Cần tái cơ cấu định hướng ngành, vùng

Chuyên gia kinh tế BÙI TRINH| 13/12/2011 05:02

Hiện nay, “tái cơ cấu nền kinh tế” là một cụm từ “nóng” đối với các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chích sách. Thế nhưng, cũng cần đưa cụm từ này vào định hướng về ngành và vùng.

Cần tái cơ cấu định hướng ngành, vùng

Hiện nay, “tái cơ cấu nền kinh tế” là một cụm từ “nóng” đối với các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chích sách. Thế nhưng, cũng cần đưa cụm từ này vào định hướng về ngành và vùng.

Đầu tiên là với hệ thống ngân hàng và các chính sách về tiền tệ, chính sách tài khóa và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Ngoài những vấn đề này, tái cơ cấu nền kinh tế, theo ý kiến của cá nhân tôi, còn cần tái cơ cấu các định hướng về ngành và vùng.

Về ngành, nên chia ra các định hướng phát triển ngành trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm, rồi sau đó định hướng tiếp cho thời kỳ sau dựa vào sự phát triển và tình hình kinh tế, xã hội trong thời gian vừa qua. Nhưng cần phải có một định hướng bao quát, thống nhất.

Đó là xác định các ngành trọng điểm (hoặc ngành mũi nhọn) phải dựa trên những nguyên tắc nhất quán để đảm bảo vừa tăng trưởng vừa bền vững.

Theo một nghiên cứu mới đây của một số chuyên gia trong nước và các chuyên gia của Đại học Kyoto (Nhật Bản), những ngành được chọn cần đồng thời thỏa mãn các điều kiện như: chọn nhóm ngành có độ lan tỏa đến sản xuất trong nước cao; có mức độ kích thích lan tỏa đến nhập khẩu thấp; nhu cầu về sử dụng năng lượng thấp; mức độ ảnh hưởng đến môi trường thấp.

Việc định hướng kiểu tỷ trọng giá trị gia tăng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), nhóm ngành công nghiệp chế biến, khai thác và xây dựng (khu vực II) và nhóm ngành dịch vụ (khu vực III) đóng góp bao nhiêu vào GDP cũng cần cân nhắc kỹ.

Định hướng này có thể đúng trên phạm vi quốc gia, các tỉnh, các vùng không thể áp dụng định hướng chung của một đất nước cho tình hình đặc điểm cụ thể của từng tỉnh (hoặc vùng).

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể hiểu là tỉnh nào cũng phải có thật nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp; tỉnh nào cũng phải có cảng biển hoặc sân bay. Các khu công nghiệp hiện nay hầu hết chỉ làm gia công, dẫn đến tình trạng nhập siêu cao như hiện nay.

Cũng có nhiều lo ngại cho rằng 63 tỉnh đều sẽ dần trở thành khu công nghiệp và thành phố. Quả thực, đất nước qua bao nhiêu thăng trầm, đứng dậy được là nhờ vào nông nghiệp mà sao nay lại ghét nông nghiệp đến thế?

Năm 2011, nếu tăng trưởng GDP có thể đạt tăng trưởng cơ bản là do xuất khẩu tăng cao. Nhưng xuất khẩu tăng không kéo theo nhập khẩu tăng là do nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, khai thác tài nguyên.

Khi nói xuất khẩu dệt may tăng mạnh cần rất cân nhắc, sản phẩm dệt may dù được tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu thì các nguyên vật liệu đầu vào hầu hết cũng từ nhập khẩu, phần tiền còn đọng lại ở phía Việt Nam cũng chỉ là phần gia công.

Như vậy, điều gì xảy ra khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành kế hoạch 5 năm hoặc 10 năm, khi nông nghiệp chỉ còn một phần nhỏ và nhường chỗ cho dịch vụ và gia công?

Một ví dụ khác là cố đô Huế: khách thập phương đến Huế vì vẻ đẹp cổ kính, người ta sẽ không đến Huế nữa khi “Huế mộng Huế mơ” trở thành một khu công nghiệp kiểu Bình Dương, Đồng nai. Lúc đó, thu nhập của Huế liệu có thể trông chờ vào các khu công nghiệp? Điều quan trọng hơn, đất nước và thế giới sẽ mất đi một di tích lịch sử, một thắng cảnh đẹp.

Thậm chí, điều lo lắng nhất là Hà Nội, đất ngàn năm văn vật, trung tâm văn hóa và chính trị của quốc gia từ bao đời nay, liệu có cần trở thành khu công nghiệp?

Về vấn đề này, có thể mượn câu nói của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên trong một hội thảo của Viện Khoa học xã hội: “Một định hướng sai thì là càng đúng càng sai...” và “Mọi thứ phải làm đúng chức năng của nó, như tay phải làm nhiệm vụ của tay và chân phải làm nhiệm vụ của chân...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tái cơ cấu định hướng ngành, vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO