Chi tiêu công và quyền dân biết

ANH THƯ| 24/09/2009 08:16

Mới đây, VN bắt đầu thực hiện mua sắm chính phủ điện tử thông qua hệ thống mua sắm chính phủ có tổng trị giá trên 60 tỷ đồng...

Chi tiêu công và quyền dân biết

Tính ra, mỗi ngày hai vợ chồng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Carla Bruni tiêu 1.082USD (hơn 20 triệu đồng) để chơi hoa. Đây là bản kiểm kê cho năm 2008, năm đầu tiên ông Sarkozy có trọn vẹn 12 tháng nắm quyền. Chuyện ở Pháp cho thấy mọi chi tiêu của Chính phủ đều được kiểm soát rất chặt chẽ, chuyện hoa cỏ tưởng như nhỏ nhặt cũng thành vấn đề quốc gia.

Còn tại Phần Lan, từ thủ tướng cho tới một công vụ viên bình thường đều có thể được mời khách nhưng cùng ăn có những ai, gọi những món ăn gì, tốn bao nhiêu tiền... đều phải ghi vào hóa đơn. Hóa đơn này đưa lên mạng ai cũng có thể đọc được, mọi cái đều có thể kiểm tra rõ. Vì vậy, đã có chuyện một giám đốc ngân hàng cấp trung ương ở Phần Lan, trong buổi tiếp đãi của công vụ viên do không để ý, ăn một gan ngỗng, bị cơ quan truyền thông phát hiện và bị mất chức...

Đó là chuyện ở nước ngoài nhưng có liên quan tới chuyện của VN. Mới đây, VN bắt đầu thực hiện mua sắm chính phủ điện tử thông qua hệ thống mua sắm chính phủ (EPPS) có tổng trị giá trên 60 tỷ (3,3 triệu USD). Theo đó, một loạt quy trình đấu thầu thông thường sẽ được thay thế bằng quy trình tự động, xử lý trên máy tính các khâu từ đăng tải kế hoạch đấu thầu, nộp hồ sơ dự thầu, kết quả đấu thầu... nên cả bên mời thầu và người tham gia đấu thầu không thể làm chệch hướng kết quả trúng thầu. Nhìn xa hơn thì dự án này, nếu thành công, cho thấy tính khả thi về việc quản lý tài sản và chi tiêu công.

Ngoài việc VN chuẩn bị tham gia Hiệp định Mua sắm chính phủ, thì đấu thầu và quản lý tài sản công qua mạng là đòi hỏi bức thiết từ sự lãng phí, thất thoát vô cùng lớn trong nhiều năm qua. Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), trong năm 2008, tổng số tiền chi sai trong việc mua sắm tài sản công đã vượt gấp đôi năm 2007, lên tới 228 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều đơn vị đã dùng tiền ngân sách mua sắm máy móc, thiết bị không phù hợp, hoặc không thể sử dụng được. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, khi mà có tới 27/39 bộ, 37/64 địa phương... không báo cáo về mua sắm công. Thất thoát của mua sắm công đang trở thành nỗi lo lớn cho quản lý ngân sách năm 2009, nhất là khi lượng tiền rất lớn được tung ra để kích cầu nền kinh tế.

Mua sắm công mang theo rủi ro trở thành một cánh cổng cho nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí... Nhiều lần trả lời báo giới, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, việc đã xử lý ai, xử lý thế nào, trách nhiệm của người quyết định sai ra sao, đặc biệt là xử lý đối với khoản tiền hàng trăm tỷ đồng sai phạm đến đâu vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ hoặc không triệt để. Chính vì vậy, mua sắm, đấu thầu công khai qua mạng là một cách thức, dù không mới tại nhiều nước, nhưng sẽ là công cụ hữu hiệu hơn tại VN để quản lý chi tiêu, mua sắm nhà nước.

Tuy nhiên, công cụ sẽ chỉ trở thành vật trang trí nếu thiếu người vận hành có đầy đủ kỹ năng và trách nhiệm. Quá trình mua sắm phải được thực hiện trên tinh thần công bằng, các sản phẩm và dịch vụ được mua sắm phải tương xứng với số tiền bỏ ra; quan chức và nhân viên các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm về hoạt động mua sắm công mà mình phụ trách. Đặc biệt, chi tiêu công phải có sự tham gia của người chủ đích thực của đồng tiền ngân sách là nhân dân - đó là nguyên tắc cao nhất xuyên suốt tính dân chủ, pháp trị, giám sát, công khai, minh bạch...

Khi mà liêm khiết và tự răn mình chưa phải phong cách và trình độ xã hội, thì cần phải thực hiện tính minh bạch ở trình độ cao nhất - minh bạch đến mức chỗ nào cũng thấy, giám sát nơi nào cũng có. Trên tinh thần ấy, internet sẽ là một công cụ hiệu quả

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chi tiêu công và quyền dân biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO