Cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài hay rời sân nhà?

HOÀI HUY| 20/05/2016 06:41

Khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nếu thương hiệu Việt không chuẩn bị tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, phương pháp quản trị tiên tiến thì phải chấp nhận chia sẻ hoặc rời thị trường ngay trên "sân nhà”.

Cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài hay rời sân nhà?

Khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nếu doanh nghiệp (DN) không chuẩn bị tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, phương pháp quản trị tiên tiến thì phải chấp nhận chia sẻ hoặc rời thị trường ngay trên "sân nhà”. 

Đọc E-paper

Nhiều người đặt câu hỏi liệu sẽ có bao nhiêu thương hiệu Việt tiếp tục biến mất, giống như Tribeco, Dạ Lan? Bởi đã có nhiều thương hiệu có tiếng của Việt Nam chứa đựng sự sáng tạo và văn hóa người Việt như Phở 24, Highlands Coffee, X-Men, Bia Huda, Diana, Bibica, Y khoa Hoàn Mỹ, Ngân Lượng, CareerBuilder, Viettronic, Bảo hiểm AAA... đều đã được bán toàn bộ hoặc phần lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Một "ông lớn" trong ngành thực phẩm là Kinh Đô đã mở cửa cho Mondelez International đầu tư 80% mảng kinh doanh bánh kẹo với số tiền 370 triệu USD. Một số "ông lớn" khác như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong đang được các ông chủ người Thái "để mắt". Rồi Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang phải đối mặt với tin đồn về chuyện họ đã bị mua lại bởi một công ty cùng ngành với giá thấp...

Trong một vài năm trở lại đây, thị trường bán lẻ tiếp tục chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng lớn như Metro, Big C về tay các tập đoàn của Thái Lan, rồi sự xuất hiện của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Aeon, Lotte... Thương vụ Power Buy - đơn vị thuộc Central Group (Thái Lan) mua lại gần một nửa cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Hay mới đây, ông chủ sở hữu hệ thống Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa cũng úp mở cho biết, Thiên Hòa chọn thời điểm M&A (mua bán sáp nhập) để tốt nhất cho các cổ đông đối tác bên ngoài, cổ đông nội bộ cũng như nhân viên.

Một điều đáng buồn và đến mức báo động là không ít thương hiệu bị bán đi đồng nghĩa với việc trao lại toàn bộ thị trường lĩnh vực đó cho các nhà đầu tư nước ngoài, như trường hợp Kem đánh răng Dạ Lan, Điện tử Viettronic. Vì thế, nhiều vụ mua bán trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thủy sản, bánh kẹo gần đây khiến không ít người lo lắng thị trường bị DN nước ngoài chi phối, thao túng như trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, con giống gia cầm trong vài năm qua.

>>Thị trường bán lẻ Việt: Nhìn từ thương vụ Central Group thâu tóm Big C

Các thương hiệu Việt nếu không có lộ trình để thích ứng với hội nhập, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài cùng lĩnh vực thì trước sau gì cũng phải chọn giải pháp bán cổ phần để chia sẻ cơ hội đầu tư, đồng thời san sẻ rủi ro trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới và sự cạnh tranh khốc liệt.

Nhằm nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường, mới đây, một tập đoàn kinh tế trong nước tiên phong triển khai chương trình "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa". Theo đó, tập đoàn này sẽ huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện 3 gói giải pháp: Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam qua hệ thống bán lẻ hiện đại, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng nội địa, trực tiếp tham gia sản xuất một số ngành hàng tiêu dùng.

Các DN vừa và nhỏ đang kỳ vọng đây là chương trình tạo tiền đề cho việc nâng cao vị thế hàng Việt, đồng thời cùng cộng đồng chung tay xây dựng các thương hiệu quốc gia.

Các FTA có hiệu lực cùng nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà cả nền sản xuất nội địa. Việc Big C yêu cầu tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới đối với DN Việt Nam cung ứng hàng hóa là một ví dụ. Đó là hồi chuông cảnh báo các DN trong nước, bởi rồi đây không chỉ Big C, nhiều DN bán lẻ ngoại khác cũng sẽ đưa ra mức chiết khấu cao làm cho việc đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị vô cùng khó khăn.

>>Tìm đường vào siêu thị Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài hay rời sân nhà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO