Chính sách thuế - "công cụ cạnh tranh" cấp Chính phủ

ThS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM| 08/02/2017 06:25

Các chính sách về thuế có thể trở thành công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm ăn cũng như thu hút vốn đầu tư quốc tế. Nói cách khác, thuế có thể trở thành một "công cụ cạnh tranh" cấp Chính phủ.

Chính sách thuế -

Các chính sách về thuế có thể trở thành công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm ăn cũng như thu hút vốn đầu tư quốc tế. Nói cách khác, thuế có thể trở thành một "công cụ cạnh tranh" cấp Chính phủ.  

Đọc E-paper

Thuế là khoản trích nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân nộp cho Nhà nước. Đối với doanh nghiệp, thuế như là một khoản chi phí, có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả kinh doanh. Đối với Nhà nước, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu, đầu tư, trả nợ và tích lũy của Chính phủ. Theo tôi, để xác định tính cạnh tranh của chính sách thuế, cần xem xét hai vấn đề chủ yếu.

Thứ nhất, về thuế suất. Có hai sắc thuế liên quan trực tiếp đến hầu hết doanh nghiệp là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nếu xét trên bình diện chung thì thuế suất của Việt Nam không cao, chỉ ở mức trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các chính sách về thuế nhằm giải quyết khó khăn vừa qua chưa thật sự tác động đến cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với thuế TNDN, việc giảm từ mức 25% xuống 20% gần như không có ý nghĩa vì hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn không có lãi hoặc lãi rất ít. Còn đối với thuế GTGT, mặc dù đây là thuế gián thu, nhưng lại có tác dụng quyết định hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

Nếu thuế suất thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ giảm từ 10% hiện nay xuống mức 7% như GST (thuế hàng hóa và dịch vụ) của Singapore thì chắc chắn doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, do đó tác dụng kích thích sản xuất, kinh doanh cũng sẽ thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp giảm từ mức tối đa 5% hiện nay xuống tối đa cỡ 3% sẽ khuyến khích, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp được chuyển lên từ hộ kinh doanh trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng than phiền chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài khiến họ phải cạnh tranh không công bằng. Ảnh: Phạm Nhựt Thưởng

Thứ hai, về việc áp dụng chính sách thuế. Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI (miễn, giảm thuế TNDN) tạo sự không bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước. Chưa kể, việc áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt đối với các dự án lớn (như Samsung, Formusa...) làm cho chính sách thuế trở nên méo mó và gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ trong cạnh tranh.

Theo quy định hiện hành, thời hạn truy thu thuế là mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trong môi trường quản lý thuế còn nhiều bất cập hiện nay, cộng thêm sự khác biệt trong việc hiểu biết các quy định thuế, thì việc vô tình vi phạm quy định thuế (hoặc bị coi là vi phạm sau nhiều năm hoạt động) rất dễ xảy ra. Điều này làm gia tăng rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp trong thời gian không xác định.

>>Sửa ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Cơ hội cho ai?

Tháo gỡ những bất hợp lý

Tôi cho rằng có bốn giải pháp căn bản cần thực hiện. Thứ nhất, về chính sách thuế suất: Cần khuyến khích doanh nghiệp vừa áp dụng phương pháp thuế GTGT trực tiếp bằng việc giảm tỷ lệ thuế về mức tối đa 3% (thay vì 5% như hiện nay). Điều này vừa có tác dụng kích thích sản xuất, kinh doanh, vừa giảm chi phí thủ tục.

Đối với thuế TNDN, bên cạnh thực hiện lộ trình giảm thuế suất thuế TNDN về 17%, cần xây dựng chính sách thuế khuyến khích đặc biệt cho các dự án khởi nghiệp, ví dụ như áp dụng thuế suất 10%, miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu tiên kể từ năm kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Điều này cũng thể hiện chính sách thuế công bằng so với các dự án đầu tư nước ngoài đang áp dụng hiện nay.

Thứ hai, về áp dụng chế tài: Chúng ta đều hiểu rằng xử lý vi phạm hành chính là nhằm tăng cường kỷ luật thuế, giúp cho việc thực thi pháp luật công bằng hơn. Tuy nhiên, xét về tính hiệu quả thì chính sách quản lý thuế nên xem xét đến tính trọng yếu khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Chỉ nên xử phạt những hành vi cố ý, có tính hệ thống, gây thiệt hại đáng kể; đồng thời áp dụng các hình thức nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo... trước khi phạt tiền. Điều này sẽ tạo môi trường hành chính thân thiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Mặt khác, cần áp dụng quy tắc bất hồi tố trong quan hệ hành chính nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh lâu dài mà không vướng bận trách nhiệm pháp lý về sau.

>>Luật Thuế TNCN: Chưa nắm được… "kẻ trọc đầu"!

Thứ ba, về xây dựng văn bản pháp quy: Thực trạng thời gian qua là chính sách thuế thay đổi quá nhiều, làm cho người nộp thuế (và ngay cả cán bộ thuế) rất khó nắm bắt, áp dụng đúng. Do đó, các quy định về thuế và hệ thống thuế cần phải đơn giản và rõ ràng. Ngoài ra, số lượng văn bản quy định về thuế được giữ ở mức tối thiểu là rất cần thiết.

Điều đó giúp các công ty dễ dàng tiếp cận các chính sách thuế và thuận lợi trong tuân thủ các quy định về thuế. Cần hạn chế thay đổi các quy định về thuế, đặc biệt là các quy định đảo ngược lại các ưu đãi về thuế so với trước, để giúp doanh nghiệp giảm thiểu vi phạm khi không cập nhật đầy đủ thông tin.

Thứ tư, về xây dựng hệ thống: Qua khảo sát việc áp dụng chính sách thuế, chúng tôi nhận thấy các địa phương thường vận dụng ưu đãi thuế tối đa cho dự án lớn nhằm lôi kéo đầu tư, điều này tạo sự không công bằng. Do đó, hệ thống thuế cần minh bạch bằng việc hạn chế các ưu đãi chắp vá đối với một vài đối tượng nộp thuế.

Đồng thời, hệ thống thuế phải đáp ứng được việc bảo đảm nguồn thu, ngăn chặn trốn thuế, ngăn chặn "kinh tế đen" phát triển, phù hợp với khả năng của người nộp thuế. Mặt khác, chính sách thuế phải được xem xét lại hằng năm một cách công khai và người dân phải được tham gia góp ý.

Ưu đãi đầu tư và vấn đề chuyển giá

Đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành của kinh tế Việt Nam và đã có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, mời gọi đầu tư, nhưng lại đang gặp hiện tượng "chuyển giá” khiến cho ngân sách thất thu. Doanh nghiệp nội thì cho rằng phải cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi.

Chuyển giá là hành vi của các tập đoàn đa quốc gia khai thác các lỗ hổng trong các quy định về thuế, nhằm "hô biến" lợi nhuận chịu thuế ở nước này để chuyển lợi nhuận sang nước khác. Để đối phó với tình trạng này, từ năm 2013, nhóm hai mươi nền kinh tế lớn (G20) đã đưa ra một chương trình hành động chống "xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận" (BEPS) (*) toàn diện. Chương trình đã được lãnh đạo 20 quốc gia thuộc G20 ký kết tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/11/2015.

Quốc gia nào càng đánh thuế thấp, càng thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Ảnh: Nguyễn An Hiếu
Có hai vấn đề cần lưu ý trong kế hoạch hành động BEPS, đó là quản lý hoa hồng môi giới (commison) và quản lý giá chuyển nhượng (transferred price). Trong đó, các kế hoạch hành động liên quan đến khía cạnh giá chuyển nhượng giữa các bên có liên quan sẽ có tác động đáng kể đến các công ty ở nước ngoài có giao dịch nội bộ trong tập đoàn.

Có rất nhiều điểm nhấn mạnh vào các hoạt động "tạo ra giá trị” và việc xác định doanh thu tương xứng cho các hoạt động đó. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ quan tâm nhiều đến sự hợp lý của biên độ lợi nhuận của các công ty khi xác định theo nguyên tắc giá thị trường, đồng thời sẽ kiểm tra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại nước sở tại và đánh giá vai trò tương ứng của các hoạt động này trong chuỗi giá trị của tập đoàn.

Hằng năm, Hiệp hội Thuế Châu Á - Thái Bình Dương (AOTCA) đều tổ chức các hội thảo nhằm thông tin về tình hình chính sách thuế của các nước trong khu vực. Đại hội AOTCA 16 vừa diễn ra tại Hồng Kông từ ngày 6 - 8/10/2016, có chủ đề chính là tình hình thực hiện BEPS ở các nước hội viên.

Theo đó, chương trình hành động BEPS đang được áp dụng từng phần tại khá nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore... Điều đó nói lên rằng, việc chống xói mòn cơ sở tính thuế và ngăn chặn chuyển giá là vấn đề quan trọng trong chính sách thuế của chính phủ các nước trong hiện tại và tương lai.

>>20% doanh nghiệp FDI thừa nhận chuyển giá

Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định điều chỉnh hành vi trốn thuế thông qua hành vi chuyển giá, bao gồm: Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi năm 2012), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi năm 2013), Nghị định 83/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Luật Quản lý thuế sửa đổi, Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.Dưới góc độ kinh doanh, thuế là một khoản chi phí như bất kỳ khoản chi phí nào khác nằm trong kết cấu giá bán hàng hóa, và các công ty luôn tìm cách giảm thiểu nó để gia tăng lợi nhuận. Mặc dù phần lớn doanh nghiệp luôn cố gắng tuân thủ pháp luật, vẫn có nhiều trường hợp cố tình lập những kế hoạch thuế rắc rối nhằm khai thác các kẽ hở của pháp luật để trốn tránh trách nhiệm. Những hành vi như vậy cần phải được loại trừ.

Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về chống chuyển giá, trong đó có các quy định về các phương pháp xác định giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Nghị định yêu cầu tất cả các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (nộp thuế) có quan hệ liên kết phải thực hiện kê khai, xác định giá các giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập, phân tích so sánh lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tương đồng để xác định biên độ giao dịch độc lập chuẩn, điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo giá trị phù hợp nhất của biên độ giao dịch độc lập chuẩn nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam.

Như vậy, có thể nói cơ quan thuế nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động chống chuyển giá. Nhà nước ta không dung dưỡng các hành vi trốn thuế để đổi đầu tư. Theo đó, các văn bản pháp luật về thuế của chúng ta đã được xây dựng và đang được điều chỉnh theo hướng bịt các lỗ hổng về thuế trong các giao dịch liên kết, bao gồm cả giao dịch với nước ngoài và giao dịch nội bộ tại các tập đoàn trong nước.

>>Donald Trump  - "thiên tài" tránh thuế

(*) Chương trình hành động BEPS đưa ra 15 kế hoạch hành động, bao gồm việc phòng chống tránh thuế thông qua các công cụ tài chính; tăng cường các quy định đối với công ty có kiểm soát sở hữu ở nước ngoài; hạn chế khấu trừ quá mức lãi vay và các khoản thanh toán tài chính khác; hạn chế các thực tiễn thuế có thể bị lạm dụng; ngăn ngừa lợi dụng hiệp định thuế; chống sắp xếp có chủ ý tránh hình thành cơ sở thuế; các biện pháp về quản lý giá chuyển nhượng; các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu; minh bạch thông tin kế hoạch tránh thuế; yêu cầu về hồ sơ giá chuyển nhượng; tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp; cập nhật các hiệp định thuế song phương và đa phương.

Các kế hoạch hành động này được thiết kế để đạt được những mục tiêu: Thiết lập sự đồng bộ và gắn kết về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các hệ thống thuế của các quốc gia, các quy định còn bất đồng về xử lý thuế giữa các quốc gia đối với những đơn vị hoặc công cụ có tính chất "lai" (vừa có tính chất "vốn", vừa có tính chất "nợ"), các quy định về CFC (kiểm soát lợi nhuận chuyển về nước khi các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, giới hạn các khoản tiền lãi vay vượt mức, và các thực tiễn thương mại có rủi ro cao về thuế); thay đổi các chính sách thuế thành các quy định bắt buộc về thuế và đảm bảo tính minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách thuế - "công cụ cạnh tranh" cấp Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO