Cần sự nhất quán trong hoạch định chính sách

QUỲNH NHƯ/DNSGCT| 03/11/2012 06:58

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 đang dần hiện rõ qua các số liệu thống kê chín tháng, hoặc qua những phân tích tình hình của các quan chức chính phủ, các chuyên gia… tại diễn dàn Quốc hội cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông khác.

Cần sự nhất quán trong hoạch định chính sách

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 đang dần hiện rõ qua các số liệu thống kê chín tháng, hoặc qua những phân tích tình hình của các quan chức chính phủ, các chuyên gia… tại diễn dàn Quốc hội cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông khác.

E-Paper

Và một điểm chung trong nhiều nhận định là kinh tế năm nay là năm khó khăn nhất trong hơn 10 năm qua. Ở góc độ quản trị, tình hình càng khó càng cho thấy bản lĩnh của những nhà hoạch định chính sách.

Cuối tuần rồi, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trở nên đắn đo khi đi mua sắm

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Để thuyết phục Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, đời sống còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp thì việc nâng mức giảm trừ gia cảnh thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với nhân dân. Phương án này có thể áp dụng sớm hơn, dự kiến có thể từ 1/7/2013, thay vì phải đến năm 2014 như dự định ban đầu.

Điều này hoàn toàn đúng với mong đợi của gần 4 triệu người đang nộp thuế TNCN và tất nhiên nhận được rất nhiều sự ủng hộ (cả nước hiện có 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN, chỉ chiếm 4,4% dân số, và nếu theo dự thảo luật sửa đổi chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế).

Thế nhưng, trong xã hội không chỉ có một bộ phận người dân có mức thu nhập đến ngưỡng chịu thuế TNCN mới có đời sống khó khăn do phải chịu tình hình lạm phát cao như giải thích của Bộ trưởng Huệ, mà còn rất nhiều người đang sống khốn khó hơn nhiều, trong đó có không ít công chức, viên chức – những người hưởng lương từ ngân sách (hiện có hơn 7 triệu người hưởng lương trong khu vực công).

Đối tượng này cũng đang cần nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ người cầm trịch hầu bao của quốc gia giống như những người có khả năng chịu thuế thu nhập.

Hơn một tuần trước đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã tuyên bố tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng không thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức 1,3 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/5/2013 (cho khu vực hưởng lương từ ngân sách). Điều này cho thấy tình hình cân đối ngân sách đang căng thẳng.

Theo số liệu báo cáo trước Quốc hội, chín tháng đầu năm nay thu ngân sách chỉ đạt 740.500 tỉ đồng, bằng khoảng 67% dự toán cả năm, và khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách là rất khó. Chưa kể, năm sau được dự báo vẫn chưa hết khó khăn.

Vì thế, việc đề xuất hoãn tăng lương là sự lựa chọn có thể hiểu được và tương đối dễ thực hiện đối với các nhà điều hành kinh tế. Lối ra duy nhất để tăng lương chỉ có thể là “Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”, theo lời ông Huệ.

Băn khoăn đặt ra ở đây là trong tình hình thu ngân sách như vậy, chúng ta lại sẵn sàng chia sẻ khó khăn chỉ với một bộ phận dân cư bằng cách chấp nhận giảm thu ngân sách, ước tính năm 2013 giảm khoảng 5.200 tỉ đồng, năm 2014 giảm 13.350 tỉ đồng (theo tính toán của Ủy ban Tài chính – ngân sách nếu Quốc hội thông qua việc sửa đổi luật lần này).

Rõ ràng trong việc hoạch định chính sách thiếu sự nhất quán.

Thật vậy, theo bộ Luật Lao động, lương tối thiểu được hiểu là “mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong những điều kiện bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Trên thực tế với mức lương tối thiểu 1,3 triệu đồng/tháng, nếu được tăng đúng lộ trình, vẫn chưa thể bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ – đó là điều mà hầu như ai cũng đồng tình.

Trong khi đó, lộ trình tăng lương này đã được Chính phủ phê duyệt từ trước, với sự tham mưu, tính toán kỹ lưỡng từ các bộ liên quan, nên Bộ Tài chính không thể có một đề xuất như vậy được. 

Gần đây, một thông tin cũng liên quan đến chi ngân sách khiến không ít người bất ngờ là việc Chính phủ đồng ý ứng trước 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước (50%) và nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho các dự án đầu tư công, đã và sẽ hoàn thành trước tháng 6/2013. Liệu Bộ Tài chính có bố trí được nguồn cho khoản chi này chưa mà nó đã được thực hiện.

Thực ra, cũng có một số ý kiến cho rằng vẫn còn những khoản có thể tiết kiệm để có nguồn chi tăng lương như tiết kiệm chi phí hành chính, hội nghị, đặc biệt là giảm tổ chức các cuộc lễ hội (vốn diễn ra khá dày trong hai năm qua), đặc biệt hơn là việc kiểm soát chặt chẽ, giảm thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, lùi thời điểm đầu tư một số dự án chưa thật sự cần thiết.

Cũng phải thừa nhận một thực tế là không phải tất cả những người hưởng lương từ ngân sách đều khó khăn. Thực ra, không ít người trong số họ đang sống thoải mái, thậm chí vương giả là đằng khác, bởi lương chỉ là nguồn thu phụ.

Nhưng những công chức chỉ sống nhờ lương thì đang gặp khó khăn thực sự. Thực trạng này hoàn toàn không phải lỗi ở họ, mà còn ở cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, các nhà làm chính sách cần phải thúc đẩy nhanh việc cải cách chế độ tiền lương, tinh giản bộ máy và nâng cao hiệu quả làm việc…

Hy vọng rằng từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ xem xét tình hình thực tế, cân đối lại thu chi để đảm bảo có nguồn để tăng lương theo đúng lộ trình. 

Trả lương và phụ cấp bằng khoảng 9,6% GDP

Mặc dù lương nhà nước trả cho cán bộ công chức thấp nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo lại chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi ngân sách. Đây là một bất cập cần phải được giải quyết sớm. Theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) năm 2011, lương và phụ cấp ước chiếm 51% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, đạt gần 9,6% GDP, trong khi năm 2010, con số này chỉ là 6,7 % GDP. Ngoài ra, các loại phụ cấp ưu đãi đang có xu hướng mở rộng khiến ngân sách dành cho lương tối thiểu ngày càng mỏng.

Lương thấp, nhưng bộ máy vẫn cứ phình to

Hồi tháng 5/2012, Chính phủ đã phê duyệt gần 282.000 biên chế công chức của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2012. Con số này tăng gấp ba lần so với bình quân những năm trước. (Nguồn: TBKTSG số 44 ra ngày 25/10/2012)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần sự nhất quán trong hoạch định chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO