Có một Đông Nam Á không chờ các lão làng

THIÊN THANH| 27/09/2015 06:48

Trong một hội thảo quốc tế về lụa truyền thống ở nước ngoài, người trẻ vô cùng hiếm, vài anh chàng bảnh bao đi lại cũng chỉ giữ vai trò người dẫn chương trình hoặc phiên dịch cho các đoàn.

Có một Đông Nam Á không chờ các lão làng

Trong một hội thảo quốc tế về lụa truyền thống ở nước ngoài, người trẻ vô cùng hiếm, vài anh chàng bảnh bao đi lại cũng chỉ giữ vai trò người dẫn chương trình hoặc phiên dịch cho các đoàn.

Đọc E-paper

Bỗng xuất hiện một cô gái trẻ đại diện cho một làng nghề thủ công với bài tham luận gây ấn tượng về mô hình phát triển tốt bằng thứ tiếng Anh lưu loát, dễ nghe, có chuẩn bị hình ảnh đẹp để trình chiếu.

Sau bài phát biểu, giờ giải lao uống trà, nhiều nghệ nhân và các giám đốc phụ trách sản xuất, bán hàng đã đến giao lưu với cô gái tại gian hàng Việt, tìm hiểu thêm về mô hình làng nghề ở Việt Nam. Hầu hết những người làm lụa đều ngạc nhiên vì một người còn trẻ mà đã gắn bó mật thiết với nghề truyền thống như vậy.

Quan sát và lắng nghe câu chuyện của họ, tôi thấy thú vị ở chỗ một hội thảo tập hợp các nước ở Tiểu vùng sông Mê Kông, toàn dân Đông Nam Á, thêm vài đại biểu Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng họ bàn luận chuyện nghề với cô gái trẻ không chút kênh kiệu ra vẻ "lão làng" - một thái độ rất quen thuộc với chúng ta nếu hội thảo diễn ra trong nước.

Ở một nơi bàn chuyện làm nghề truyền thống nhưng không ai quan tâm đến "tôn ti trật tự" già trẻ, kinh nghiệm nhiều hay ít. Một số đại diện làng nghề lớn của Thái Lan, Myanmar còn đến tận gian hàng Việt để mua hoặc trao đổi sản phẩm mang về học hỏi kinh nghiệm sản xuất.

Tất cả động thái ấy đều do tác động từ bài tham luận tốt và các hoạt động giao lưu tích cực tại triển lãm và trong khuôn khổ hội thảo mang lại. Một mô hình mới và một đại diện mới bỗng gây được chú ý.

Trong vòng hai tuần lễ sau đó, đơn vị ấy nhận được một số lời mời tiếp tục tham dự các hội thảo và hội chợ quốc tế khác. Mời đích danh người Việt Nam trẻ tuổi kia tham gia. Chỉ qua một vài hoạt động quốc tế tiếp theo, hình ảnh của đơn vị đã được biết đến rộng rãi trong giới làm nghề, mở đường cho các hoạt động quảng bá và thương mại của đơn vị thuận lợi ngay trong nước và khu vực.

Lãnh đạo làng nghề ấy cảm thấy hài lòng và may mắn khi đưa nhân viên trẻ của mình đi trải nghiệm thử thách và đạt kết quả tốt. Qua câu chuyện này, anh tin các nước châu Á xung quanh ta đã có cái nhìn khác về người trẻ tuổi - một cái nhìn bình đẳng cần thiết để thổi làn gió mới vào những lĩnh vực truyền thống lâu nay vẫn đòi hỏi "sống lâu lên lão làng".

Thật thú vị khi ở một góc nhỏ vẫn nhận ra một Đông Nam Á không giữ ghế chờ các "bô lão", mà mở lòng đón nhận và cho tuổi trẻ cơ hội bình đẳng để làm việc và phát triển. Cũng từ đó họ đã thể hiện một triết lý phát triển phải dựa vào sức trẻ để tiếp cận thị trường trẻ - điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của những nghề thủ công.

Giá mà tư tưởng ấy lan vào Việt Nam. Cũng từng tận mắt thấy nhiều chuyến đi học hỏi, giao lưu thương mại với nước ngoài của người Việt mà tiếc những cơ hội người Việt chẳng nắm lấy.

Việc đưa ra nước ngoài một đoàn đại biểu được bảo bọc không chỉ điều kiện vật chất mà còn không cần có ngoại ngữ, không tìm hiểu trước về nơi sẽ đến, về các đại diện sẽ gặp đã tạo ra những chuyến đi mờ nhạt vì không dám giao lưu, thắt chặt các mối quan hệ với ban tổ chức, tổ chức nghiên cứu và đối tác. Và chúng ta sẽ không hình dung hết đã bỏ qua những cơ hội nào chỉ vì yếu ngoại ngữ, kém giao lưu!

>Văn hóa làng rau cảm hóa người Pháp

>Giá trị của... tiếng Anh

>Đàn Viên: Làng đèn trước gió

>Trung thu không mất đi đâu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một Đông Nam Á không chờ các lão làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO