Cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới 2017

TS. TRẦN DU LỊCH| 24/03/2017 06:31

Cách quản lý hành chính hiện giống như việc đan một mắt lưới để đánh bắt tất cả mọi loại cá. Cá to thì rách lưới còn cá nhỏ thì lọt lưới.

Cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới 2017

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới: quá trình toàn cầu hóa đối đầu với khuynh hướng bảo hộ nội địa của một số quốc gia và khu vực kinh tế, kỳ vọng thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2018 đã không còn, nền kinh tế kỹ thuật số (cách mạng công nghiệp lần thứ 4) đang tác động sâu sắc đến sự thay đổi trong sản xuất và thương mại truyền thống, chính sách kinh tế của Chính phủ Mỹ vẫn còn nhiều ẩn số khó lường... 

Đọc E-paper

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997 - 1999, dù bấy giờ Việt Nam mới bắt đầu hội nhập với thế giới, nền kinh tế đất nước vẫn bị ngưng trệ. Đáng lý thời điểm đó Việt Nam có điều kiện để vươn lên nhưng cuối cùng lại chìm theo các nước trong khu vực vì thiếu chính sách đột phá.

Rút kinh nghiệm từ bài học ấy, với bối cảnh hiện nay, dù cho thế giới có biến động, TPP không thực hiện hoặc không có thành viên quan trọng là Hoa Kỳ, nhưng với những gì đã có, như tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước và khu vực, có thể khẳng định Việt Nam đủ dư địa để tiếp tục hội nhập và phát triển, bởi nền kinh tế đã vận hành mang tính thị trường hơn, nguồn lực xã hội có điều kiện huy động tốt hơn và nhất là những thách thức trong hội nhập cũng chính là cơ hội để vượt qua những hạn chế của chính mình.

Nhưng dù cho bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến đổi khó lường thì cái gốc của vấn đề là Việt Nam có tiến lên được hay không, nền kinh tế có phát triển hay không vẫn phụ thuộc chính vào nội lực, phụ thuộc vào hiệu quả của quá trình cải cách thể chế, năng lực cạnh tranh.

Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực năm 2017 so với tình hình năm 2015 khi Việt Nam xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 - 2020, đã có nhiều thay đổi.

Những thách thức mới đối với nền kinh tế nước ta, nhất là đối với doanh nghiệp vì thế cũng đã thay đổi. Chúng ta đã mất 5 năm, từ 2011 - 2015 để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu chuyển đổi tăng trưởng kinh tế nhưng kết quả rất hạn chế.

Một trong những nguyên nhân là từ kế hoạch trên giấy đến thực thi nhiệm vụ cụ thể diễn ra quá chậm, như năm 2011 có chủ trương nhưng đến đầu năm 2013 Chính phủ mới phê duyệt chủ trương, đến khi hết nhiệm kỳ 5 năm của lãnh đạo các bộ ngành, các chương trình tái cơ cấu chuyển đổi tăng trưởng kinh tế mới được thông qua!

>>Hướng tới "thể chế kinh tế bao dung"

Chẳng hạn chủ trương xây dựng TP.HCM trở thành đô thị dẫn đầu với tính đặc thù, tính tự chủ là một ví dụ điển hình cho những bất cập trong cải cách thể chế nền kinh tế. Nói đến TP.HCM người ta nói nhiều đến thu ngân sách 30% của cả nước, nhưng đóng góp quan trọng nhất của TP.HCM là sự phát triển của một đô thị công nghiệp hiện đại dẫn đầu cả nước.

Để TP.HCM trở thành một chính quyền đô thị cần có dư địa để phát huy tính tự chủ. Năm 2002, khi xác định vị trí của TP.HCM trong sự phát triển, Bộ Chính trị xác định không so sánh TP.HCM với các tỉnh - thành phố trong nước mà phải so sánh với Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Philippines, Singapore.

Từ đó một định chế theo tinh thần Nghị quyết 20 và 16 của Bộ chính trị về TP.HCM được đưa ra: những vấn đề nào mà luật pháp chưa quy định hoặc quy định nhưng không phù hợp thì Chính phủ cho TP.HCM thực hiện thí điểm. Cải cách thể chế phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế không ai dám thực hiện vì trái với quy định thì sợ trách nhiệm!

Một trong những trở ngại lớn nhất của công cuộc thay đổi thể chế hiện nay chính là hệ thống thể chế bao phủ tất cả các lĩnh vực, đó là cách quản lý đất nước bằng một nền hành chính thống nhất nhưng thực tế đang xây dựng một nền hành chính đồng nhất. 63 tỉnh - thành với thiết chế hành chính giống hệt nhau.

Như vậy, cách quản lý hành chính giống như việc đan một mắt lưới để đánh bắt tất cả mọi loại cá. Cá to thì rách lưới còn cá nhỏ thì lọt lưới.

Để có thể bắt kịp xu thế đổi thay của thế giới, điều cần làm trước nhất chính là nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế. Không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống ở 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công.

Nhanh chóng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt.

Điều này sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn bất cứ chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Năm 2017 còn nhiều khó khăn, nên chưa thể kỳ vọng đến một sự tăng trưởng đột phá nào đó, nhưng những nỗ lực của "chính phủ hành động" trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, việc cụ thể hóa cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, hy vọng sẽ là năm chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới.

>>Xây dựng thể chế kinh tế: Đâu là nền móng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO