Cô đơn kiêu hãnh

An Bình| 19/07/2019 02:44

Sông nước miền Tây có cái vẻ tấp nập đặc biệt. Từ ngã bảy Phụng Hiệp xuôi về Gành Hào, ghe xuồng chen nhau trên sông. Những chiếc xuồng chở đầy trái cây miệt vườn, treo trên sào lúc lỉu. Lặn ngụp trong những dòng sông kênh rạch chằng chịt của miền Tây, biết bao số phận con người. Những người đời đời gắn bó nơi xa thẳm này, nơi cầu tre lắt lẻo, nơi con thuyền cắm sào, hay mảnh vườn ven sông...

Cô đơn kiêu hãnh

Một bữa nhậu đúng kiểu dân miền Tây thế nào cũng phải có đàn kìm, ca sáu câu vọng cổ. Không ở đâu nghe vọng cổ ngọt ngào, miên man, buồn thương da diết như ở đây, với giọng ca của những anh hai tôm, hai lúa. Nhớ mãi quán Chiêu Bình, nơi có người thanh niên mù chơi đàn kìm. Giọng hát của anh buồn lạ lùng. Rượu miền Tây cay sực và có mùi lạ lạ khó quen nhưng lần nào tới Cà Mau, tôi cũng ghé Chiêu Bình nghe anh ca một câu, uống một chén rượu để nghe tan vỡ trong lòng mình một nỗi niềm u uẩn! 

U Minh Hạ, nơi rừng tràm mênh mông, chỉ có trạm kiểm lâm và những người dân sống rải rác trong rừng. Những kênh nước đen nặng mùi vì lá rừng phân hủy. Bọn trẻ miệng đen sì vì ăn chuối xanh luộc thay cơm. Hình ảnh những đứa trẻ lặn ngụp trên kênh rạch, những đứa nhỏ bé xíu đi học bằng xuồng ghe. Sự học đến là vất vả và cũng không trở thành cấp thiết ở cái nơi cuộc sống vẫn chậm rãi trôi dựa vào sự ưu ái của sông nước thiên nhiên.

Những người đàn ông trong trạm kiểm lâm đón tiếp khách quý bằng món rắn nước nướng đen thui xắt khúc. Món canh nấu bằng đọt cây rừng. Trạm kiểm lâm ngoài những người đàn ông khỏe mạnh, đen thui vì nắng gió, cũng có một người phụ nữ. Cô tất bật chuẩn bị bữa nhậu sơ sài. Cô ca tặng mấy câu vọng cổ buồn mang mang, về một người con gái nghèo lấy chồng xa, trông bông điên điển mà nhớ về nơi cha mẹ, sông nước cách trở làm sao về thăm.

Chừng 70 cây số từ Năm Căn về Đất Mũi, sông mở ra biển ngút ngát tầm mắt. Không ở đâu có sông lớn, hai bên bờ rừng dừa nước chỉ như những vệt xanh mờ. Thiên nhiên hoang sơ trong vẻ choáng ngợp vĩ đại, gió biển mặn mòi hào phóng. Đi ra Đất Mũi, thăm biển Tây, nơi mặt trời lặn trên biển với Nguyễn. Anh là Việt kiều Nhật. Anh tự đùa mình là dân hàng cá hàng tôm, trở đi trở lại Cà Mau như về nhà mình, bởi Cà Mau có lượng tôm xuất khẩu nhiều nhất nước. Anh vừa làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ của  tôi, vừa thao thao nói về các loại tôm cá, tập quán sinh sống của chúng. Và theo anh, cua rừng đước ngon nhất xứ. Không đâu có những con cua to, sinh sống tự nhiên trong rừng đước ngon như xứ này. Một xứ sở hiền hòa xanh mướt trù phú, những căn nhà bé nhỏ lợp lá dừa nước, vách cũng dừa nước, và nền đất sơ sài. Tất cả đều sống như thế, trong những căn nhà lá ngó ra sông.  Thiên nhiên ưu đãi là vậy, nhưng dân vẫn nghèo. Và thất học. Anh lý giải, có thể chính sự ưu đãi của thiên nhiên trong việc tìm kiếm thức ăn, khiến con người sống dễ dãi, không tích lũy... và thế là nghèo, là thất học? Một xứ sở hiền hòa xanh mướt trù phú như thế mà dân vẫn nghèo thì biết lý giải làm sao? Ít người tính đến một chỗ ở kiên cố hơn. Chỉ thảng hoặc có những ngôi nhà xây màu sắc sặc sỡ, Nguyễn bảo, đó là của chủ vựa tôm, vựa cá đó. Những người giàu có ở đất này.

Ở nơi tận cùng của dải đất hình chữ S, có một cột mốc ghi 8 độ 30 vĩ Bắc và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió biển. Những cây đước còn tiến ra biển xa hơn. Trong xấp xấp nước thủy triều rút xuống, rễ đước giăng mắc. Rừng đước xanh thắm khỏe khoắn. Đứng ở nơi tận cùng phần đất của Tổ quốc. Trong cái mênh mông chỉ có biển và trời, chợt thấy mình đơn độc. Một nỗi cô đơn kiêu hãnh ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cô đơn kiêu hãnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO