Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Phải chấp nhận trả giá

HẢI VÂN thực hiện| 27/10/2016 06:30

Để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, "phải dứt khoát từ bỏ cách làm ăn cũ, thậm chí phải chấp nhận trả giá trong nhiều lĩnh vực cụ thể để hướng tới nền kinh tế mang tính cạnh tranh cao".

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Phải chấp nhận trả giá

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, GS-TS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, nói: "Phải dứt khoát từ bỏ cách làm ăn cũ, thậm chí phải chấp nhận trả giá trong nhiều lĩnh vực cụ thể để hướng tới nền kinh tế mang tính cạnh tranh cao".  

Đọc E-paper

* Quốc hội Khóa XIV đang tiến hành kỳ họp thứ 2, chuyển đổi mô hình kinh tế một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội nhắc đến trong phiên khai mạc. Theo ông thì mô hình kinh tế của nước ta đã được chuyển đổi như thế nào?

- Đại hội XI (2011) của Đảng đề ra chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết quả đạt được trong 5 năm 2011 - 2015 còn khá khiêm tốn, vì trên thực tế, tư duy phát triển, thể chế kinh tế, các chủ trương, chính sách và sự phối hợp giữa các ngành và địa phương vẫn còn nhiều yếu kém.

Thậm chí có tình trạng nói đổi mới nhưng vẫn là chọn ra cái gì có lợi nhất cho ngành, địa phương và doanh nghiệp, thực chất là để giữ lại các lợi ích đã có và giành thêm lợi ích mới.

Thậm chí, ngay trong các chủ trương lớn vẫn nặng về phát triển cả chiều rộng và chiều sâu mà không hướng mạnh đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm.

Các chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng được thực hiện rất kém. Vẫn còn tình trạng ham thành tích về số lượng, như giữ lại 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa mà không hướng đến hiệu quả chuyển đổi để có năng suất cao hơn. Trong điều kiện đổi mới, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, Việt Nam vẫn ham tốc độ tăng trưởng cao khi chuyển đổi mô hình, điều này không thể đạt được, chỉ nên đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý trong điều kiện mới.

Quan điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước còn mờ nhạt, còn có thái độ dè chừng khu vực kinh tế tư nhân, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vì thế kết quả còn nhiều hạn chế.

* Mô hình tăng trưởng có thực sự chuyển đổi được không khi chất lượng tăng trưởng vẫn bị đánh giá là không thực chất, thiếu bền vững, thưa ông?

- Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016) và Hội nghị Trung ương 4 vừa bế mạc đã nhận rõ các yếu kém đó và đề ra chủ trương chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng. Kỳ họp Quốc hội lần này cũng là dịp tập hợp thêm ý kiến và sáng kiến của nhân dân cả nước để tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ nền kinh tế, ngay khi kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều khó khăn.

Tăng trưởng là phải hướng tới nền kinh tế có sức cạnh tranh, nền kinh tế ngày càng thịnh vượng dựa trên phát triển bền vững và đổi mới khoa học - công nghệ theo hướng sáng tạo. Nói rộng ra là phải hướng tới một xã hội công bằng và dân chủ, coi trọng vai trò làm chủ trực tiếp của người dân, của các tổ chức chính trị, xã hội trong điều kiện mới.

Như vậy, đổi mới sẽ đi vào thực chất vì lợi ích lâu dài của đất nước. Nếu trong 5 - 10 năm trước mắt không có chuyển biến thực chất mà chỉ sửa đổi, tu chỉnh thì không thành công. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là phải dứt khoát từ bỏ cách làm ăn cũ, thậm chí phải chấp nhận trả giá trong nhiều lĩnh vực cụ thể để hướng tới nền kinh tế mang tính cạnh tranh thực sự.

* Quyết tâm thôi là chưa đủ. Để chuyển đổi được mô hình tăng trưởng, theo ông, cần có thêm những yếu tố nào?

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một chính quyền liêm chính và hành động thiết thực vì hạnh phúc của nhân dân sẽ nhận được sự hoan nghênh của người dân và doanh nghiệp. Để mô hình tăng trưởng được chuyển đổi một cách thực chất, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở phải tiên phong, gương mẫu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí có sai sót phải nhận lỗi.

Tình hình thế giới và kinh tế trong nước có thể còn có diễn biến phức tạp. Ý kiến của người dân và doanh nghiệp thì đa dạng. Trách nhiệm của người đứng đầu và cả bộ máy công quyền cần phải luôn luôn lắng nghe, kể cả các ý kiến trái chiều để từ đó tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhất. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Chính phủ cần có những "kịch bản phòng ngừa" để thích ứng với những tình huống phức tạp mới có thể xảy ra.

Từ đó tạo ra sự đa dạng, khác biệt trong quá trình đổi mới và hội nhập, làm cho nước Việt Nam ngày càng có vị thế cao trong chuỗi kinh tế theo hướng phát triển bền vững của Mục tiêu 2030 toàn cầu đã được các nguyên thủ quốc gia thông qua tại Liên Hiệp Quốc, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

* Cám ơn ông!

>Trung Quốc hợp pháp hóa mô hình kinh tế chia sẻ phương tiện

>Mô hình kinh tế chia sẻ nở rộ tại Hàn Quốc

>Thêm một thất bại của mô hình kinh tế châu Âu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Phải chấp nhận trả giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO