Chuyện nhặt dọc đường

NGUYỄN HIẾU (*)| 15/04/2011 00:31

Quay lại Sơn La sau nhiều năm mới thấy tất cả đã đổi thay. Thị xã Sơn La heo hút chàn chạt muỗm xanh vỏ ngọt lòng vùng Châu Yên và đào rừng mất hẳn.

Chuyện nhặt dọc đường

Quay lại Sơn La sau nhiều năm mới thấy tất cả đã đổi thay. Thị xã Sơn La heo hút chàn chạt muỗm xanh vỏ ngọt lòng vùng Châu Yên và đào rừng mất hẳn.

Xây cầu nơi đầu nguồn sông Đà

Cũng chẳng còn những con suối lấp lánh men theo sườn đồi, lấp loáng những cô gái Thái cong thân hình vợt nước tắm. Thế vào đó là một khu thành thị chẳng mấy khác thị trấn thị xã dưới xuôi đang rập rình xin cấp trên công nhận thành phố.

Cũng nhà cao tầng, khách sạn, nhà nghỉ. Cửa hàng nào cũng lòe loẹt, dàn dạt quần áo, đồ chơi, hoa quả, xe máy Trung Quốc. Thụy, gã lái xe của Tổng công ty Xây dựng giao thông số 1 (Cienco 1) vốn có thâm niên công nhân làm đường ở vùng này, tuy ít nói nhưng những điều anh cho biết toàn những chi tiết đắc địa.

Trông thì bình thường thế thôi nhưng Sơn La này xứng đáng được cánh buôn chất trắng coi là một trong những vùng trung tâm gốc của thứ thuốc chết người. Sơn La với những Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cốp,... trong đó chỉ có Mường La, Yên Châu khí hậu nặng về nóng, Sốp Cốp cũng vậy, nên cây trồng hợp nhất là mía. Riêng Thuận Châu lại rét lạnh phù hợp cho cây thuốc phiện.

Có lẽ bởi thổ ngơi như vậy nên thủa trước, Thuận Châu nổi tiếng là nơi trồng nhiều cây thuốc phiện, thứ cây có cái tên khá mỹ miều là anh túc. Vào xuân, anh túc nở ra thứ hoa mà không một họa sĩ tài ba nào có thể pha nổi gam màu hài hòa và quyến rũ đến vậy.

Bướm say hoa thuốc phiện và người thì say chất nhựa chiết ra từ trái cây anh túc. Đàn ông, con trai Mường La không chạm đến chất nhựa này mới là lạ.

Mấy gã lái xe tử tế miền xuôi dặn nhau, ngừng lại ven đường, ăn uống mê mải đến đâu cũng phải để mắt đến con xe của mình, chứ trên đường về xuôi mà đột nhiên công an bắt dừng và lôi ra mấy bánh trắng đâu đó trên xe thì chỉ có dựa cột.

Nếu xe không bị bắt dừng, chạy về đến Hà Nội, tự nhiên có một ả hay một gã trông lịch sự hay càn quấy tìm cớ đến gần xe mình, rình lúc lái xe không để ý là lôi ra từ gầm xe, hay chỗ nào đấy trên xe nhiều thì vài bánh, ít thì dăm chỉ thuốc trắng.

Đấy chỉ là một trong những mánh thông thường nhất mà bọn buôn tử thần trắng sử dụng, nhưng ít nhiều hữu hiệu. Chỉ khổ anh tài nào thiếu kinh nghiệm là vạ lây.

Trên đường xuống chợ

Gần chiều, khi mây vàng trôi loang loáng trên nền núi xám trọc thì qua cầu Ít Ong thuộc địa phận Mường La. Thêm gần chục cây số nữa đến công trường đang xây dựng nhà máy xi măng Mai Sơn.

Nhìn công trình nhà máy xi măng Mai Sơn đang dang dở, nhớ lại dàn dạt những xe tải hạng nặng chở xi măng làm rạn mặt con đường 6 mới hoàn thành chưa được dăm năm, thầm tiếc cho sự lỡ thời cơ của một công trình mà thoạt đầu là sự suy tính nhanh nhạy của Cienco

Cienco 1 là một nhà thầu lớn nổi tiếng với những công trình cầu và đường ở nước ta và cả trên đất bạn Lào và Campuchia. Quyết định xây dựng xi măng Mai Sơn với công suất 900 nghìn tấn/năm để cung cấp cho công trình nhà máy thủy điện Sơn La và các công trình xây dựng đang có đà phát triển nhanh ở ba tỉnh vùng Tây Bắc này là một quyết định nhanh nhạy và thông minh.

Xi măng Mai Sơn ra được thì bên cạnh sự gần, giá rẻ, còn làm cho quốc lộ 6 êm mịn vừa hoàn thành không bị phá vì những dòng xe tải nặng.

Đáng tiếc thay, công việc đang vào trớn thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến, khiến mục tiêu này không thành hiện thực. Cho đến bây giờ chỉ có nhà làm việc cho chuyên gia đã được sử dụng, còn 20ha dành cho nhà máy vẫn đang ngổn ngang, dang dở, 80ha dành cho mỏ đá thì khoanh một ít nuôi đà điểu cho đỡ phí.

Trần Xuân Sinh - Phó tổng giám đốc Cienco 1 kiêm Giám đốc nhà máy xi măng Mai Sơn, một kỹ sư dày dạn trong thi công và quản lý công trình, khi nói chuyện với tôi, chốc chốc lại thốt lên “Lỡ thời cơ. Phí quá, phí quá”.

Ngày thứ hai của chúng tôi giữa Tây Bắc lại được chiêm ngưỡng những thác nước, những chân ruộng bậc thang loáng thoáng pha chút màu vàng lúa chín, các cô gái Thái có chồng ngạo nghễ những lọn tóc uốn cao theo tục tằng cẩu.

Nhìn từ đường xuống thung lũng Mường Mơi, nơi có những nếp nhà giống nhau như những bao diêm ở khu tái định cư Tân Lập còn thưa thớt người, thêm một chút mây la đà khiến khu nhà nằm trên những triền núi bị bạt đỏ lừ, mang mang nỗi buồn. Bà con các dân tộc thiểu số ở Tạ Bú, Chiềng Bắc vừa bị dồn về đây.

Đã nghìn đời nay người Mông quen ở trên cao, tìm chỗ đất tốt để trồng ngô, còn người Thái thì cứ chọn chỗ nào có suối nước thì làm nhà, nhưng muốn gì thì gì, dân ở những nơi đó phải dồn về khu tái định cư cho hoàn chỉnh bản báo cáo hoàn thành dự án di dời dân cho nhà thủy điện Sơn La.

Chúng tôi nghỉ tại khách sạn hình như to nhất thị trấn Bản Xá, tỉnh Lào Cai. Cô nhân viên khách sạn ăn vận theo kiểu Thái hình như tên thật là Hoàng hay Mận thì phải, nhưng cánh nhà báo, nhà văn ra vẻ thạo đời cứ nhem nhẻm gọi cô theo cái tên tự nghĩ ra là Lò Thị Ủn. Đó là một cô gái thanh mảnh tươi mưởi và khá thông minh.

Khi hỏi chuyện chồng con, Ủn bảo “Cứ từ từ, xem thế nào đã. Chứ lấy vội vàng mới được vài tháng nó lại bị rắn cắn thì dang dở cả đời”.

Đội trưởng đội công trình 1, Công ty Cơ giới 1 của Cienco 1 là kỹ sư trẻ, dáng thư sinh, tên là Phạm Thế Công tủm tỉm ghé tai tôi giải thích: “Ở đây người ta nói chệch cái chết vì sốc thuốc phiện, hay vì HIV/AIDS là “bị rắn rừng cắn chết”.

Cũng vì nhìn thấy nhỡn tiền cảnh dân nghiện, lại hãi cái món “bị rắn cắn” nên công nhân tụi em cũng như bên Cầu 12 đang tuổi hơ hớ, hừng hực cả nhưng biết sợ nên giữ gìn lắm!".

Người bán quà sáng là một cụ bà cao lớn, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn đọng trên môi và dường như sẵn sàng tiếp chuyện với khách. Cụ ông đảm đương quầy chè chén gầy, cao dỏng dỏng, khuôn mặt còn lờ mờ những nét tinh anh một thời.

Khi trò chuyện mới biết cụ ông đã vào tuổi 85, còn cụ bà kém cụ ông ba tuổi. Trong khi chờ cụ bà làm phở gà, tôi cảm nhận khá rõ mặt đất dưới chân mình bị chấn động bởi những chiếc xe hạng nặng phủ kín bạt cắn đuôi nhau liên tiếp lao ra phía cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Tôi hỏi ông cụ: “Cụ thứ lỗi cho con hỏi, xe gì mà nhiều thế ạ?”.

Những người thợ Tây Bắc

Trả lời câu hỏi của tôi mà hình như cụ lẩm bẩm một mình: “Bán, bán hết. Quặng đấy. Có thứ gì bán được là bán hết”. “Úi giời. Đâu phải chuyện của bố mà lúc nào bố cũng băn khoăn” - một người đàn bà có lẽ là con của hai cụ, trên cổ toòng teng chiếc máy ảnh kỹ thuật số loại to, một tay xách chiếc túi đen có lẽ đựng ngoại tệ, vừa đi vào nhà vừa nói.

“Ừ không phải việc của tao. Bởi vì tao sống được mấy. Nhưng còn đời con đời cháu mày đấy thì cứ gọi là nhẵn bóng chả có gì mà sống đâu con ạ”. Mặt cụ bà rạng lên nụ cười, dịu dàng: “Các chú cứ ăn đi. Nghe chuyện ông lão nhà tôi làm gì cho mất ngon”.

Cụ ông không để ý gì lời của cụ bà, vẫn lẩm bẩm bộc bạch: “Trước tôi làm kiểm lâm, sau tôi chuyển sang làm hải quan. Mãi đến năm 75 tuổi mới được nghỉ”. “Sao cụ hưu muộn thế ạ?”. “Vì tôi biết tiếng Tàu.

Sống với họ, trò chuyện với họ, nên tôi hiểu cái anh Tàu khôn lắm. Núi liền núi, sông liền sông, nên cái gì họ cũng muốn mua của mình. Đấy các chú thử đếm xem, mới chưa đầy nửa tiếng mà chí ít cũng ba bốn chục xe, toàn xe hai ba mươi tấn kìn kìn chở quặng xuất cho họ.

Cái mồm người ta bé xíu mà ăn núi phải lở, huống hồ xe to như thế thì quặng gì mà chả hết. Bên họ nhiều mánh lắm. Đang mua, họ dừng lại thế là ta nháo nhác lên. Thiếu tiền mà lại.

Thế là lại giảm giá. Mà khổ, tiền bán quặng để làm đường, làm cầu thì dân còn được nhờ, đằng này, toàn chui vào túi ai ai ấy. Thế cho nên của nả cứ hết dần hết mòn mà Lào Cai này có thấy gì thay đổi đâu. Mà này, họ mua quặng của mình, có dùng ngay đâu, toàn đào hố chôn xuống cho con cháu họ mai kia”.

Tôi ngồi chết lặng. Miếng bánh phở bã trong mồm. Đằng sau tôi, trên đường Trần Phú, những đoàn xe phủ bạt vẫn nặng nệ, chầm chầm trôi ra cửa khẩu biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện nhặt dọc đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO