Cạnh tranh trên nền tảng thứ ba

05/10/2013 06:34

Ngành công nghệ thông tin đã tiến lên nền tảng thứ ba, tạo ra một phương thức phát triển mới, tác động mạnh mẽ trên mọi phương diện kinh tế, đời sống xã hội. Liệu doanh nghiệp có bắt kịp cơ hội này?

Cạnh tranh trên nền tảng thứ ba

Ngành công nghệ thông tin đã tiến lên nền tảng thứ ba, tạo ra một phương thức phát triển mới, tác động mạnh mẽ trên mọi phương diện kinh tế, đời sống xã hội. Liệu doanh nghiệp có bắt kịp cơ hội này?

Thế hệ thứ ba

Ngành công nghệ thông tin đã có những bước tiến dài, nếu như nền tảng thứ nhất dựa trên siêu máy tính và thiết bị đầu cuối, thì nền tảng thứ hai xuất hiện vào thập niên 70-80 cho đến cuối thế kỷ 20 với Internet, mạng kết nối, khách hàng và máy chủ đã tạo cơ hội kết nối cho hàng triệu người.

> Doanh nghiệp sử dụng công nghệ quá lạc hậu!
> Công nghệ, con người và chính sách
> Những dân chơi công nghệ trở thành doanh nhân
> Hội thảo kết nối doanh nghiệp VN – Đức về công nghệ thông tin

Và giờ đây, với sự ra đời của điện toán đám mây, công nghệ di dộng (mobility), sự hội tụ của truyền thông xã hội, công nghệ dữ liệu lớn (big data), Internet của sự vật (Internet of things) đã tạo ra một làn sóng kết nối mới phục vụ cho hàng tỉ người, hàng chục tỷ thiết bị. Lúc này không chỉ nói đến kết nối giữa con người với con người mà còn là thiết bị với thiết bị, thiết bị với con người.

IBM đánh giá nền tảng thứ ba có thể thay đổi hoàn toàn các xu hướng công nghệ hiện có, được tóm gọn trong 6 bước, gồm di động, hệ sinh thái dịch vụ có khả năng mở rộng, phân tích đa phương tiện và trực quan, kinh doanh theo ngữ cảnh và nền giáo dục được cá nhân hóa.

Tại hội thảo “Toàn cảnh công nghệ thông tin Việt Nam 2013” tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) đánh giá, nền tảng thứ ba đã tạo cơ hội lớn cho một cuộc cách mạng mới về công nghệ thông tin. Nó làm thay đổi toàn diện môi trường làm việc, cách thức giao tiếp, ứng dụng trên hạ tầng mạng và hình thành các hệ sinh thái phát triển mới.

Cách đây vài năm, nổi lên công nghệ điện toán đám mây, giúp giải phóng các tệp ra khỏi ổ cứng máy tính, thì bây giờ là thời đại Internet của sự vật. Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác Cisco Việt Nam, Internet của sự vật là một bước phát triển của một khái niệm đã ra đời từ thập niên 1990 gọi là machine to machine (kết nối thiết bị với thiết bị).

Đây là một khái niệm mà các cỗ máy, các sự vật trong ngành công nghiệp có thể trao đổi với nhau để con người ở bộ phận điều hành điều khiển được các công cụ lao động, các dây chuyền sản xuất một cách hiệu quả. Khái niệm machine to machine đã được phát triển thành một tầng mới, đó là Internet của sự vật.

Trong đó, các sự vật có thể kết nối với nhau theo phương thức như tổ chức một mạng Internet. Tương lai của Internet của sự vật có thể là một mạng lưới các thực thể thông minh có khả năng tự tổ chức và hoạt động riêng lẻ tùy theo tình huống, môi trường, đồng thời chúng cũng có thể liên lạc với nhau để trao đổi thông tin, dữ liệu.

“Việc tích hợp trí thông minh vào Internet của sự vật còn có thể giúp các thiết bị, máy móc, phần mềm thu thập và phân tích các dấu vết điện tử của con người khi chúng ta tương tác với những thứ thông minh, từ đó phát hiện ra các tri thức mới liên quan tới cuộc sống, môi trường, các mối tương tác xã hội cũng như hành vi con người”, ông Phan Thanh Sơn đánh giá.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam - Lào - Campuchia cho biết, trên thế giới hiện có gần 2 tỉ người kết nối công nghệ 3G và trong 2-3 năm tới, con số này có thể tăng lên đến 4 tỉ.

Theo dự báo, đến năm 2016 thế giới có khoảng 10 tỉ thiết bị kết nối, con số này vào năm 2024 sẽ là 24 tỉ. Hiện nay công nghệ di động đã đi vào tất cả lĩnh vực của cuộc sống và thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta sống, làm việc, trao đổi thông tin, giải trí. Đặc biệt, xu hướng di động cũng thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành, cách mà con người dùng công nghệ thông tin để xử lý công việc.

Doanh nghiệp: Sẵn sàng chưa?

Sự vận động liên tục của công nghệ đã đặt Việt Nam vào xu thế phải thay đổi, đáp ứng những cấu trúc mới để thích nghi và phát triển nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Thực tế, các xu thế mới trong nền tảng công nghệ thứ ba đã được một số doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu và triển khai trên nhiều lĩnh vực.

Điển hình là công nghệ điện toán đám mây đang trở thành một mô hình triển khai công nghệ thông tin cơ bản. Việc ứng dụng điện toán đám mây đã mở rộng trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó chính phủ, giáo dục và viễn thông là những khách hàng tiên phong. Theo thống kê gần đây của HCA, có đến 39% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng dịch vụ đám mây, 19% sử dụng và sẽ gia tăng việc sử dụng và 25% đang đánh giá nghiên cứu, tìm hiểu.

Theo Socialbakers & SocialTimes.Me, tính đến tháng 8/2013, Việt Nam có số người sử dụng Facebook tăng 21,42%, đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ tăng trưởng lượng người sử dụng Facebook; 35% có tài khoản Zing, 24% có tài khoản YouTube. Điều này đã lôi cuốn các công ty công nghệ thông tin hàng đầu vào Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.

IBM đã liên tục mở các hội thảo giới thiệu công cụ phân tích mạng xã hội đến các doanh nghiệp Việt, khiến cách nhìn và đánh giá mạng xã hội của các doanh nghiệp giờ đây đã thay đổi. Hiện nay mạng xã hội có thể là công cụ phân tích hành vi tiêu dùng, tiếp thị, bám sát các xu hướng thay đổi nhu cầu của người dùng…

Internet của sự vật là xu thế mới nổi, nhưng Việt Nam cũng đã theo kịp. Theo ông Phan Thanh Sơn, một bệnh viện Việt Nam đã ứng dụng công nghệ này để theo dõi các bệnh nhân tim mạch nhằm giúp bác sỹ can thiệp kịp thời. Bệnh nhân mang một chiếc vòng chứa các cảm biến để đo các chỉ số và gửi về trung tâm dữ liệu của bệnh viện thông qua mạng kết nối 3G. Bác sỹ trực tiếp theo dõi chỉ số từ xa và khi phát hiện những điều bất thường thì gửi phác đồ điều trị cho bệnh nhân hay yêu cầu xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện can thiệp.

Công nghệ di động (mobility) đã không còn xa lạ và đang tác động sâu sắc trên mọi phương diện của đời sống. Chẳng hạn, có thể nhìn thấy, sự bắt tay hợp tác giữa Vinamilk và Viettel dựa trên công nghệ này qua việc triển khai hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến. Với thiết bị đầu cuối được kết nối Internet băng rộng qua 3G và cáp quang do Viettel cung cấp, Vinamilk có thể giám sát nhà phân phối, giám sát bán hàng và nhân viên bán hàng. Bất cứ đâu và thời điểm nào người quản lý đều có thể nhìn thấy từng hộp sữa được bán ra, từng đồng tiền được thu về...

Các ngân hàng Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào các ứng dụng trên điện thoại di động dành cho cả khách hàng bán lẻ lẫn khách hàng thương mại, như: giao dịch chuyển tiền, thanh toán, kiểm tra tài khoản... “Công nghệ di động làm thay đổi cuộc chơi và tạo ra những cơ hội kinh doanh lớn không thể có trước đây”, ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cạnh tranh trên nền tảng thứ ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO