoa Hà Nội, dù vật đổi sao rời. Những con phố nặng gánh thời gian, mỗi tấc đất không chỉ đã từng in dấu dòng lịch sử trôi ngang, mà còn là tấc vàng hôm nay ở Hà Nội, Sài Gòn, Hội An.

Một người Hà Nội kể lại giai thoại rằng, có một cặp vợ chồng "đại gia" khao khát trở thành công dân "Hà Nội thật", tức là không chịu định cư ở làng biệt thự Hồ Tây, mà phải vào bằng được phố cổ Hàng Gai. Họ đã mua một ngôi nhà cổ, nhưng chủ nhà nói rõ, có hơn mười mét vuông trong ngôi nhà ấy thuộc về người khác. Và phần diện tích bằng một căn phòng của căn chung cư nhỏ ấy được nhượng lại với giá 5 tỷ đồng, để ngôi nhà thuộc trọn vẹn về đại gia. Câu chuyện tưởng phi lý ấy đã xảy ra ở phố cổ Hà Nội.

Chỉ cần nhìn vào vài giao dịch nhà đất gần đây ở những khu phố cổ, của bất cứ thành phố nào, cũng thấy rõ là "tấc đất tấc vàng". Ở tuyến phố Hàng Gai (Hà Nội) chẳng hạn, mỗi mét vuông được hét giá một tỷ đồng. Tại sao người Hà Nội sùng tín phố cổ như vậy, trong khi người ở ngoài chỉ nhìn thấy những căn gác cơi nới chồng chất trên những ngôi nhà sập xệ vì thời gian? Dòng lịch sử nào hun đúc niềm tin rằng phẩm giá Hà Nội được lưu giữ trong những cổ kính rêu phong, văn hóa Hà Nội còn đó trong những nếp nhà tối tăm bộn bề toan tính?

Lạ thật đấy, nhưng cứ đi thật xa Hà Nội, chục lần tự nhủ thôi không về Hà Nội nữa, rồi mùa Thu vẫn cồn cào nhớ lá vàng rực phố Mã Mây, mùa Đông vẫn xao xác nhớ đầu phố Hàng Thùng trong tranh Bùi Xuân Phái... Vậy là lại phải trở về chốn cũ, để nuôi dưỡng cái chất người phố cổ đã hằn vào trong cái tinh thần còn non nớt thuở ấu thơ.

Ba mươi sáu phố phường Hà Nội có một giá trị không thể đo đếm. Mỗi bước đi, mỗi ngôi nhà đều ghi một dấu ấn lịch sử. Từ ngôi nhà của trường dạy doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam do cụ cử Lương Văn Can mở ở số 4 Hàng Đào, đến ngôi nhà Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập.

Dường như những tinh túy nhất của ẩm thực phải nằm trong phố cũ. Người Hà Nội chỉ ăn bún chả quạt khói ở Hàng Mành và gần chợ Hàng Bè. Cũng là miến dong đấy, nhưng người phố cổ biết là chỉ có miến dong trong chợ Cửa Nam mới đáng mua để biếu và để ăn.

Ngày Tết, người ta điềm nhiên xếp hàng, bao lâu cũng được, chỉ để mua giò chả và bánh chưng của nhà Quốc Hương ở Hàng Bông... Cái niềm tin đó đã bắt rễ từ ngàn đời, và cũng như để xác định, có một Hà Nội xưa cũ không thể phai nhòa.

>>Hình ảnh ở TP.HCM và Hà Nội trên báo Mỹ

Người Hà Nội, dù có đi đâu và đi bao lâu vẫn không quên được những con đường phố cổ nhỏ và ngắn rợp cổ thụ xà cừ, những căn nhà sâu hun hút đặc trưng phố cổ. Nhưng cái không gian đặc quánh chất cổ điển chứa đựng văn hiến nghìn năm ấy đang quá mong manh, vì... khai thác du lịch.

Khai thác gì đây khi không gian phố cổ nhìn từ ngoài vào giống như một cái cối xay bột ngũ cốc, lộn xộn, tù túng, và hối hả. Đã có nhiều đề án trùng tu giữ nhà cổ, như đối với ngôi nhà 37 phố Mã Mây chẳng hạn. Đã có những điểm đến nhỏ cho du khách thưởng thức văn hóa nghệ thuật hoặc ẩm thực. Nhưng xin đừng nhìn phố cổ Hà Nội với con mắt đó, bởi nếu chỉ trân trọng kiến trúc thì sẽ không thể định danh đầy đủ giá trị của lịch sử, và sẽ lệch lạc khi di dời, trùng tu.

Nhớ một thời ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An quyết liệt vận động người dân không bán nhà cổ cho người nơi khác đến mua, không xẻ vườn ra bán, và cố gắng dành các dự án cho người Hội An đầu tư. Là vì ông muốn giữ giá trị cốt lõi của văn hóa phố cổ, từ con người, nếp sống, suy nghĩ đến thái độ ứng xử với di sản, chứ không chỉ là việc trùng tu nhà cổ rồi bán dịch vụ cho khách - thường được gọi là khai thác giá trị di sản phố cổ ở các đô thị. Hà Nội còn cần hơn thế!

Nghe nói ở một vài phố cổ Delhi tại Ấn Độ, người ta cho phép người dân thỉnh thoảng hắt chậu nước bẩn ra đường, đàn bà ngồi giặt trên phố có khi bắn cả xà phòng vào người du khách, để mọi người cùng cảm nhận nguyên vẹn cái lối sống tăm tối xưa, cái không gian chật hẹp cũ. Chúng ta không cực đoan. Cuộc trùng tu này chính là trùng tu tinh thần con người phố cổ, để mỗi khi Tết đến lại được tận hưởng sự tinh tế sâu thẳm trong tập tục giao đãi của nền tảng văn hóa pha trộn giữa người Kẻ Chợ với văn minh Pháp của người Hà Nội xưa.

Những ngày Tết, khi dân tứ xứ đã về hết, người Hà Nội như dễ thở hơn, họ cẩn trọng hơn trong những nghi lễ đón Xuân, cái tinh tế trở nên sâu sắc, cái thanh lịch bỗng chốc tỏa sáng, những hãnh tiến bon chen như chìm lấp đi. Người phố cổ chính là tinh thần nhân văn của con phố cũ. Sự pha trộn sẽ khiến kiến trúc và những thứ khác không mang đầy đủ ý nghĩa "tinh thần Hà Nội" nữa.

Vì lẽ đó, nếu chọn một vài khu phố xuất sắc nhất để bảo tồn kiến trúc và tháo dỡ các khu phố cổ "ổ chuột" khác e rằng sẽ làm giảm đi, mất đi giá trị cốt lõi của những con phố cổ Hà Nội - vốn đã là nỗi nhớ thương và niềm tự hào của bao thế hệ... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một Hà Nội xưa cũ không thể phai nhòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO