Chính sách còn phản ứng chậm với thị trường

QUỲNH CHI thực hiện| 10/11/2010 09:15

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất cơ bản lên 9%/năm, nhiều người cho rằng, trong vài ngày tới, lãi suất hai chiều sẽ tăng mạnh, huy động có thể lên tới 14%/năm và cho vay khoảng 16 - 17%/năm.

Chính sách còn phản ứng chậm với thị trường

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất cơ bản lên 9%/năm, nhiều người cho rằng, trong vài ngày tới, lãi suất hai chiều sẽ tăng mạnh, huy động có thể lên tới 14%/năm và cho vay khoảng 16 - 17%/năm.

Với mức này, các NH sẽ rất khó bơm vốn ra và không hiểu doanh nghiệp (DN) nào sẽ chịu được giá vốn này, khi mà thời điểm cuối năm dồn dập nhu cầu vốn lưu động để thanh toán, chi trả chi phí. TS. Lê Thẩm Dương, cho rằng đây là một bài toán khó giải nếu không có giải pháp đồng bộ.

* Theo ông, các biện pháp “hành chính” có đang can thiệp quá mạnh vào thị trường tiền tệ hay không?

Đến nay, nợ công và bội chi ngân sách là không đáng ngại, lo ngại nhất là lạm phát. Theo tôi, phương án hy sinh là chấp nhận GDP xuống thấp một chút. DN có thể khó nhưng nếu để lạm phát năm nay là mười, năm sau vượt lên mười mấy thì kinh tế sẽ “lật nhào”.

Muốn cho lạm phát đứng yên thì đầu tiên phải dùng công cụ lãi suất. Tình hình mới xoay chuyển thì “khẩu hiệu 10 và 12” phải thay đổi, phải đẩy cao hơn nữa để kéo tiền về. Rõ ràng việc can thiệp hành chính vào thị trường luôn cần thiết.

* Theo quan điểm của ông, NHNN đã đúng khi áp dụng công cụ lãi suất để bình ổn thị trường?

- Theo tôi, đợt tới, bằng mọi giá Chính phủ phải giảm bội chi ngân sách. Lý do là lỗi không nằm ở các NH nhiều mà lỗi là ở Chính phủ. Được biết, theo tính toán bội chi hiện nay là 9% chứ không phải dưới 6%; nợ công 70% chứ không phải 56,7%.

Như vậy, vấn đề ở đây là người quản lý phải kèm biện pháp lãi suất với biện pháp giảm chi tiêu, chứ một mặt lãi suất cứ tăng, mặt khác vẫn bội chi ngân sách thì hai chính sách “chỏi” nhau.

* Nói như ông thì việc tăng lãi suất cũng chẳng giải quyết được gì?

- Lạm phát bao giờ cũng là sự đồng lõa của nhiều nguyên nhân, trong đó lạm phát xuất phát từ hai nguyên nhân cầu và cung (tức là hàng và tiền). Vậy, tại sao chỉ đổ lỗi cho tiền? Năng suất lao động quyết định trật tự xã hội, hiệu quả sản xuất là cái quyết định.

Trong khi đó, hàng tồn kho tăng cao, Tập đoàn kinh tế Vinashin thua lỗ... Không lạm phát mới là lạ. Từ đó, người ta phải chấn chỉnh Vinashin, điện lực, dầu khí... sao cho hiệu quả thì khi đó lạm phát sẽ hết.

Vấn đề của mình ở đây là chi tiêu công lớn cộng với hiệu quả sản xuất như thế này thì biện pháp về tiền kiểu gì cũng không gỡ được. Lấy hai điều trên cộng với tiền thì mới có thể giải quyết lạm phát. Sau đó, tiếp tục đồng bộ với tỷ giá để liên quan đến quá trình sáp nhập thì mọi biện pháp mới giải quyết được.

* Nếu nói sự can thiệp hành chính trong thời gian qua dường như đã bộc lộ sự thiếu nhất quán và rõ ràng, điều này có đúng không thưa ông?

Các biện pháp tung ra suốt 8 tháng đầu năm hiệu quả nhưng có đặc điểm là chính sách chồng chính sách, tức là tần số nhiều quá. Hệ lụy làm cho DN cùng một lúc đương đầu quá nhiều rủi ro chính sách. Chẳng hạn, Thông tư 22, Thông tư 19, rồi Thông tư 13; bên bất động sản có Nghị định 69, 71... liên tục tung ra làm hậu quả chính sách tăng lên.

Một điều cũng đáng bàn cãi là một số chính sách bị chậm, khiến người thực hiện bắt không kịp tín hiệu. Cụ thể, tỷ giá bàn mãi bây giờ mới tung ra thì chậm quá, nhập khẩu vàng cũng chậm quá nên không giải quyết được vấn đề gì.

Hơn nữa lại còn có sự bất nhất, lúc cho nhập khẩu vàng, sau lại thôi, lúc cho nhập 3 tấn, sau lại 2 tấn... Hay chính sách kiềm chế giá cả bàn rất quyết liệt, rất bài bản nhưng không thực hiện nên giá cứ tăng mãi. Những bất cập này làm cho quá trình luật ban hành đúng, mặt lý thuyết đúng nhưng hiệu năng của luật không cao, không đúng với ý đồ đưa ra.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách còn phản ứng chậm với thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO